Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Tự chủ đại học: Kỳ vọng tạo nên cuộc cách mạng toàn diện
D.Ngân - 04/08/2022 15:32
 
Ngày 4/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức lễ khai mạc Hội nghị Tự chủ đại học năm 2022.

Hội nghị được tổ chức dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn và Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh.

Hội nghị nhằm đánh giá kết quả đã đạt được trong triển khai tự chủ đại học, thẳng thắn nhìn nhận khó khăn, vướng mắc, xác định những nguyên nhân trọng yếu, từ đó định hướng lộ trình cùng những việc cần làm trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị Tự chủ đại học năm 2022.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết việc thực hiện tự chủ đại học ở Việt Nam diễn ra dưới sự chỉ đạo nhất quán, xuyên suốt thông qua các chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong ba thập niên vừa qua và đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực. Tự chủ đại học như một cuộc cách mạng để thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học.

Theo định hướng đổi mới đó, giáo dục đại học đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, đặc biệt trong mấy năm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã và đang chuyển đổi dần cơ chế, từng bước thực hiện các quyền chủ động của mình và nhờ đó, các cơ sở giáo dục đại học đã năng động hơn, năng lực cạnh tranh tốt hơn, cả hệ thống đại học đã có những chuyển biến mạnh mẽ cả nhận thức và hành động, cả lý luận và thực tiễn.

Theo Bộ trưởng, tự chủ đại học là một cơ chế mới, phức tạp, cần đồng bộ của nhiều yếu tố, nhiều khâu, nhiều hoạt động. Vì vậy, trong quá trình triển khai, thời gian qua vẫn có những vướng mắc, còn bộc lộ những hạn chế, khó khăn và đó cũng là điều khó tránh khỏi.

Có những vướng mắc do hệ thống các văn bản quy định pháp luật làm nền tảng cho việc triển khai còn có những điểm chồng chéo, thiếu đồng bộ và nhất quán.

Khó khăn, vướng víu do những thói quen cũ, cách nghĩ cũ, tư duy cũ. Vướng mắc do sự chia sẻ và đón nhận từ xã hội có chuyển biến chưa đồng bộ và tương thích.

Có cả những ngộ nhận về các quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan tới tự chủ…; có những trục trặc phát sinh trong quá trình chuyển đổi hệ thống và chuyển đổi của các đơn vị, các thành tố. Và cả những vấn đề nảy sinh từ các điều kiện để thực hiện tự chủ trong bối cảnh chuyển đổi kinh tế xã hội của Việt Nam trong hơn 30 năm qua.

Về phía các cơ sở giáo dục, GS. TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương nhìn nhận, thực tế cho thấy, tự chủ đại học đã trở thành nhu cầu tự thân, xu thế tất yếu và có tính khách quan.

Tự chủ đại học vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam phát huy tính chủ động, sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh.

Một số mô hình tự chủ đại học đã dần được định hình. Nhận thức về tự chủ đại học đã được nâng lên ở tầm cao mới; tự chủ đại học thực sự đã tạo ra một sức sống mới giúp các trường công lập nâng cao chất lượng đào tạo; đồng thời, hướng tới cung cấp cho thị trường lao động nguồn nhân lực chất lượng cao hơn.

Ở một số ngành nghề đào tạo, nhân lực không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn đáp ứng nhu cầu khu vực và quốc tế. Vấn đề chuyển giao công nghệ và tri thức cũng có những chuyển biến tích cực.

Công tác đảm bảo chất lượng, số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên và viên chức quản lý của các cơ sở giáo dục đại học nâng cao rõ rệt.

Nhấn mạnh chìa khóa để thành công trong tự chủ đại học là các cơ sở giáo dục đại học cần phải có được nhận thức đúng đắn về tự chủ đại học; PGS. TS Bùi Anh Tuấn trao đổi: Thứ nhất, các cơ sở giáo dục đại học cần có nhận thức đúng đắn, phù hợp về vai trò của tự chủ đại học đối với sự phát triển của các cơ sở giáo dục đại học trong bối cảnh mới.

Cần phải coi tự chủ đại học là một xu thế tất yếu cho sự phát triển và sẽ là xu thế chủ đạo trong thời gian tới. Để làm được điều này, cần nhanh chóng thay đổi tư duy của viên chức và lãnh đạo trong các cơ sở giáo dục đại học công lập.

Thứ hai, các cơ sở giáo dục cần đảm bảo sự thống nhất, đoàn kết giữa các thiết chế Đảng ủy, Hội đồng trường và Ban Giám hiệu trong quản trị đại học. Tùy vào tình hình cụ thể của cơ sở giáo dục đại học mà các vị trí này cần phải được bố trí, sắp xếp một cách phù hợp, khoa học, đảm bảo sự gắn kết, hỗ trợ, kiểm soát lẫn nhau vì mục tiêu phát triển chung của cơ sở giáo dục đại học.

Trong bài tham luận của mình, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH FPT nhìn nhận, việc thực hiện tự chủ trong giáo dục đại học là một điểm nhấn quan trọng trong phát triển giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Đây là xu hướng toàn cầu, thậm chí còn có cả ý kiến kêu gọi không đưa tên các trường đại học ở các quốc gia có sự can thiệp quá sâu của Nhà nước vào các bảng xếp hạng đại học quốc tế.

Đặt vấn đề, nếu như đại học không tự chủ thì làm sao tạo lập được môi trường đổi mới và đào tạo được lớp người có tư duy sáng tạo; TS Lê Trường Tùng cho rằng, nếu như không được đào tạo trong môi trường đổi mới sáng tạo thì làm sao sinh viên sau này có thể cạnh tranh bởi sự khác biệt, làm sao có tư duy làm tốt, làm tốt hơn, làm sao vượt lên khỏi các công việc mang tính quy trình sẽ là việc dành cho robot và trí tuệ nhân tạo sau này.

"Hiện nay, khi bàn về tự chủ trong giáo dục đại học, chất lượng thường là yếu tố được nhấn mạnh. Tuy nhiên trong bối cảnh giáo dục đại học Việt Nam hiện nay, nên chăng mục tiêu chiến lược kết hợp hài hòa giữa chất lượng, số lượng và hiệu quả” - TS Lê Trường Tùng nêu quan điểm.

Tự chủ đại học tạo cơ hội phát triển bình đẳng giữa trường công và trường tư
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được các đại biểu Quốc hội đánh giá là sẽ tạo điều kiện...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư