Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Cách tính thuế thu nhập cá nhân chuyển nhượng BĐS, chứng khoán
Mạnh Bôn - 09/12/2014 07:03
 
Kể từ ngày 1/1/2015, thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán của cá nhân chỉ áp dụng một mức thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Cho thuê nhà 100 triệu đồng không phải nộp thuế
Thương vụ chuyển nhượng Metro Vietnam: Cần cái nhìn khách quan
Truy thu hơn 2 tỷ đồng thuế thu nhập cá nhân với các "sao"
Tính thuế thu nhập cá nhân theo hướng dẫn mới thế nào?
Vợ phải nộp thuế TNCN khi… chồng chết

Trong khi chờ Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế vừa được Quốc hội thông qua, Bộ Tài chính vừa yêu cầu cơ quan thuế các cấp phải triển khai ngay một số nội dung, nhiệm vụ trong tháng 12/2014 để bảo đảm luật thuế đi vào cuộc sống kể từ ngày 1/1/2015.

Theo quy định hiện hành, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với hộ gia đình, cá nhân kinh doanh căn cứ vào thu nhập chịu thuế tính theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu hoặc doanh thu tính thuế và trừ chi phí kinh doanh. Hộ gia đình, cá nhân được tính giảm trừ gia cảnh khi xác định thu nhập tính thuế sau đó nhân với thuế suất theo biểu thuế lũy tiến từng phần để xác định số thuế TNCN phải nộp.

  Cách tính thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng chứng khoán, BĐS  
  Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính  

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính, kể từ ngày 1/1/2015, thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh chỉ nộp thuế TNCN theo tỷ lệ trên doanh thu đối với từng lĩnh vực, ngành nghề sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, đối với lĩnh vực phân phối, cung cấp hàng hóa, thuế TNCN được tính bằng 0,5% doanh thu; dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu là 2% doanh thu; cho thuê tài sản, đại lý bảo hiểm, đại lý xổ số, đại lý bán hàng đa cấp là 5% doanh thu; sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu là 1,5% doanh thu; hoạt động kinh doanh khác là 1% doanh thu.

Vẫn theo ông Tuấn, kể từ ngày 1/1/2015, thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán của cá nhân chỉ áp dụng một mức thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần thay cho thực hiện 2 phương pháp tính thuế theo Nghị định 65/2013/NĐ-CP (thuế suất đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán là 20% trên thu nhập tính thuế cả năm hoặc áp dụng thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần). Thực hiện chính sách thuế mới, cá nhân không phải quyết toán thuế TNCN đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán.

Đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản của cá nhân, ông Tuấn cho biết, kể từ 1/1/2015, chỉ áp dụng một mức thuế suất 2% trên giá chuyển nhượng từng lần thay cho thực hiện 2 phương pháp tính thuế theo Nghị định 65/2013/NĐ-P (thuế suất đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản là 25% trên thu nhập tính thuế hoặc trong trường hợp người nộp thuế không xác định được giá vốn và các chi phí liên quan thì áp dụng thuế suất 2% trên giá chuyển nhượng).

Theo yêu cầu của Bộ Tài chính, ngay trong tháng 12 này, UBND cấp huyện, chi cục thuế trên cả nước phải tiến hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân kinh doanh có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm thực hiện nộp thuế theo phương pháp khoán ổn định kê khai doanh số làm cơ sở xác định mức thuế khoán ổn định cho năm 2015 theo các chính sách thuế mới.

Cụ thể, mức thuế khoán hằng tháng đối với hộ gia đình, cá nhân kinh doanh trong năm 2015 được xác định bằng số thuế TNCN phải nộp (doanh thu chịu thuế nhân với tỷ lệ thuế TNCN) cộng với số thuế giá trị gia tăng phải nộp (doanh thu chịu thuế nhân với tỷ lệ thuế giá trị gia tăng).

Mặc dù vậy, trên tinh thần Chỉ thị 14/CT-TTg về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015, Bộ Tài chính đặt ra mục tiêu, về cơ bản số thuế mà hộ gia đình, cá nhân kinh doanh phải nộp năm 2015 sẽ cao hơn tối thiểu 16% so với số thực tế năm 2014.

Để thực hiện được mục tiêu này, theo ông Tuấn, UBND cấp huyện, chi cục thuế toàn quốc phải phối hợp với phòng kinh tế kiểm tra thực tế, đánh giá doanh số đối với từng địa bàn phường, xã; từng ngành nghề kinh doanh, nhất là hộ, cá nhân kinh doanh nhà hàng ăn uống, thương mại, kinh doanh vận tải... để xác định đúng, đủ doanh số tính thuế phù hợp với thực tế kinh doanh của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh.

Doanh số phải phù hợp với thực tế quy mô kinh doanh, phạm vi kinh doanh, phù hợp nguyên tắc đảm bảo chi phí đầu tư, chi phí đầu vào của sản xuất kinh doanh như chi phí thuê mặt bằng, nguyên nhiên vật liệu, điện nước, giá vốn hàng hoá bán ra, thuê nhân công...

Trước ngày 25/12/2014, cơ quan thuế phải công bố dự kiến mức doanh thu, mức thuế khoán năm 2015 của từng hộ gia đình, cá nhân kinh doanh tại trụ sở UBND cấp xã, trụ sở đội thuế; ban quản lý chợ... để người dân giám sát, theo dõi.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư