Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Cần Thơ đề nghị chuyển gần 360 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2023 sang nơi có nhu cầu
Trúc Giang - 06/06/2023 07:22
 
UBND TP. Cần Thơ đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình cấp thẩm quyền điều chuyển 359,635 tỷ đồng kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2023 sang bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương khác.

UBND TP. Cần Thơ vừa có Công văn số 1933/UBND-XDĐT gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc đề nghị cắt giảm kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 nguồn ngân sách trung ương (vốn nước ngoài).

Tại Công văn nêu trên, UBND TP. Cần Thơ cho biết, tổng kế hoạch vốn đầu tư cộng năm 2023 Thành phố được Thủ tướng Chính phủ giao 7.875,185 tỷ đồng tại Quyết định số 1513/QĐ-TTg ngày 3/12/2022. Trong đó, vốn ngân sách trung ương 2.730,250 tỷ đồng, gồm vốn trong nước 1.965,700 tỷ đồng (trong đó có 350 tỷ đồng dành cho dự án kết nối, có tác động liên vùng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững và 1.095 tỷ đồng nguồn vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội); vốn nước ngoài 764,550 tỷ đồng.

Công trình xây dựng Bệnh viện Ung bướu TP. Cần Thơ quy mô 500 giường

Đến nay, TP. Cần Thơ đã giao chi tiết 2.212,615 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương, còn lại 517,635 tỷ đồng chưa giao chi tiết. 

Vốn trong nước còn lại 158 tỷ đồng chưa giao chi tiết, dự kiến bố trí cho Dự án nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP. Cần Thơ (105 tỷ đồng, dự án chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt); Dự án nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị 9 Trung tâm Y tế tuyến huyện trên địa bàn TP. Cần Thơ (53 tỷ đồng, dự án chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt).

Vốn nước ngoài còn 359,635 tỷ đồng, dự kiến bố trí cho Dự án Bệnh viện Ung bướu TP. Cần Thơ (quy mô 500 giường).

Tuy nhiên, với Dự án Bệnh viện Ung bướu TP. Cần Thơ, thời gian hiệu lực của Hiệp định vay vốn đã hết, thủ tục gia hạn chưa thể hoàn thành và không thể giải ngân vốn ODA dự kiến bố trí cho dự án trong năm 2023.

“UBND TP. Cần Thơ kính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, trình cấp thẩm quyền điều chuyển 359,635 tỷ đồng kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2023 (vốn nước ngoài) sang bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương khác có nhu cầu”, Công văn nêu.

Bệnh viện Ung bướu TP. Cần Thơ được xây dựng tại Khu đô thị hai bên đường Nguyễn Văn Cừ, phường An Bình, quận Ninh Kiều, có quy mô 500 giường bệnh, được đầu tư hiện đại và đồng bộ cả về cơ sở hạ tầng, nhân lực và trang thiết bị y tế. Đồng thời, đây còn là cơ sở dữ liệu ung thư kết nối dữ liệu quốc gia và quốc tế phục vụ cho nghiên cứu đào tạo và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Theo thiết kế, Dự án gồm 4 khối nhà chính, với tổng diện tích sàn là 46.453 m2, có tổng mức đầu tư gần 1.728 tỷ đồng (tương đương 70.574.000 Euro). Trong đó, vốn vay ODA của Chính phủ Hungary gần 1.394 tỷ đồng (tương đương 56.927.480 Euro, chiếm 80,66%) và vốn đối ứng của TP. Cần Thơ trên 334 tỷ đồng (tương đương 13.646.520 Euro, chiếm 19,34%). Dự án do Sở Y tế TP. Cần Thơ làm chủ đầu tư.

Dự án đã được tổ chức lễ động thổ vào ngày 11/10/2017. Theo kế hoạch, vào cuối tháng 9/2021 đưa vào hoạt động thay thế cho cơ sở Bệnh viện ung bướu hiện nay (tọa lạc tại đường Châu Văn Liêm, quận Ninh Kiều) vốn dĩ chật hẹp và quá tải. Tuy nhiên, do vướng mắc về tỷ lệ xuất xứ hàng hóa, trang thiết bị bệnh viện, Dự án chậm tiến độ và hiện nay đã ngưng thi công.

Liên quan đến vướng mắc làm chậm tiến độ xây dựng Bệnh viện Ung bướu TP. Cần Thơ, tại Công văn số 205/TB-VPCP ngày 3/6/2023 của Văn phòng Chính phủ Thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ (vào ngày 14/5/2023), Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo và giải quyết trong quý III/2023; giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP. Cần Thơ và các Bộ, cơ quan liên quan thành lập Tổ công tác khẩn trương đàm phán với phía Hungary gia hạn Hiệp định khung của Dự án, giải quyết vướng mắc về tỷ lệ xuất xứ hàng hóa với trang thiết bị bệnh viện để tiếp tục triển khai Dự án.

Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, đã có địa phương xin trả lại vốn
Tính đến hết tháng 5/2023, ước giải ngân vốn đầu tư công đạt 22,22% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn 41.000 tỷ đồng so với cùng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư