Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Cần Thơ tập trung nguồn lực triển khai 3 dự án động lực
Trúc Giang - 18/04/2022 22:15
 
Đó là các dự án: Trung tâm năng lượng Ô Môn, Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore tại Cần Thơ, Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL tại Cần Thơ.

Chiều ngày 18/4, UBND TP. Cần Thơ tổ chức họp cơ quan báo, đài quý I năm 2022.

Ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Cần Thơ cho biết, trong quý I/2022, tình hình kinh tế - xã hội của Thành phố bắt đầu phục hồi tốc độ phát triển; các ngành, lĩnh vực và hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục đà phục hồi tích cực. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn quý I/2022 của thành phố đạt 5,75%, là mức tăng trưởng khá so với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (đứng thứ hai ĐBSCL, sau tỉnh Bạc Liêu với 5,86%), đứng thứ 3/5 thành phố trực thuộc Trung ương (sau Hải Phòng, Hà Nội).

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Cần Thơ Lê Thanh Tâm  cho biết trong Quý I năm 2022, GRDP của TP. Cần Thơ đạt 5,75%

Ông Tâm cũng cho biết, hầu hết các chỉ số phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp... của Thành phố trong quý I/2022 đều tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, về lĩnh vực công nghiệp, chỉ số phát triển công nghiệp ước tăng 9,1% so cùng kỳ năm 2021.

Về lĩnh vực thương mại - dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt gần 42 ngàn tỷ đồng, đạt 26,63% kế hoạch, tăng 12,66% so với cùng kỳ.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước thực hiện 505 triệu USD, đạt 25% kế hoạch, tăng 8% so với cùng kỳ.

Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Quý I/2022, Thành phố cấp mới đăng ký kinh doanh cho 460 doanh nghiệp các loại hình, đạt 32,85% kế hoạch, với tổng vốn đăng ký hơn 2.347 tỷ đồng, đạt 14,66 % kế hoạch. So với cùng kỳ, số doanh nghiệp đăng ký mới tăng 21,37%.

Về đầu tư xây dựng cơ bản, tính đến ngày 24/3/2022, kết quả giải ngân kế hoạch các nguồn vốn đầu tư công là 498,301/7.030,266 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 71,1% kế hoạch.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đến ngày 20/3/2022 đạt gần 3.088 tỷ đồng, đạt 18,77% dự toán Trung ương giao và đạt 18,32% dự toán HĐND Thành phố giao.

Trung tâm năng lượng Ô Môn là một trong ba dự án trọng điểm của TP. Cần Thơ. Ảnh: Lương Minh

Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết, hiện Thành phố đang tập trung nguồn lực để triển khai 3 dự án trọng điểm, quy mô lớn, đó là: Trung tâm năng lượng Ô Môn, Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VISIP) tại Cần Thơ và Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ. Đây là những dự án được kỳ vọng sẽ đưa Cần Thơ phát triển đột phá trong thời gian tới.

Đối với Trung tâm năng lượng Ô Môn, ông Hiển cho biết, trước đây dự kiến làm 4 nhà máy nhiệt điện Ô Môn, nhưng hiện nay chủ trương sẽ làm 5 nhà máy, gồm: Nhà máy nhiệt điện Ô Môn I, II, III, IV, V với vốn đầu tư cho mỗi nhà máy khoảng 1,3 tỷ USD. Theo ông Hiển, cộng lại vốn đầu tư của cụm 5 nhà máy này hơn 20 năm vừa qua kêu gọi đầu tư của Thành phố.

Trong đó, Nhà máy nhiệt điện Ô Môn I đã hoàn thành đi vào hoạt động. Dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn II đã cấp chủ trương đầu tư, đang làm các thủ tục để triển khai xây dựng. Dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn III đang trình Quốc hội xin vốn ODA để triển khai dự án. Dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn IV đã có chủ trương đầu tư, đang phát hành hồ sơ chọn lựa đơn vị thi công. Dự án nhiệt điện Ô Môn V, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang xin chủ trương đầu tư.

Theo ông Hiển, nguồn thu ngân sách từ 5 dự án này khi hoàn thành rất lớn. Kể cả trong quá trình thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị cũng thu được rất nhiều thuế. “Đây là các dự án rất quan trọng, vì vậy, Thành phố tập trung hỗ trợ nhà đầu tư để triển khai sớm cụm dự án này”, ông Hiển nói.

Đối với dự án Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore tại Cần Thơ (VSIP), ông Hiển cho biết, trước mắt, Thành phố giao cho VSIP 293 ha đất (giai đoạn 1) trong khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (được quy hoạch 900 ha). Hiện VSIP đang khẩn trương xin Thủ tướng Chính phủ cấp chủ trương đầu tư. VISIP cam kết sau 12 tháng kể từ khi bắt đầu khởi công làm hạ tầng sẽ lấp đầy 50% diện tích 293 ha đất khu công nghiệp được giao. Theo ông Hiển, Thành phố đánh giá cao VISIP bởi sự thành công trong thời gian qua của Tập đoàn này khi đầu tư phát triển khu công nghiệp tại các địa phương trong cả nước.

Đối với dự án Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ, ông Hiển thông tin, theo quy hoạch Trung tâm này là 450 ha, nhưng Thành phố muốn quy hoạch diện tích lớn hơn, bởi nhiều nhà đầu tư quan tâm. Trung tâm này dự kiến đặt tại khu vực cạnh Cảng hàng không quốc tế TP Cần Thơ, và sẽ được giao cho Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ quản lý, vận hành, mời gọi các nhà đầu tư vào làm. “Trung tâm này hoàn thành đi vào hoạt động, đây sẽ là điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP. Cần Thơ”, ông Hiển chia sẻ.

Đề xuất hạ giá trần vận chuyển hành khách nội địa đi/đến sân bay Cần Thơ
Đây là một trong những giải pháp vừa được Cục Hàng không Việt Nam đề xuất nhằm tăng cường khai thác đi/đến sân bay Cần Thơ và các sân bay...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư