Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Cần tư duy và hành động mới về FDI (phần 1)
GS-TSKH Nguyễn Mại - 15/09/2013 08:00
 
Tác động của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cần được đánh giá đúng để từ đó đổi mới đồng bộ công tác quản lý nhà nước đối với FDI, thống nhất hành động theo hướng coi trọng chất lượng và hiệu quả, ưu tiên các dự án có công nghệ cao, góp phần xây dựng kinh tế xanh và phát triển bền vững. Gỡ 13 vấn đề lớn để hút FDI từ Nhật

Nước ta đang đối mặt với bài toán kinh tế khó và không thuận chiều, một mặt phải kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; mặt khác phải khắc phục trạng thái suy giảm để phục hồi tăng trưởng kinh tế nhằm thực hiện mục tiêu dài hạn.

Trong giai đoạn 2006 - 2012, nước ta đã thu hút trên 150 tỷ USD vốn FDI đăng ký. Ảnh: Đức Thanh

Lời giải đúng là sự kết hợp giữa giải pháp tình thế với giải pháp chiến lược để vừa giải quyết những vấn đề thời sự, vừa tạo tiền đề phát triển bền vững trong tương lai.

Thực hiện thành công Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ “Về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới” sẽ góp phần vào lời giải đúng này.

Đánh giá khách quan về tác động của FDI

Sau khi dư luận xã hội về việc một số doanh nghiệp FDI trốn thuế bằng cách “chuyển giá” lắng xuống, thì gần đây, trên một số báo giấy và báo mạng lại tỏ ra bức xúc về thực trạng các doanh nghiệp nước ngoài đang thao túng thị trường thức ăn chăn nuôi, làm chủ thị trường bán buôn và bán lẻ.

Khi Samsung đang triển khai những dự án đầu tư hơn 4,5 tỷ USD tại Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội, xuất khẩu 12,5 tỷ USD năm 2012, thì có chuyên gia kinh tế đặt vấn đề: lợi ích mà nước ta thu được từ Samsung có thỏa đáng không khi mà giá trị gia tăng chỉ khoảng 10%, thu ngân sách chỉ mấy trăm tỷ đồng/năm (!).

Cuộc sống luôn đặt ra những vấn đề mà con người phải đối mặt và giải quyết. Dư luận xã hội đối với FDI là chuyện thường tình của một đất nước mở cửa hội nhập với thế giới, do đó, cần có sự trao đổi cởi mở để tìm được cách tiếp cận đúng cho mỗi vấn đề mà xã hội quan tâm.

Thử hỏi, nếu không có Tập đoàn CP (Thái Lan) đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đầu tiên tại tỉnh Đồng Nai năm 1993, hiện đã khép kín quy trình sản xuất và cung ứng gia cầm, thì ngành chăn nuôi nước ta có đạt được trình độ như ngày nay không (?).

Big C, Metro… không chỉ góp phần thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của một số tầng lớp cư dân, mà còn đưa vào nước ta phương thức mới về bán buôn và bán lẻ khá hiện đại, có tác động lan tỏa đối với doanh nghiệp Việt Nam khi hàng ngàn siêu thị mini được hình thành ở khắp các miền của đất nước.

Để khắc phục thực trạng “thua ngay trên sân nhà”, thì giải pháp cơ bản là nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, đầu tư đổi mới công nghệ và phương thức kinh doanh, thiết lập quan hệ hợp tác chiều dọc để tiêu thụ sản phẩm, coi trọng chất lượng, kiểu dáng và giá cả hàng hóa như cách mà nước ta đã làm khi thực hiện khá thành công chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Có đáng thu hút vốn đầu tư của Samsung để Việt Nam trở thành một trung tâm lớn của thế giới về sản xuất và xuất khẩu điện thoại di động không (?). Các nhà máy của Samsung đã tạo việc làm cho 38.000 lao động và trong 2 năm tới sẽ tạo thêm 50.000 - 60.000 việc làm mới, với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng, trong đó có mấy ngàn kỹ sư, nhà quản trị cấp cao.

Năm nay, Samsung đã hết thời hạn miễn thuế thu nhập doanh nghiệp và sẽ nộp cho ngân sách tỉnh Bắc Ninh khoảng 1.000 tỷ đồng (khoảng 10 tỷ đồng/ha diện tích đất sử dụng). Ngoài ra, còn có khoản nộp ngân sách của các doanh nghiệp phụ trợ của hãng này.

Vấn đề cấp thiết là, Chính phủ và chính quyền các địa phương cần có chính sách khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam có đủ năng lực và đáp ứng yêu cầu làm vệ tinh sản xuất linh kiện, phụ kiện cho Samsung, tranh thủ cơ hội để vừa hình thành ngành công nghiệp phụ trợ, vừa giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt, vươn lên làm chủ công nghệ hiện đại.

Đầu tư nước ngoài là hoạt động dài hạn, do đó, để đánh giá đúng hiệu quả kinh tế - xã hội của nguồn vốn FDI, cần có quan điểm chiến lược gắn với mục tiêu kinh tế - xã hội của từng giai đoạn 5 năm và 10 năm.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, từ đầu năm đến ngày 20/8, vốn FDI đăng ký đạt 12,63 tỷ USD, tăng 11,95%; vốn FDI thực hiện đạt 6,76 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2012. Đó là những con số khá ấn tượng để khẳng định tác động to lớn của khu vực FDI đối với kinh tế Việt Nam trong điều kiện kinh tế thế giới và FDI toàn cầu chưa phục hồi như dự báo đầu năm.

Cần có định hướng mới về FDI

Vào dịp kỷ niệm 20 năm hoạt động FDI (1987 - 2007), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội thảo quốc tế và đề ra định hướng mới về FDI trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm thực tiễn để thực hiện chủ trương của Đảng được thể hiện tại Nghị quyết đại hội X của Đảng (2006):

“Tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài, phấn đấu đạt trên 1/3 tổng vốn đầu tư xã hội trong 5 năm. Mở rộng lĩnh vực, địa bàn và hình thức thu hút FDI, hướng vào những thị trường giàu tiềm năng và tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về số lượng và chất lượng, hiệu quả nguồn vốn đầu tư nước ngoài”.

Từ đó đến nay, trong khi nhiều nước ASEAN như Indonesia, Philippines, Thái Lan đã nhanh chóng cải thiện môi trường đầu tư, tạo nên lực hấp dẫn đối với FDI thế giới, thì một số yếu tố của môi trường đầu tư ở nước ta, nhất là hệ thống luật pháp và thủ tục hành chính, vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của các nhà đầu tư lớn.

Năm 2006, Chính phủ phân cấp cho chính quyền tỉnh, thành phố, ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao cấp phép dự án FDI (trừ một vài ngành và lĩnh vực như dầu khí, ngân hàng, bảo hiểm) đã làm cho cuộc đua để thu hút FDI giữa các địa phương trở nên sôi động, tính năng động, sáng tạo của chính quyền tỉnh, thành phố được phát huy, song cũng đã nảy sinh nhiều bất cập trong việc lựa chọn nhà đầu tư và dự án FDI.

Vì vậy, trong giai đoạn 2006 - 2012, nước ta chỉ đạt được mục tiêu về số lượng FDI, thu hút trên 150 tỷ USD vốn đăng ký và 65 tỷ USD vốn thực hiện, nhưng chưa có chuyển biến rõ rệt về chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội.

Do vậy, trên cơ sở kinh nghiệm 25 năm hoạt động FDI (1987 - 2012), bối cảnh kinh tế thế giới và đầu tư quốc tế, chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng mới, Chính phủ đã đề ra định hướng mới là coi trọng hơn cơ cấu, chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI, ưu tiên các dự án có công nghệ và dịch vụ hiện đại, tiết kiệm năng lượng, ít phát thải khí các-bon và các loại khí gây hiệu ứng nhà kính, có công nghệ thân thiện với môi trường, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần xây dựng kinh tế xanh và phát triển bền vững.

Tập trung thu hút FDI vào ngành, lĩnh vực ưu tiên về công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp. Phân loại các khu kinh tế, khu công nghiệp để xử lý trên nguyên tắc hiệu quả kinh tế - xã hội, khắc phục tình trạng lãng phí đất đai, đầu tư theo phong trào.

Các địa phương cần quan tâm đến định hướng thu hút FDI đối với tỉnh và thành phố để thực hiện có hiệu quả quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương, vùng lãnh thổ và ngành kinh tế kỹ thuật, thiết lập mối quan hệ giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI để hướng các doanh nghiệp trong nước tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị giá trị toàn cầu.

Về thị trường và đối tác, vừa coi trọng các doanh nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động tại Việt Nam, đồng thời tạo môi trường thuận lợi để thu hút nhiều hơn các tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu thế giới từ Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... bằng cách tiếp cận chính sách đối ngoại của từng nước và chiến lược toàn cầu về thương mại và đầu tư của từng tập đoàn kinh tế lớn; thực hiện phương thức kết hợp công - tư (PPP) đối với dự án cơ sở hạ tầng kỹ thuật, áp dụng hình thức đầu tư mới (greenfield), sáp nhập và mua bán (M&A) và NEM (Non Equity Modes) - một dạng trung gian giữa FDI và thương mại.

Sửa đổi, bổ sung chính sách ưu đãi đối với các dự án FDI theo nguyên tắc không chỉ ưu đãi theo ngành, lĩnh vực, mà còn gắn với vùng, lãnh thổ. Ví dụ, các dự án sử dụng nhiều lao động có tỷ lệ xuất khẩu cao thuộc ngành may mặc, giày da, túi xách... đang được hưởng ưu đãi lớn, thì sắp tới, để được hưởng ưu đãi, các dự án này sẽ còn phải đáp ứng yêu cầu về địa điểm đầu tư theo hướng hạn chế các dự án đó ở những thành phố lớn và khuyến khích đầu tư vào các địa phương còn kém phát triển.

Chính sách ưu đãi đặc biệt được áp dụng đối với dự án FDI lớn của các tập đoàn công nghệ cao, tạo ra tiềm lực và sức lan tỏa lớn trong từng sản phẩm, từng ngành kinh tế.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư