Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Cần 610.000 tỷ đồng cho Đề án Bảo đảm an ninh nguồn nước
Nguyễn Lê - 16/09/2021 19:43
 
Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Đề án Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2045.
.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trình Đề án.

Đề án Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chiều 16/9.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết mục tiêu cụ thể của đề án là đến năm 2030: Đảm bảo cân đối đủ nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ và các ngành kinh tế quan trọng; Đầu tư xây dựng các hồ chứa nước lớn, hệ thống chuyển nước liên vùng; hoàn thành sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa nước hư hỏng, xuống cấp, thiếu năng lực phòng, chống lũ.

100% dân cư thành thị, 65% dân số nông thôn, 100% các đảo có đông dân cư được cấp nước sạch đạt quy chuẩn; 30% diện tích cây trồng được thực hiện phương thức canh tác tiên tiến và tưới tiết kiệm nước.

 50% tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường, trong đó ít nhất 20% nước thải sau xử lý được tái sử dụng; 98% khu công nghiệp, khu chế xuất, 80% tổng lượng nước thải các làng nghề có hệ thống xử lý nước thải bảo đảm tiêu chuẩn; 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng được xử lý;

Kiểm soát cơ bản các hoạt động khai thác, sử dụng nước; kiểm soát 100% các nguồn thải vào nguồn nước, công trình thuỷ lợi; cải thiện, phục hồi các dòng sông, nguồn nước bị suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt nghiêm trọng;

Duy trì tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42%, duy trì diện tích rừng tự nhiên hiện có; bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái ngập nước quan trọng, rừng và các nguồn sinh thuỷ.

Thẩm tra đề án, Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội đề nghị nghiên cứu, bổ sung vào mục tiêu cụ thể đến 2020 một số nội dung như giảm sự phụ thuộc vào nguồn nước xuyên biên giới; Bảo đảm các chỉ tiêu về an ninh nguồn nước quốc gia; Xây dựng cơ chế tài chính về nước; Bảo vệ, phát triển rừng là nguồn sinh thủy, bảo tồn và phát triển bền vững môi trường sinh thái;

 Bảo đảm dòng chảy tối thiểu cho các dòng sông; xử lý, phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt; chủ động, ứng phó kịp thời với mọi thảm họa, thiên tai do nước gây ra cũng là nội dung được cơ quan thẩm tra đề nghị cần bổ sung.

Liên quan đến kinh phí, theo Tờ trình của Chính phủ, tổng nhu cầu vốn thực hiện Đề án trong giai đoạn 2021-2030 là 610.000 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách trung ương là 200.000 tỷ, vốn ngân sách địa phương và xã hội hóa là 410.000 tỷ. Giai đoạn 2021-2025 ngân sách Trung ương 80.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương và xã hội hóa 168.000 tỷ đồng.

Cơ quan thẩm tra cho rằng cần làm rõ cơ sở pháp lý để xác định tỉ lệ cơ cấu các nguồn vốn trong toàn bộ giai đoạn triển khai Đề án và riêng cho giai đoạn 2021- 2025.

Ngoài ra, Uỷ ban cũng đề nghị Chính phủ cần làm rõ khả năng huy động nguồn vốn ngoài ngân sách bố trí cho Đề án trong giai đoạn 2021- 2025; nhất là nguồn vốn xã hội hóa; nguồn hợp tác công tư; bổ sung thêm nguồn vốn lồng ghép với các chương trình, dự án khác đang triển khai nhằm đảm bảo tính thống nhất, khả thi, đồng bộ, đảm bảo nguyên tắc đầu tư có lộ trình, trọng tâm, trọng điểm trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án. Đồng thời cần làm rõ căn cứ phân bổ nguồn vốn cho giai đoạn 2026-2030.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư