Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
Cần Thơ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các cơ chế, chính sách
Trúc Giang - 18/11/2023 10:28
 
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết, dù gặp phải một số khó khăn, vướng mắc nhưng Thành phố tiếp tục quán triệt, triển khai đầy đủ, đạt chất lượng nội dung Nghị quyết số 45/2022/QH15.

Qua gần 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11/2/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Cần Thơ, đến nay kết quả đạt được ra sao, thưa ông?

Nghị quyết số 45/2022/QH15 quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP.Cần Thơ về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai; quy hoạch; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý; chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ và Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại Cần Thơ. Nghị quyết có hiệu lực kể từ ngày 1/3/2022.

.
Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Việt Trường.

Để kịp thời chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết, UBND TP.Cần Thơ đã khẩn trương tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 22/2/2022 về triển khai thực hiện Nghị quyết số 45/2022/QH15. Đồng thời, UBND Thành phố đã cụ thể hóa các nhiệm vụ tại Kế hoạch số 34/KH-UBND ngày 18/2/2022 và ban hành Kế hoạch số 45/KH-UBND ngày 4/3/2022 để thường xuyên thông tin, tuyên truyền về Nghị quyết. Sau gần 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 45/2022/QH15, kết quả đạt được như sau:

Đối với chính sách về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, gồm có 3 cơ chế, chính sách, tuy nhiên hiện nay do khó khăn về nguồn lực nên việc triển khai vẫn còn chậm, thành phố đã và đang có nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các cơ chế, chính sách. Trong đó, thành phố đang thực hiện Đề án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, với tổng số tiền khoảng 2.000 tỷ đồng,  thực hiện trong năm 2024 và năm 2025 để tập trung thực hiện các dự án quan trọng của thành phố.

Về chính sách phí, lệ phí, UBND thành phố đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn rà soát cụ thể, chi tiết để xác định các khoản thu có thể thực hiện, không làm ảnh hưởng đến các chính sách hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp, tham mưu UBND thành phố trình HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết để triển khai thực hiện. 

Dự kiến, trước mắt các khoản phí, lệ phí sẽ được xem xét, đề nghị HĐND Thành phố thông qua gồm: Phí đỗ xe tại một số tuyến đường trung tâm tại các quận, huyện; phí sử dụng mặt bằng công viên để tổ chức sự kiện, dịch vụ mục đích thương mại (ngắn ngày); phí sử dụng hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật để lắp đặt công trình ngầm, công trình nổi đối với đơn vị có tính chất kinh doanh; lệ phí cấp phép đào đường, vỉa hè, lắp đặt hạ tầng ngầm.

Đối với chính sách về quản lý đất đai, HĐND Thành phố đã thông qua danh mục bổ sung các dự án cần thu hồi đất trong năm 2022 tại Nghị quyết 20/NQ-HĐND ngày 8/7/2022, trong đó có 2 dự án có sử dụng đất trồng lúa trên 10 ha, gồm Dự án Đường Vành đai phía Tây TP.Cần Thơ với diện tích 157,75 ha và Dự án Đường tỉnh 921 với diện tích 22,38 ha. Việc triển khai Nghị quyết số 45/2022/QH15 về quản lý đất đai cơ bản đảm bảo trình tự, thủ tục đủ cơ sở để triển khai thực hiện.

Chính sách về quản lý quy hoạch, hiện UBND thành phố đang tích cực chỉ đạo và chuẩn bị tổ chức thực hiện khi phát sinh nhu cầu theo tình hình thực tế của địa phương trong thời gian tới.

Với chính sách về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, UBND thành phố trình HĐND Thành phố chủ trương xây dựng Nghị quyết quy định chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể do thành phố quản lý; Nghị quyết quy định mức thu nhập cho chuyên gia, nhà khoa học, trí thức có trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ cao hợp tác, làm việc tại TP.Cần Thơ giai đoạn 2022-2027. Tuy nhiên, để thực hiện chính sách, thành phố phải tự cân đối ngân sách và đáp ứng các điều kiện khác có liên quan. Vì vậy, Ban Thường vụ Thành ủy và Thường trực HĐND Thành phố đã thống nhất chủ trương chưa thực hiện chính sách tại thời điểm này, cho đến khi đủ điều kiện thi hành, đảm bảo phù hợp với nguồn lực của thành phố.

Cần Thơ quyết tâm thực hiện Nghị quyết số 45 ngày 11. 2. 2022 của Quốc hội với hiệu quả cao nhất. Ảnh -Trần Vũ

Chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ và Dự án Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ được quy định tại Nghị quyết số 45/2022/QH15 thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Hai dự án này hiện triển khai ra sao ?

Đối với Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ, dự kiến trong tháng 11/2023, Bộ Giao thông vận tải tham mưu Chính phủ sửa đổi Nghị định số 159/2018/NĐ-CP ngày 28/11/2018 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa theo hướng sẽ phân cấp, phân quyền cho địa phương thực hiện nạo vét trong vùng nước cảng biển. 

Trong thời gian chờ sửa đổi Nghị định số 159/2018/NĐ-CP, Bộ Giao thông vận tải sẽ lấy ý kiến các Bộ ngành liên quan để tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết giao UBND TP.Cần Thơ là cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện Dự án báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Đối với dự án Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ, thành phố đã làm việc với cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ, trong đó tiếp tục lấy ý kiến một số Bộ, ngành. Đến nay, đã thống nhất một số nội dung quan trọng như: Quy mô Dự án khoảng 250 ha; hoạt động Trung tâm là một khu vực sản xuất kinh doanh (không phải là khu công nghiệp); cơ sở pháp lý về sử dụng đất thực hiện dự án. 

Ngày 13/7/2023 UBND TP.Cần Thơ có Công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Văn phòng Chính phủ về việc làm rõ hồ sơ trình thành lập Trung tâm. Dự kiến, Đề án sẽ được phê duyệt sau khi Quy hoạch TP.Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt. Thành phố sẽ tập trung tổ chức thực hiện các thủ tục pháp lý có liên quan, sớm lựa chọn nhà đầu tư và đưa vào vận hành Trung tâm.

Thành phố có gặp khó khăn, vướng mắc gì trong quá trình thực hiện Nghị quyết, cũng như đề xuất, kiến nghị tháo gỡ những vướng mắc đó, thưa ông?

Bên cạnh sự nỗ lực quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân trong việc đẩy nhanh công tác thể chế hóa các cơ chế, chính sách theo tinh thần của Nghị quyết thì trong quá trình thực hiện, Cần Thơ vẫn gặp phải nhiều tồn tại, hạn chế. 

Đó là, kết quả thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể có hiệu quả chưa cao, tiến độ còn chậm so với yêu cầu đặt ra của Nghị quyết do nguồn lực của thành phố còn khó khăn như: Các chính sách về tài chính, ngân sách; chính sách về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.

Nhiều ưu đãi đầu tư đối với dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ bảo đảm chuẩn tắc luồng hàng hải cho tàu có trọng tải từ 10.000 tấn trở lên ra vào các cảng của Thành phố

Tính chủ động trong phối hợp, đề xuất chưa cao, do đó một số cơ chế chính sách đặc thù chưa được triển khai hoặc chưa đủ điều kiện triển khai thực hiện. Cụ thể, đối với Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ, hiện nay chưa quy định nội dung về phân cấp thẩm quyền cho TP.Cần Thơ để thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng; chưa có quy định hoặc hướng dẫn liên quan đến phương pháp xác định giá sản phẩm tận thu sản phẩm nạo vét.

Đối với Dự án Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ, quy định pháp luật hiện hành chưa có khung pháp lý về mô hình tổ chức hoạt động của Trung tâm liên kết, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư nhà đầu tư hạ tầng; việc thu hồi đất để thành lập Trung tâm theo quy định tại Luật Đất đai không thuộc diện thu hồi đất theo quy định tại Điều 62 của Luật Đất đai, do đó việc thu hồi đất để thành lập Trung tâm sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới.

Thưa ông, để đẩy nhanh tiến độ triển khai Nghị quyết số 45/2022/QH15, thành phố xác định những nhiệm vụ trọng tâm nào cần quan tâm thực hiện trong thời gian tới ?

Để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai cụ thể hóa, đưa nội dung Nghị quyết số 45/2022/QH15 đi vào thực tế, mang lại hiệu quả cao nhất, Thành phố tiếp tục quán triệt, triển khai đầy đủ, đạt chất lượng nội dung Nghị quyết số 45/2022/QH15. 

Trong đó, phát huy hơn nữa tính chủ động, tích cực của các ngành, các cấp trong công tác tham mưu đề xuất, kịp thời tham mưu UBND Thành phố phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành Trung ương hoàn thành nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết theo lộ trình, thời gian và nội dung phân công cụ thể.

Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết Trung ương…, từng ngành, lĩnh vực bám sát tình hình thực tiễn, kịp thời ứng phó với những vấn đề cấp bách phát sinh trong ngắn hạn, đồng thời thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mang tính căn cơ trong trung và dài hạn; tăng cường kiểm tra giám sát, đánh giá tiến độ triển khai, kịp thời đề xuất cấp thẩm quyền giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc phát sinh.

Khẩn trương trình Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch TP.Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công; thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, đô thị, bảo vệ môi trường; đẩy nhanh tiến độ thực hiện điều chỉnh đồ án quy hoạch chung, kế hoạch sử dụng đất 5 năm của thành phố.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện chủ động, linh hoạt, hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm; triển khai các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để đẩy mạnh thu hút đầu tư; đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư của các dự án động lực trọng điểm của thành phố, xem đây là cơ sở để thành phố có bước bức phá trong thời gian tới.

Cần Thơ dự kiến phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để thực hiện các dự án trọng điểm
Theo kế hoạch, TP. Cần Thơ dự kiến phát hành trái phiếu chính quyền địa phương với số tiền 1.000 tỷ đồng để triển khai thực hiện các dự...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư