Chủ Nhật, Ngày 06 tháng 07 năm 2025,
Môi trường kinh doanh Việt Nam trong mắt nhà đầu tư Mỹ: Cơ hội vẫn hiện hữu
Bích Ngọc - 06/07/2025 09:37
 
Các hội viên của Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) tại Việt Nam thể hiện sự lạc quan thận trọng về môi trường kinh doanh của Việt Nam và cho rằng, cơ hội vẫn hiện hữu, miễn là các thách thức không trở thành rào cản.

Các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam vẫn tích cực đầu tư, tuyển dụng và đổi mới.  Ảnh: Đức Thanh

Sự lạc quan thận trọng

AmCham tại TP.HCM vừa thực hiện khảo sát cập nhật thị trường giữa năm 2025, nhằm cung cấp góc nhìn tổng quan về niềm tin của các doanh nghiệp hội viên đang hoạt động tại Việt Nam trong bối cảnh thế giới còn nhiều bất ổn, chính sách thương mại liên tục thay đổi, tiến trình cải cách trong nước đang diễn ra. Khảo sát thu hút sự tham gia của doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực, từ sản xuất, dịch vụ chuyên môn, logistics, bất động sản, năng lượng, du lịch, đến thực phẩm và đồ uống.

Theo ông Travis Mitchell, Giám đốc điều hành tại TP.HCM của AmCham Việt Nam, kết quả khảo sát mới nhất cho thấy, hiệu suất kinh doanh trong nửa đầu năm 2025 có sự phân hóa rõ rệt giữa các ngành, với gần 1/5 số doanh nghiệp (18%) đạt kết quả vượt kỳ vọng, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực logistics, một số phân khúc sản xuất, cùng nhóm doanh nghiệp F&B quy mô lớn.

“Tuy nhiên, vẫn có nhiều doanh nghiệp đối mặt với thách thức. 29% cho biết kết quả thấp hơn kỳ vọng, trong khi 12% ghi nhận hiệu suất kém rõ rệt. Tình trạng này phổ biến ở nhóm doanh nghiệp dịch vụ chuyên môn quy mô nhỏ, các cơ sở giáo dục, cùng một số phân khúc trong lĩnh vực bất động sản”, ông Mitchell nhận định.

Bức tranh tổng thể giữa năm 2025 của các doanh nghiệp thành viên AmCham tại Việt Nam phản ánh một môi trường kinh doanh có khả năng thích ứng cao, đang trong giai đoạn điều chỉnh và chuyển dịch.

Về triển vọng nửa cuối năm 2025, Giám đốc điều hành tại TP.HCM của AmCham Việt Nam cho rằng, tâm lý chung vẫn nghiêng về sự lạc quan thận trọng. “39% hội viên tham gia khảo sát có cái nhìn ‘khá lạc quan’, trong khi 32% giữ quan điểm ‘trung lập’. Chỉ dưới 10% thể hiện mức độ ‘lạc quan mạnh mẽ’ đối với triển vọng trong ngắn hạn. Kết quả này phản ánh một môi trường kinh doanh đang kỳ vọng vào sự phục hồi, nhưng vẫn duy trì tâm thế thận trọng trước những thách thức kinh tế còn tiềm ẩn”, ông nói thêm.

Trong khi đó, xu hướng về nhân sự nhìn chung vẫn duy trì sự ổn định. 61% doanh nghiệp cho biết, số lượng nhân viên đã tăng (45%) hoặc được giữ nguyên (16%), trong khi chỉ 9% báo cáo có cắt giảm nhân sự. Kết quả này cho thấy, nhiều doanh nghiệp vẫn đang hướng đến mục tiêu phát triển dài hạn, ngay cả khi hiệu suất doanh thu trong ngắn hạn còn chưa thực sự đồng đều.

Về xu hướng doanh thu, bức tranh vẫn còn nhiều gam màu đan xen. Hơn một nửa số doanh nghiệp (52%) ghi nhận mức doanh thu tăng so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi 29% đối mặt với sự sụt giảm. Ngành sản xuất chiếm tỷ trọng đáng kể ở cả hai nhóm: một số doanh nghiệp được hưởng lợi nhờ xuất khẩu gia tăng, trong khi số khác vẫn chịu tác động từ lo ngại về thuế quan cùng biến động trong chuỗi cung ứng.

Xu hướng tích cực, nhưng còn thách thức

Đánh giá tổng thể về môi trường kinh doanh tại Việt Nam, 37% doanh nghiệp cho là “tương đối tích cực”, trong khi 30% có góc nhìn “trung lập”. Nhiều doanh nghiệp ghi nhận những tiến bộ gần đây trong cải cách hành chính, đặc biệt là nỗ lực giảm thiểu thủ tục giấy tờ và đẩy mạnh ứng dụng chính phủ số.

Tuy nhiên, ông Mitchell cho rằng, vẫn có nhiều ý kiến phản ánh các thách thức, như việc thực thi chính sách còn thiếu nhất quán, quy định vẫn mơ hồ, sự phối hợp còn hạn chế giữa các cấp chính quyền địa phương. Mối quan tâm lớn nhất của đa số doanh nghiệp hiện nay là tác động tiềm tàng từ chính sách thuế quan của Mỹ. Hơn 1/3 (36%) cho biết, họ “vô cùng lo ngại” về vấn đề này, trong khi 41% “tương đối lo ngại”.

Nhiều doanh nghiệp nhận định rằng, các chính sách thương mại của Mỹ đang có “tác động nhất định”, thậm chí “tác động đáng kể” đối với hoạt động kinh doanh của họ. Đặc biệt, nhóm doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của vấn đề, thậm chí có ý kiến cho rằng, các kế hoạch đầu tư hoặc mở rộng trong tương lai sẽ phụ thuộc phần lớn vào mức độ ổn định trong quan hệ thương mại.

Cơ hội tăng trưởng giữa bối cảnh cải cách và tái cân bằng

Bất chấp nhiều thách thức, phần lớn doanh nghiệp vẫn tin tưởng vào tiềm năng tăng trưởng trong tương lai gần. Nhiều công ty đánh giá cao vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong khuôn khổ chiến lược “Trung Quốc+1”, như một lợi thế cạnh tranh nổi bật. Ngoài ra, sự phát triển nhanh chóng của kinh tế số, nhu cầu tiêu dùng trong nước gia tăng, cùng dòng vốn đổ vào hạ tầng được xem là động lực tích cực thúc đẩy đà tăng trưởng trong nước.

Trong lĩnh vực dịch vụ chuyên môn và logistics, nhiều doanh nghiệp ghi nhận nhu cầu ngày càng cao đối với các giải pháp ứng dụng công nghệ, dịch vụ tuân thủ quy định, thực hành phát triển bền vững. Ở mảng sản xuất, nhiều công ty lạc quan khi ngày càng có nhiều đơn hàng được dịch chuyển sang Việt Nam từ các thị trường khác trong khu vực. Tuy nhiên, phần lớn đều nhấn mạnh, kết quả tích cực sẽ phụ thuộc vào cả điều kiện trong nước lẫn sự ổn định của chính sách toàn cầu.

Bức tranh tổng thể giữa năm 2025 của các doanh nghiệp thành viên AmCham tại Việt Nam phản ánh một môi trường kinh doanh có khả năng thích ứng cao, đang trong giai đoạn điều chỉnh và chuyển dịch. Các doanh nghiệp vẫn tích cực đầu tư, tuyển dụng, đổi mới, nhưng duy trì tâm thế thận trọng trước nhiều thách thức còn tồn tại.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa trọn vẹn tiềm năng của mình, theo ông Mitchell, Việt Nam cần ưu tiên tăng cường minh bạch trong chính sách thuế quan, đảm bảo thực thi nhất quán, đẩy nhanh tiến trình cải cách. “Như chia sẻ của một doanh nghiệp, cơ hội vẫn hiện hữu, miễn là những thách thức không trở thành rào cản”, ông Mitchell nói.

Đầu tư từ Hoa Kỳ “dẫn dắt" dòng vốn ngoại vào Việt Nam
Không chỉ là chất xúc tác cho phát triển kinh tế, hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp Hoa Kỳ còn đóng vai trò dẫn dắt dòng vốn đầu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư