Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Cải thiện môi trường kinh doanh: Trông chờ hiệu quả thực thi
Bảo Duy - 11/01/2024 08:55
 
Giờ là lúc bắt tay vào thực thi, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp sẽ tiếp tục đồng hành, như đã rốt ráo đi cùng quá trình soạn thảo, tìm kiếm, đề xuất các giải pháp.

Đây là điều mà nhiều hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp chia sẻ ngay sau sự trở lại của nghị quyết hằng năm về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh - Nghị quyết 02/2024/NQ-CP.

Thực tế, khi xây dựng nghị quyết này, cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì soạn thảo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã đi cùng với nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp để nhận diện thực chất tình hình, xác định cụ thể những vướng mắc, khó khăn cũng như tính cấp bách của các vấn đề. Vì vậy, các giải pháp được đưa ra trong Nghị quyết 02/2024/NQ-CP đã được các doanh nghiệp xác nhận là đúng, trúng.

Có những vướng mắc đã kéo khá dài, từng được thảo luận nhiều, cũng như đã có chỉ đạo hướng giải quyết như thủ tục phòng cháy, chữa cháy; kết nối dữ liệu camera từ xe ô tô kinh doanh vận tải; cắt giảm các quy định trong lĩnh vực dược, khám bệnh, chữa bệnh, an toàn thực phẩm; tháo gỡ những bất cập về điều kiện kinh doanh trong kinh doanh vận tải đường bộ bằng xe ô tô và trong lĩnh vực đào tạo, sát hạch lái xe…

Cũng không ít vấn đề nhức nhối, doanh nghiệp kiến nghị nhiều, song vẫn chưa có những thay đổi thực sự, tiếp tục được nhấn mạnh, nhưng với nguyên tắc thực thi cụ thể, rõ ràng. Đó là yêu cầu rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra để đảm bảo không trùng lặp, chồng chéo; không cản trở, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp. Hay yêu cầu rà soát, cắt giảm danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành theo nguyên tắc cơ quan có thẩm quyền quy định tiêu chuẩn an toàn, người sản xuất, kinh doanh tự tuân thủ; áp dụng đầy đủ nguyên tắc về quản lý rủi ro dựa trên mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp và mức độ rủi ro của hàng hóa; phân biệt những vi phạm nhỏ mang tính hành chính, không ảnh hưởng đến giá trị và chất lượng của hàng hóa…

Ngay cả nhóm giải pháp nhằm tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp nghe có vẻ trùng lặp với các giải pháp tài khóa, tiền tệ, nhưng đã gửi đi thông điệp rất rõ ràng. Đó là, bên cạnh các giải pháp hướng được dòng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và các động lực tăng trưởng, thì chính việc tháo gỡ các vướng mắc về hoàn thuế giá trị gia tăng; giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng kịp thời cho doanh nghiệp, người nộp thuế đảm bảo đúng đối tượng, chính sách, quy định…, hay mở rộng đường để doanh nghiệp thuận lợi trong tuân thủ quy định, giảm tối đa chi phí… cũng là giải pháp để doanh nghiệp có cơ hội chắt chiu thêm vốn cho các hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh.

Đặc biệt, lần đầu tiên, kinh nghiệm chính sách tốt đã được chứng minh hiệu quả về cách thức quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm) đã được nhắc tới, với yêu cầu chú trọng nhân rộng quy định về áp dụng quản lý rủi ro; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm…

Có thể nói, tinh thần “Năm quyết tâm” mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra trong Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương đã được thể hiện một cách sinh động, cụ thể trong từng nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 02/2024/NQ-CP.

Khi Chính phủ, chính quyền các địa phương quyết tâm tháo gỡ khó khăn, vượt qua mọi thách thức trong các lĩnh vực; quyết tâm thực hiện không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; quyết tâm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân được thụ hưởng thật; quyết tâm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm người dân, doanh nghiệp được hưởng các chế độ, chính sách và thành quả mang lại; quyết tâm nỗ lực phấn đấu cao nhất để đạt kết quả tốt nhất trong năm 2024, thì cộng đồng doanh nghiệp chắc chắn đặt trọn sự tin tưởng, sát cánh cùng hành động.

Nhưng niềm tin của cộng đồng kinh doanh cũng chính là áp lực đặt nặng lên các cơ quan thực thi!

Doanh nghiệp Việt bất lợi vì lãi suất cao
Lãi suất tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 cao hơn trung bình các quốc gia cạnh tranh khoảng 3%, tổng hợp các yếu tố đã tạo ra những yếu tố hết...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư