Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Cần đưa chương trình giáo dục khởi nghiệp vào trường học
Ngọc Tân - 25/03/2016 07:18
 
Trong thời kỳ hội nhập kinh tế toàn cầu hiện nay, hoạt động khởi nghiệp được xem là là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển nội lực của nền kinh tế. Đà Nẵng với vai trò là thành phố động lực của cả khu vực Miền Trung – Tây Nguyên đã và đang hướng đến xây dựng một môi trường kinh doanh khởi nghiệp, làm động lực cho việc thúc đẩy sự phát triển của kinh tế trong tương lai.

Ông Võ Duy Khương, nguyên Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, hiện là Chủ tịch Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp Đà Nẵng đã có những chia sẻ với Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn về hoạt động ươm tạo của Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng.

Thưa ông! Việc thành lập Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng bắt nguồn từ ý tưởng nào? mục tiêu của thành phố khi lập ra Vườn ươm là gì, thưa ông?

Trong những năm qua, thành phố Đà Nẵng đã triển khai nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phát triển. Tuy nhiên, để tạo nên một sức bật mới, mang tính bước ngoặt trong phát triển cộng đồng doanh nghiệp ở giai đoạn tiếp theo, Đà Nẵng cần phải có hướng đi mới, một tầm nhìn dài hạn hơn. Thành phố đã xác định một trong những hướng đi mới đó là tạo dựng được một văn hóa khởi nghiệp, thúc đẩy hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp trong các tầng lớp dân cư, đặc biệt là đối với các bạn trẻ.

Ông Võ Duy Khương, nguyên Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, Chủ tịch Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp Đà Nẵng.
Ông Võ Duy Khương, nguyên Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, Chủ tịch Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp Đà Nẵng.

Vườn ươm doanh nghiệp TP Đà Nẵng (DNES) được thành lập từ 14/12/2015 là kết quả của quá trình thực hiện các chủ trương của lãnh đạo thành phố, sự hợp tác, chung tay, góp sức của các Sở ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức Viện, trường Đại học, cao đẳng và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Vườn ươm thành phố Đà Nẵng ra đời với chức năng là hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển cộng đồng khởi nghiệp lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có sản phẩm cạnh tranh cao; hỗ trợ, ươm tạo doanh nghiệp có các dự án kinh doanh tiềm năng; đầu tư các doanh nghiệp khởi nghiệp và các doanh nghiệp nhỏ và vừa mới đi vào hoạt động trên địa bàn; kết nối xây dựng mạng lưới nguồn lực; thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và sáng tạo trong cộng đồng sinh viên, hình thành cộng đồng khởi nghiệp Đà Nẵng ngày càng năng động và chất lượng.

Ông có thể chia sẻ những ý tưởng  khởi nghiệp của các bạn trẻ vừa qua đã được Hội đồng tuyển chọn để Vườn ươm đầu tư hỗ trợ không? Những ý tưởng này sau khi được lựa chọn sẽ được Vườn ươm doanh nghiệp hỗ trợ cụ thể như thế nào thưa ông?

Hiện tại có 8 nhóm dự án đang được ươm tạo tại vườn ươm có liên quan đến các lĩnh vực về công nghệ, môi trường, du lịch và giáo dục.

Hiện tại, các dự án khởi nghiệp khi tham gia vườn ươm doanh nghiệp thành phố đang được hỗ trợ các cơ sở vật chất cơ bản như các không gian làm việc, các không gian dùng chung, được cung cấp các tiện ích, các dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp với giá rất ưu đãi, được đào tạo và tư vấn với nhiều chuyên đề bằng các công cụ hiện đại với các chuyên gia có uy tín của Việt Nam, được hỗ trợ tư vấn các dịch vụ pháp lý, sở hữu trí tuệ, hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm, kết nối các doanh nghiệp, các nhà đầu tư thiên thần, các quỹ đầu tư mạo hiểm, được sinh hoạt trong môi trường cộng đồng khởi nghiệp và làm việc trong môi trường có văn hóa khởi nghiệp đặc trưng…

Bất kỳ hoạt động nào khi mới bắt đầu cũng sẽ gặp những khó khăn nhất định, vậy theo ông, những khó khăn của Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng trong việc hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp của các bạn trẻ hiện nay là gì?

Trước tiên phải nói tới khó khăn về nguồn lực. Khởi nghiệp Đà Nẵng hiện nay đang thiếu các nguồn lực hỗ trợ chất lượng cao: các chuyên gia tư vấn giỏi; các công ty khởi nghiệp thành công; các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư thiên thần. Tiếp đến là khó khăn về môi trường phát triển cho các ý tưởng và dự án. Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã xuất hiện nhiều không gian làm việc chung giành cho khởi nghiệp như Toong, Dreamplex và UP-Coworking space. Đó là những mô hình giúp các nhóm khởi nghiệp có môi trường để phát triển doanh nghiệp với mức chi phí thấp và hiệu quả cao. Tuy nhiên ở Đà Nẵng, chúng ta chưa có những mô hình này.

Cuối cùng, từ những bài học kinh nghiệm trên thế giới, có thể thấy được vai trò quan trọng nhất là của chính phủ trong việc hoạch định chính sách và khung pháp lý tạo điều kiện cho việc phát triển khởi nghiệp, đó là nội dung mà hiện nay Việt Nam còn đang thiếu. Chính quyền Đà Nẵng bước đầu đã có những chủ trương và chính sách để hỗ trợ khởi nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, đòi hỏi cần phải có sự đầu tư mạnh mẽ hơn nữa của chính phủ, chính quyền thành phố để có thể tạo được hành lang pháp lý, kết nối các nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để ươm tạo các ý tưởng khởi nghiệp, đồng thời định hướng và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp trong các tầng lớp dân cư.

Vấn đề khởi nghiệp hiện nay là một trong những mấu chốt để phát triển nội lực của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai, nhất là trong thời ký hội nhập nền kinh tế chứa nhiều thách thức và cơ hội. Theo ông, để hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp trong tình hình mới hiện nay nhà nước cần có những chính sách, cơ chế nào? Cộng đồng các doanh nghiệp cần có những hỗ trợ như thế nào và bản thân các bạn trẻ khi bắt đầu triển khai các ý tưởng khởi nghiệp thì cần phải thực hiện những điều gì?

Tôi cho rằng, để các hoạt động khởi nghiệp trong thời gian đến thành công, điều đầu tiên cần sự đầu tư thật sự, mạnh mẽ của các cấp lãnh đạo Trung ương và thành phố, xây dựng hệ thống các chính sách hỗ trợ tốt nhất cho cộng đồng khởi nghiệp; đưa các chương trình giáo dục khởi nghiệp vào các trường trung học phổ thông, Cao đẳng và Đại học; hình thành các trung tâm nghiên cứu sáng tạo và hỗ trợ khởi nghiệp ở các khu vực trọng điểm.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp cần chung tay hỗ trợ và gắn kết với cộng đồng khởi nghiệp để tạo sức bật gia tăng giá trị thông qua sự hợp tác các nguồn lực; chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng không ngừng giúp đỡ nhau cùng phát triển.

Đối với các bạn trẻ cần phải có tư duy muốn đóng góp cho xã hội, không ngừng tìm tòi, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và những ý tưởng mới để giải quyết những bất cập, tạo giá trị cho xã hội. Hiện này có khá nhiều các bạn trẻ có quan niệm sai về mục đích khởi nghiệp là để kiếm tiền mà quên mất mang lại giá trị mới là mấu chốt của thành công. Khi bạn giải quyết được một vấn đề cho xã hội, xã hội sẽ đền đáp bạn xứng đáng.

Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn!

Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội tiếp tục quản lý dịch vụ Vườn ươm doanh nghiệp
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 712/QĐ-UBND, tiếp tục giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là đơn vị quản lý, vận hành và xây dựng phương...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư