Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 19 tháng 09 năm 2024,
Cần ưu tiên cát cho các dự án cao tốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Huy Tự - 15/03/2023 19:25
 
Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương và chủ đầu tư, nhà thầu cùng hợp sức tìm ra các giải pháp thích hợp, khả thi về cát san lấp, ưu tiên cát cho dự án cao tốc trọng điểm.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc với 13 tỉnh, thành ĐBSCL. Ảnh: Huỳnh Xây

Áp lực cung ứng cát lên các địa phương và chủ đầu tư

Bộ Giao thông Vận tải cho biết, khó khăn hiện nay của các dự án vùng ĐBSCL là đều thiếu nguồn vật liệu cát đắp nền do các địa phương đã dành phần lớn các mỏ để phục vụ cho nhu cầu đầu tư các dự án của địa phương. Hiện mới chỉ cân đối để cung cấp được khoảng 3,0/18,5 triệu m3, tuy nhiên khối lượng này cũng chưa thể khai thác được ngay mà cần phải triển khai các thủ tục, mất nhiều thời gian.

Tại địa bàn thành phố Cần Thơ có 2 dự án đầu tư đường bộ cao tốc là Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 và Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1. Hiện Cần Thơ đang đối mặt với khó khăn lớn nhất là nguồn vật liệu cát đắp nền cung cấp cho dự án, đặc biệt là dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 (nhu cầu cát xây dựng và cát đắp nền là 5 triệu m3). Ngoài ra, còn có một số dự án do thành phố đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhu cầu cát là 1,7 triệu m3.

Qua khảo sát thực tế của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, nguồn vật liệu cát đủ tiêu chuẩn sử dụng trực tiếp cho đường cao tốc chủ yếu tập trung ở các tỉnh đầu nguồn sông Tiền và sông Hậu (An Giang, Đồng Tháp); thành phố Cần Thơ nằm ở hạ lưu sông Mê Công, nên chất lượng cát trên lòng sông Hậu của thành phố Cần Thơ không đáp ứng đủ tiêu chuẩn (cát có quá nhiều tạp chất hữu cơ, lẫn nhiều bùn sét). Trước tình hình đó, Cần Thơ đã chủ động làm việc với Sóc Trăng và Kiên Giang về việc sử dụng cát biển để triển khai dự án, nhưng đến nay phương án này cũng chưa khả thi. Đồng thời, Cần Thơ đã cử đoàn đi khảo sát ở Campuchia, tuy nhiên chi phí vận chuyển cũng là một vấn đề lớn cần được tính toán lại.

Ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết, với những khó khăn, vướng mắc nêu trên và để chủ động nguồn cung ứng vật liệu cho công trình cao tốc đạt tiến độ đề ra, thành phố Cần Thơ đã chủ động phối hợp với Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang để bàn phương án hỗ trợ cát cho các công trình cao tốc. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân thành phố đã có báo cáo với Bộ Tài nguyên và Môi trường về số liệu giấy phép và khả năng đáp ứng khai thác khoáng sản trên địa bàn để Bộ Tài nguyên và Môi trường làm nhiệm vụ điều phối cát theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 57/CĐ-TTg ngày 19/02/2022. Thành phố Cần Thơ cũng kiến nghị các bộ ngành Trung ương nên sớm có nghiên cứu về việc sử dụng vật liệu cát biển và vật liệu khác để thay thế cát lòng sông trong tương lai.

Không để tăng giá vật liệu trong triển khai dự án cao tốc

Chiều 14/3, tại Hậu Giang, đoàn công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã làm việc với 13 tỉnh, thành ĐBSCL về nguồn cung ứng vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trong vùng.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, các dự án cao tốc trong khu vực ĐBSCL sẽ triển khai đồng loạt. Vì vậy, nhu cầu vật liệu cát là rất lớn và chủ yếu tập trung năm 2023, 2024. Tại buổi làm việc với UBND các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và Sóc Trăng, Bộ Giao thông Vận tải đã có báo cáo về nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường của các dự án đường cao tốc trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long khởi công trong giai đoạn 2021-2025 khoảng 47,81 triệu m3.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết, với các dự án đầu tư, nâng cấp quốc lộ và các dự án cao tốc do địa phương làm cơ quan chủ quản, đến nay cơ bản đảm bảo nhu cầu nguồn cát để triển khai. Riêng 2 dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang và dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau, tổng nhu cầu cát đắp khoảng 18,5 triệu m3 hiện đang gặp khó khăn về nguồn cung. Việc các tỉnh có nguồn cát đảm bảo chất lượng thực hiện rà soát để mở mới đồng thời với việc nâng công suất các mỏ đang khai thác cấp cho dự án là hết sức cần thiết.

Để đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng phục vụ thi công, hoàn thành các dự án cao tốc, đảm bảo mục tiêu đến năm 2025 cả nước sẽ có khoảng 3.000 km đường bộ cao tốc, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long rà soát, khẩn trương thực hiện các thủ tục nâng công suất các mỏ cát đang khai thác. UBND các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long ưu tiên bố trí đủ nguồn vật liệu cát đáp ứng tiến độ triển khai các dự án. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì làm việc với các địa phương trong khu vực ĐBSCL để xác định trữ lượng cát đắp của từng tỉnh cung cấp cho dự án.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải lập biểu đồ các tuyến cao tốc, nêu rõ nhu cầu về nguồn cung cát, đất và đá phục vụ san lấp cho từng dự án, trên cơ sở đó xác định cụ thể công việc cần phải làm từ đây đến năm 2024 cho các dự án. Bộ Giao thông Vận tải cùng các địa phương, nhà thầu xác định giá cát, không để tăng giá vật liệu trong thời gian thực hiện dự án theo dõi.

Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị các tỉnh phải sớm công bố giá và có phương án bình ổn giá cát. Phân bổ, điều tiết sát với yêu cầu thi công; điều tiết phân bổ các mỏ vật liệu xây dựng hợp lý theo từng mốc thời gian, từng giai đoạn thi công. Bộ Tài nguyên và Môi trường điều tiết nguồn vật liệu cát sát với yêu cầu thi công; phân bổ các mỏ vật liệu xây dựng hợp lý theo từng mốc thời gian, từng giai đoạn thi công. Trước mắt, các địa phương cũng cần phối hợp với tỉnh Long An bàn giải pháp khai thác đất trên địa bàn tỉnh làm vật liệu thay thế cát đắp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các bước đánh giá và thủ tục khai thác đối với những mỏ cát cung ứng cho dự án trọng điểm của quốc gia. Trong sử dụng nguồn cát, cần ưu tiên cung ứng cát cho dự án cao tốc.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư