Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Cần đem tinh thần chống dịch Covid-19 vào cải thiện môi trường kinh doanh
Kỳ Thành - 27/05/2020 12:58
 
Dẫn chứng Nghị định 41 được ban hành rất nhanh trong thời gian ngắn, Phó Viện trưởng CIEM cho rằng cần đem tinh thần chống dịch Covid-19 vào cải thiện môi trường kinh doanh.
TIN LIÊN QUAN

Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 tập trung vào 10 nhóm lĩnh vực cải cách môi trường kinh doanh, cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính… mới chỉ “sờ” đến một phần của môi trường, thể chế, điều kiện kinh doanh.

Nghị quyết 68/NQ-CP Ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025 ra đời là chương trình cải cách toàn diện và tổng thể, hướng tới bãi bỏ tất cả các quy định từ điều kiện kinh doanh hay thủ tục hành chính. Chúng ta sẽ không còn tranh cãi đó là gì nữa, mà tất cả những gì khiến phát sinh chi phí của doanh nghiệp, gây cản trở, khó khăn cho doanh nghiệp thì bãi bỏ. “Cái này sẽ có tác động rất lớn”, ông Hiếu nói.

Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, việc thực thi Nghị quyết 68 là vô cùng quan trọng. “Trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã thành công trong kiểm soát dịch Covid-19 thì Chính phủ nên đem tinh thần chống dịch Covid-19 vào việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Ông Phan Đức Hiếu viện dẫn, vừa rồi, tinh thần đó tạo ra rất nhiều hiệu quả, chỉ trong thời gian ngắn, Chính phủ có rất nhiều gói biện pháp. “Tôi chưa bao giờ thấy trong một thời gian ngắn mà Nghị định 41/2020 (về việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất - PV) được ban hành nhanh như vậy”.

Phó Viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu
Phó Viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu

Cho rằng việc thực thi các gói giải pháp hỗ trợ là vô cùng quan trọng, nhưng theo ông Hiếu, qua những trao đổi của ông với doanh nghiệp và tự đặt mình trong vai trò là doanh nghiệp đi tìm hiểu các thông tin về các chính sách hỗ trợ, ông thấy rằng việc này không dễ dàng.

Trên Cổng dịch vụ công Quốc gia có ngay mục “Hỗ trợ đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19”, nhưng vào trang web các bộ ngành thì tìm mỏi mắt, ông Hiếu cho hay.

Ông Hiếu cho rằng, cần thiết lập đường dây nóng để doanh nghiệp có thể tương tác trực tiếp với cơ quan Chính phủ. “Trong lúc chống dịch, Chính phủ và các bộ ngành liên tục nhắn tin cho người dân đã đem lại hiệu quả, nhưng sao chúng ta không nhắn tin cho doanh nghiệp? Anh muốn giãn thuế, muốn thuê lao động… thì chỉ cần click vào đường link thôi. Như vậy sẽ vô cùng thuận lợi cho doanh nghiệp”, ông Hiếu gợi ý.

Chia sẻ tại hội nghị trực tuyến “Hiến kế cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh Covid-19” chiều 26/5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, để kịp thời ứng phó với đại dịch Covid-19 cũng như chia sẻ khó khăn, bảo đảm cuộc sống cho nhân dân, người lao động, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp mạnh mẽ để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, an ninh lương thực, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội, đồng thời, tiếp tục cắt giảm TTHC, điều kiện kinh doanh, sản phẩm hàng hóa kiểm tra chuyên ngành và chuyển đổi phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước theo hướng điện tử hóa, phi giấy tờ.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã cắt giảm, đơn giản hóa 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh; cắt giảm 6.776/9.926 danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành… Tổng chi phí tiết kiệm từ việc cắt giảm, đơn giản hóa là hơn 18 triệu ngày công; tiết kiệm tương đương 6.300 tỷ đồng/năm.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư