Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Cần cơ chế để tự chủ đại học phát huy hiệu quả
Mộc An - 01/11/2022 12:05
 
Thực hiện tự chủ, song nguồn thu của hầu hết các trường đại học hiện nay chỉ trông vào học phí. Nếu không có cơ chế để có nguồn thu khác, thì sức ép chi phí sẽ khiến các trường phải tăng quy mô tuyển sinh, tăng học phí. Hệ lụy nhìn thấy rõ là tác động trực tiếp đến người học, gây bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đại học.

Áp lực tự chủ buộc phải tăng thu học phí?

Từ khảo sát, đánh giá của các hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng trường, tự chủ đại học đã tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh; thúc đẩy các trường đầu tư và nâng cao chất lượng đào tạo để cạnh tranh trong tuyển sinh, thu hút sinh viên giỏi, hướng tới thực chất và phát triển bền vững.

Thành công lớn nhất của tự chủ đại học là thay đổi tư duy, nhận thức, hành động, nhất là việc quản trị đại học đã có thay đổi từ cách thức quản lý nhà nước tới quản trị nhà trường, phân bổ nguồn lực, phát huy nguồn lực, cung cấp dịch vụ giáo dục - đào tạo tới người học.

Tuy vậy quá trình tự chủ đại học cũng đang tồn tại nhiều hạn chế, khó khăn. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho rằng, việc triển khai những điều kiện tự chủ theo Luật Giáo dục đại học ở các cơ sở giáo dục đại học còn chậm trễ, như thành lập hội đồng trường, kiện toàn bộ máy lãnh đạo quản lý, kiểm định cơ sở giáo dục đại học, xây dựng văn bản quy chế nội bộ để thực hiện quy định của Luật Giáo dục đại học.

Muốn giáo dục đại học phát triển, thì các nguồn thu từ dịch vụ và các nguồn thu khác phải tăng lên, chiếm 30 - 40%.

- GS. Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội

Vướng mắc này một phần do nhận thức và năng lực quản trị đại học, phần khác do thiếu sự quan tâm của các cơ quan quản lý trực tiếp trong việc chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục đại học khi thực hiện tự chủ sẽ gặp những khó khăn do thiếu thốn cơ sở vật chất, yếu về tài chính, năng lực. Cơ cấu kinh phí, tài chính của các trường phụ thuộc lớn vào nguồn thu học phí; ít nguồn khai thác khác về hoạt động khoa học công nghệ, dịch vụ.

Trong khi đó, tỉ lệ chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học tính trên GDP rất thấp, chỉ đạt 0,25 - 0,27% (ở các nước trong khu vực là 0,6 - 1%). Chưa kể, kinh phí chi thường xuyên cho các trường đại học bị cắt giảm hàng năm theo lộ trình, càng gây khó khăn cho các trường trong việc phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao cũng như thúc đẩy nghiên cứu...

Theo GS. Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, hiện nguồn thu của hầu hết các trường đại học chỉ trông vào học phí. Với đà này, chỉ 3 năm nữa là tới giới hạn khả năng tăng học phí, bởi không thể tăng thêm nữa. Nếu không đầu tư ngân sách, thì chắc chắn giáo dục đại học sẽ khó “cất cánh”.

Trong tự chủ đại học, khó nhất là tự chủ tài chính. PGS-TS. Võ Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học (Đại học Huế) chia sẻ, trong bối cảnh tuyển sinh cạnh tranh gay gắt, nguồn thu chính từ học phí có nhiều rủi ro, trong khi để tăng nguồn thu từ khoa học công nghệ và các hoạt động khác là không dễ.

Đầu tư của Nhà nước có giảm?

Trước một số ý kiến cho rằng, khi thực hiện tự chủ đại học, sẽ cắt giảm tuyệt đối đầu tư của Nhà nước, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn khẳng định, ý kiến này là không đúng.

Mục tiêu của tự chủ đại học là phát huy nội lực, phát huy sức mạnh của cả hệ thống và từng đơn vị trong trường tới đội ngũ giảng viên để thu hút các nguồn lực, nâng cao chất lượng đào tạo. Khi các cơ sở giáo dục đại học sử dụng nguồn lực của nhà nước hay xã hội tốt hơn, hiệu quả hơn, chính là Nhà nước cần đầu tư nhiều hơn.

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho rằng, đầu tư cho giáo dục đại học mang lại lợi ích rất lớn cho trước mắt và lâu dài, cho sự phát triển bền vững của đất nước. Quan điểm này khác hẳn với tư duy, nhận thức cho rằng, nơi nào cần hỗ trợ mới cấp ngân sách; trường nào thực hiện tốt tự chủ, có khả năng bảo đảm hoặc bảo đảm một phần kinh phí thường xuyên sẽ không cấp ngân sách.

Luật Giáo dục đại học năm 2018 cũng quy định rất rõ, Nhà nước chỉ thay đổi cơ chế phân bổ ngân sách, chứ không phải Nhà nước giảm vai trò cấp ngân sách, đầu tư vào các trường đại học.

Ở một góc nhìn khác, theo GS. Lê Quân, hiện có những trường đại học đạt doanh thu ngàn tỷ đồng, nhưng đó là nhờ vào học phí. “Muốn giáo dục đại học phát triển, thì các nguồn thu từ dịch vụ và các nguồn thu khác phải tăng lên, chiếm 30 - 40%. Mà muốn làm được điều đó, phải gỡ được nút thắt về sử dụng tài sản công”, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nói.

Theo một số chuyên gia, để khắc phục những bất cập đang tồn tại trong tự chủ đại học các cơ quan, bộ, ngành có liên quan cần sửa đổi bổ sung các quy định về kiểm tra tài chính, kế toán phù hợp với các đơn vị sự nghiệp tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư.

Đồng thời, cần bổ sung quy định về đầu tư đối với các cơ sở giáo dục đại học khi thực hiện tự chủ ở các mức độ khác nhau, theo phân tầng đại học trọng điểm, đại học vùng. Để có nguồn tài chính bù đắp cho phần kinh phí thiếu hụt, các trường cần thực hiện các giải pháp nhằm tăng nguồn thu, như tăng cường công tác tuyển sinh, ký hợp đồng đào tạo mới và đào tạo lại nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp.

Tự chủ đại học: Kỳ vọng tạo nên cuộc cách mạng toàn diện
Ngày 4/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức lễ khai mạc Hội nghị Tự chủ đại học năm 2022.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư