Chủ Nhật, Ngày 06 tháng 07 năm 2025,
Hải Phòng: Tăng sức hút với nhà đầu tư
Quỳnh Nga - 06/07/2025 08:41
 
Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, mở rộng không gian phát triển, Hải Phòng đang đứng trước lợi thế để bứt phá mạnh mẽ hơn trong phát triển kinh tế - xã hội.

Thêm lợi thế từ chính sách đặc thù

Ngày 27/6, Quốc hội thông qua Nghị quyết 226/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng (Nghị quyết 226). Nghị quyết đưa ra 6 nhóm chính sách đặc thù cho Hải Phòng.

Các nhóm chính sách đặc thù của Nghị quyết sẽ giúp Hải Phòng khơi thông các điểm "nghẽn", tạo đột phá, có sức lan toả lớn trong vùng Đồng bằng sông Hồng và đóng góp lớn hơn vào mục tiêu tăng trưởng cao trong giai đoạn 2026 - 2030 của cả nước. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Hải Phòng được coi là "cứ điểm" của LG tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm chủ lực của LG để xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Ảnh: Quỳnh Nga.

Đáng chú ý trong nhóm chính sách đặc thù cho Hải Phòng là Khu thương mại tự do (TMTD) Thành phố với các cơ chế, chính sách vượt trội, không chỉ tăng tính hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư mà còn tạo động lực mới cho Thành phố bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Doanh nghiệp có trụ sở và hoạt động trong các khu chức năng thuộc Khu TMTD được hưởng chế độ ưu tiên theo quy định của pháp luật về hải quan đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu trên địa bàn Thành phố khi đáp ứng các điều kiện.

Sẽ được miễn kiểm tra chuyên ngành đối với: hàng hóa đã được chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy, công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy, chứng nhận đã áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực theo quy định của bộ quản lý ngành, lĩnh vực.

Trừ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, UBND Thành phố được giao đất, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu dự án có sử dụng đất đối với dự án đầu tư trong Khu TMTD theo quy định.

Phối cảnh mặt bằng, không gian phát triển của Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng. Khu thương mại tự do tại Hải Phòng dự kiến sẽ nằm trong Khu kinh tế ven biển phía Nam.

Về tiền thuê đất, thuê mặc nước và ưu đãi về thuế, các dự án đầu tư trong Khu TMTD được miễn toàn bộ tiền thuê đất, thuê mặt nước cho cả thời hạn thuê, trừ các dự án xây dựng nhà ở, dự án trên đất thương mại, dịch vụ. Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới, dự án đầu tư mở rộng phát sinh tại địa bàn Khu TMTD thuộc ngành, nghề, lĩnh vực quy định được áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 30 năm, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; sau thời hạn ưu đãi được áp dụng thuế suất 15%.

Đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới, dự án đầu tư mở rộng phát sinh tại địa bàn Khu TMTD không thuộc ngành, nghề, lĩnh vực quy định được áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; sau thời hạn ưu đãi được áp dụng thuế suất 15%.

Đón cơ hội

Ngày 15 - 18/7 tới đây, Kỳ họp lần thứ ba của Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) với chủ đề “Cầu nối - Doanh nghiệp - Vươn xa” và chuỗi sự kiện liên quan sẽ diễn ra tại Hải Phòng.

Kỳ họp ABAC III dự kiến quy tụ khoảng 250 đại biểu quốc tế, bao gồm các thành viên ABAC từ 21 nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia, tổ chức tài chính, trung tâm nghiên cứu - đổi mới sáng tạo và các tổ chức quốc tế.

Trong khuôn khổ sự kiện, ngoài các phiên họp chính thức, UBND thành phố Hải Phòng cùng phối hợp với ABAC Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động đa dạng nhằm kết nối doanh nghiệp, quảng bá đầu tư và giới thiệu văn hóa Việt Nam. Trong đó, có Hội nghị xúc tiến đầu tư thành phố Hải Phòng với chủ đề “Điểm đến chiến lược của kỷ nguyên mới”.

6 tháng đầu năm 2025, thu hút vốn FDI vào Hải Phòng đạt 1,08 tỷ USD. Ảnh: Quỳnh Nga

Theo ông Lê Trung Kiên, Trưởng bản Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, dự kiến, hội nghị có sự tham gia của hơn 700 đại biểu gồm lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố; đại sứ quán các nền kinh tế APEC; thành viên Hội đồng ABAC; các tổ chức xúc tiến đầu tư và hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài; các nhà đầu tư lớn như LG, Bridgestone, Sovico, Kinh Bắc, Trakmotive, VEHEC… từ 21 nền kinh tế thành viên APEC.

Hội nghị sẽ diễn ra các nội dung quan trọng như: Thảo luận chính sách giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp; trao Chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, MOU của 23 dự án với tổng vốn hơn 15 tỷ USD gồm các dự án hạ tầng khu công nghiệp, cảng biển, LNG…

Sự kiện được tổ chức nhằm quảng bá môi trường đầu tư, chính sách ưu đãi của TP Hải Phòng, kết nối doanh nghiệp địa phương với nhà đầu tư quốc tế, giới thiệu sản phẩm và mô hình kinh tế đặc trưng và thắt chặt hợp tác giữa thành phố với Hội đồng ABAC, cùng các cơ quan ngoại giao, tổ chức xúc tiến đầu tư.

Hiện, Hải Phòng đang tích cực triển khai triển khai các nhiệm vụ phối hợp để tổ chức kỳ họp thứ 3 của Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC 3) tại thành phố mang lại ấn tượng tốt về Hải Phòng nói riêng và Việt Nam nói chung.

Đây cũng là cơ hội để Hải Phòng quảng bá không gian phát triển mới, những tiềm năng, lợi thế sau khi hợp nhất với tỉnh Hải Dương cùng môi trường đầu tư và các chính sách ưu đãi hấp dẫn.

TP. Hải Phòng: Thêm lực hút mới cho các khu công nghiệp, khu kinh tế
Việc kết nối không gian phát triển giữa TP. Hải Phòng (cũ) và tỉnh Hải Dương (cũ) không chỉ mở ra vùng kinh tế trọng điểm, tạo động lực thu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư