Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Gỡ 13 vấn đề lớn để hút FDI từ Nhật
Hà Nguyễn - 06/09/2013 07:44
 
Nhiều ý kiến thẳng thắn được nêu ra tại Diễn đàn Kinh tế cấp cao Việt Nam - Nhật Bản, diễn ra ở Hà Nội ngày hôm qua (5/9/2013). Quảng Ninh chưa hấp dẫn nhà đầu tư Nhật Bản

Chia sẻ về mối quan tâm của các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đối với Việt Nam, Daisuke Hiratsuka, Phó chủ tịch điều hành Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho biết, chỉ trong vòng 1 năm, từ tháng 4/2012 đến tháng 3/2013, đã có 6.800 nhà đầu tư đến trụ sở của JETRO ở Hà Nội để nhận được sự tư vấn đầu tư vào Việt Nam. Con số này ở TP.HCM là khoảng 5.700 người.

13 vấn đề lớn sẽ được hai nước hợp tác giải quyết, nhằm cải thiện
môi trường đầu tư, kinh doanh

“Nhìn vào lượt nhà đầu tư đến tư vấn tại văn phòng JETRO, có thể thấy rằng, các DN Nhật Bản thực sự rất quan tâm đến Việt Nam và Việt Nam đang có một cơ hội lớn để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Nhật Bản, nhất là khi đang có sự dịch chuyển vốn đầu tư ra khỏi Trung Quốc và Thái Lan”, ông Hiratsuka khẳng định.

Cho đến nay, Nhật Bản vẫn là nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam, với lũy kế tính đến ngày 20/8/2013, có 2.029 dự án, tổng vốn đăng ký trên 33 tỷ USD.

Không chỉ đứng đầu về số lượng dự án và vốn đầu tư, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, điều quan trọng là chất lượng và hiệu quả các dự án FDI của Nhật Bản luôn ở mức cao.

Đã và đang có một làn sóng đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam. Việt Nam cũng đang có cơ hội lớn để đón nhận dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản. Song một cách thẳng thắn, ông Hiratsuka cho rằng, Việt Nam cần cải thiện môi trường đầu tư hơn nữa, bởi nếu không dòng vốn này sẽ chảy tới một địa điểm kinh doanh thuận lợi hơn. Ông Hiratsuka đã nhắc tới việc Thái Lan đang nới lỏng các chính sách thu hút và ưu đãi FDI, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp ô tô Việt Nam.

“Trong khi đó, chính sách Việt Nam có nhiều thay đổi, khó tiên liệu. Các DN Nhật Bản cũng rất lo lắng vấn đề cấp điện ở Việt Nam”, ông Hiratsuka nói.

Đồng quan điểm, ông Motonobu Sato, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, không chỉ chính sách thường xuyên thay đổi, mà sự thiếu liên kết giữa các bộ, ngành, khi thực thi chính sách lại không đồng bộ cũng gây khó cho các nhà đầu tư Nhật Bản.

“Chưa kể, các khó khăn nằm ở thiếu nguồn nhân lực quản lý, cả về số lượng và chất lượng, thiếu hụt cơ sở hạ tầng, cũng như thiếu hụt nguồn cung ứng nguyên phụ liệu, công nghiệp hỗ trợ. Điều này sẽ hạn chế việc đầu tư mở rộng của các DN Nhật Bản vào Việt Nam”, ông Sato nói và cũng bày tỏ mối quan ngại khi quá trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam dù đã đi được nửa chặng đường, nhưng nợ xấu chưa được giải quyết, số lượng DN nhỏ và vừa tạm ngừng hoạt động vẫn gia tăng.

Đánh giá cao những đóng góp của các nhà đầu tư Nhật Bản, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định, chỉ những người bạn chân tình và tin tưởng lẫn nhau mới nói được những lời thẳng thắn.

“Đã đến lúc Việt Nam phải nghe những lời thẳng thắn. Chúng tôi muốn nghe ý kiến về việc Việt Nam cần phải làm thế này, đổi mới ra sao, thì mới có thể thu hút được FDI”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói và một lần nữa khẳng định, Việt Nam sẽ phải quyết tâm và nỗ lực hơn nữa trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, bởi nếu không, các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Nhật Bản sẽ không lựa chọn Việt Nam là điểm đến, mà sang các quốc gia lân cận.

“Không chỉ là sẽ, mà thực tế đã xảy ra ở Việt Nam. Ngành công nghiệp ô tô chẳng hạn, chiến lược phát triển rất rõ ràng, nhưng cơ chế, chính sách lại kìm hãm sự thực hiện các chiến lược này”, Bộ trưởng Vinh nói và thừa nhận, còn rất nhiều vấn đề liên quan đến chính sách thuế, hải quan… cần phải sửa đổi. Và đó chính là lý do vì sao giai đoạn 5 Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản mới được ký kết gần đây.

Có 13 vấn đề lớn sẽ được hai phía Việt Nam và Nhật Bản hợp tác giải quyết, nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, góp phần thu hút FDI, không chỉ của nhà đầu tư Nhật Bản, mà còn của các nhà đầu tư từ các quốc gia khác.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, rất thẳng thắn, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã nhắc tới việc nhiều dự án đầu tư của Nhật Bản mới chỉ dừng ở việc gia công, lắp ráp, trong khi Việt Nam chờ đợi nhận được sự hỗ trợ từ Nhật Bản trong cả chuyển giao công nghệ, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, cũng như việc thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D). Thậm chí, ông Lộc còn nhắc đến “trách nhiệm của DN Nhật Bản”.

Trả lời câu hỏi này, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yasuaki Tanizaki cho rằng, các DN Việt Nam phải tham gia mạnh mẽ hơn vào quá trình này. “Nhật Bản sẽ hợp tác với Việt Nam phát triển 6 ngành công nghiệp. Nhưng chúng tôi kỳ vọng, Việt Nam sẽ tự nuôi dưỡng và phát triển để có được vị trí quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu và phát triển công nghiệp hỗ trợ”, Đại sứ nói.

Trong khi đó, theo khẳng định của ông Sata, cũng đã đến lúc DN Nhật Bản thực hiện R&D ở ngoài Nhật Bản. “Nhưng quan trọng là, Việt Nam phải có đủ cơ chế, chính sách ưu đãi mạnh mẽ, chỉ ra rằng nếu làm ở Việt Nam, sẽ có lợi ra sao, Việt Nam sẵn sàng nguồn nhân lực thế nào, thì doanh nghiệp Nhật Bản sẽ chọn R&D ở Việt Nam”, ông Sato nói.

Còn Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng khẳng định, để Nhật Bản chuyển giao công nghệ mạnh mẽ hơn nữa cho Việt Nam, thì một mặt, phải có cơ chế, chính sách khuyến khích DN Nhật chuyển giao công nghệ, mặt khác, Việt Nam cũng phải sẵn sàng chuẩn bị để đón nhận sự chuyển giao đó.

“Chuyển giao công nghệ sẽ tạo điều kiện để phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam”,Bộ trưởng Vinh nhấn mạnh.

Triến lãm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản
“Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam-Nhật Bản lần thứ 5 đang điễn ra tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế ICE (Hà Nội) là một trong những sự...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư