Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 04 tháng 05 năm 2024,
Cảnh báo đỏ bẫy app đầu tư tài chính, tiền ảo
Hữu Tuấn - 16/01/2024 08:51
 
Thời gian gần đây xảy ra hàng loạt vụ lừa đảo thông qua ứng dụng (app) đầu tư tài chính, tiền ảo lợi nhuận cao… gây thiệt hại lớn cho người dân.

Những ngày đầu năm 2024, vụ hàng loạt hội nhóm Zalo liên quan đến Easy Tour bị xóa sổ, ứng dụng đầu tư tài chính này bất ngờ biến mất khiến dư luận dậy sóng, nạn nhân hoang mang.

Theo đó, thông qua các hội nhóm trên mạng xã hội, các nạn nhân được giới thiệu đầu tư vào một doanh nghiệp có tên Công ty TNHH Du lịch Việt Nam Easy Tour. Chỉ cần gửi 10 triệu đồng trong vòng 14 ngày, nhà đầu tư sẽ nhận khoản lãi 896.000 đồng, tương đương lãi suất 20%/tháng hoặc 240%/năm. Sau vài lần gửi tiền đầu tư và nhận lãi, đến đầu năm 2024, ứng dụng này “đột nhiên” biến mất, để lại hàng trăm nạn nhân với tổng số tiền bị mất ước tính lên đến hàng chục tỷ đồng.

Cũng trong những ngày đầu năm 2024, nhiều nhà đầu tư ở TP.HCM, Hải Phòng, Hà Nội… gửi đơn tới cơ quan công an, tố cáo các đối tượng sáng lập ứng dụng app VN-Temu đã lừa họ hàng trăm tỷ đồng khi họ tham gia đầu tư trên ứng dụng này.

Theo đơn tố cáo, các đối tượng liên quan đến app VN-Temu bằng thủ đoạn mạo danh thương hiệu thương mại điện tử xuyên biên giới để mời người chơi tham gia cung ứng hàng hóa ủy thác kinh doanh. Thủ đoạn lừa đảo theo mô hình đa cấp, tức người tham gia đăng ký tài khoản, mua "dự trữ hàng" và mời càng nhiều nhà đầu tư vào đội nhóm, sẽ càng được thưởng lãi suất, hoa hồng cao.

Đến khi số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng, app bất ngờ bị sập, tất cả nạn nhân đều không thể đăng nhập, liên hệ với chủ app hoặc rút tiền. Đáng nói là, ngay sau khi app VN-Temu bị sập, nhiều nạn nhân tiếp tục được những đối tượng khác mời gọi, dụ dỗ vào các app đầu tư tương tự để "lấy lại vốn".

Cuối năm 2023, Công an TP. Hà Nội đã cảnh báo thủ đoạn lừa đảo khi tham gia các quỹ đầu tư tài chính MBK, Carlyle, DF; các quỹ đầu tư vàng, dầu thô, chứng khoán, hay đầu tư vào các loại tiền ảo như Coinbank, Meer, BSCL...; sàn tiền điện tử, website đầu tư tiền ảo như cobsna.vip, coin-base-dapp.com, Salavia.vip, blnantrc9.com, blancoins.cc, GICAAP...

Đặc biệt, Công an TP. Hà Nội khuyến cáo người dân cảnh giác với các quỹ đầu tư, sàn giao dịch quốc tế được quảng cáo lãi suất cao, tiềm ẩn nguy cơ bị lừa đảo để bảo vệ mình, tránh rơi vào các cạm bẫy tài chính.

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), thời gian gần đây, hình thức góp vốn đầu tư kinh doanh tiền kỹ thuật số; mua - bán trên các sàn giao dịch nhị phân, sàn đầu tư ngoại hối với lãi suất cao gấp nhiều lần và cam kết hoàn tiền nếu gặp rủi ro đang có dấu hiệu gia tăng nhanh chóng.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, tại Việt Nam, có tới gần 26 triệu người sở hữu tiền kỹ thuật số, trong khi Nhà nước chưa công nhận bất cứ loại tiền kỹ thuật số nào. Đáng nói là số nạn nhân bị lừa đảo đầu tư tiền ảo tại Việt Nam chiếm tới 2/3 số vụ lừa đảo trên không gian mạng.

Về thủ đoạn, các đối tượng lừa đảo thường sử dụng phương thức “đầu tư tài chính” dựa trên mô hình kinh doanh đa cấp. Các sàn này đều được quảng cáo là có nguồn gốc từ nước ngoài, cam kết người chơi sẽ được hưởng mức lãi suất cao, an toàn, có thể rút vốn bất cứ lúc nào, không cần đầu tư trí tuệ, thời gian. Chính vì thế, các đối tượng đã thu hút được rất nhiều người tham gia. Để tạo “uy tín”, thời gian đầu chúng trả hoa hồng cho các nhà đầu tư rất đúng hạn. Khi nạn nhân chuyển số tiền lớn thì các app bị sập và biến mất.

Số liệu từ Dự án Chống lừa đảo cho biết, trong 12 tháng qua, trung bình mỗi người Việt tham gia khảo sát phải đối mặt với 0,8 vụ lừa đảo; 29% người tham gia khảo sát cho biết, phải gánh chịu thiệt hại về tiền bạc, trung bình số tiền thiệt hại khoảng 17,7 triệu đồng. Số liệu khảo sát cũng cho thấy, 71% người được hỏi bị lừa thông qua Facebook và Gmail, theo sau là Telegram (28%), Google (13%) và TikTok (13%). Báo cáo cũng đưa ra thông tin, 70% người Việt phải đối mặt với trò lừa đảo ít nhất mỗi tháng 1 lần; 14% người được hỏi cho biết, họ không tự tin khi phải đối mặt với các chiêu thức lừa đảo, còn 55% cho rằng họ có thể dễ dàng nhận diện các vụ lừa đảo.

"Người Việt Nam bị lừa đảo qua mạng mất gần 16 tỷ USD trong tổng số 53 tỷ USD toàn cầu. Đó là con số rất lớn để thấy rằng, Việt Nam là vùng trũng về nhận thức thông tin và sử dụng mạng.

“Được ví như ngành công nghiệp, lừa đảo qua mạng có tỷ suất lợi nhuận 2.500% trong năm qua, dự đoán năm 2024, tỷ suất lợi nhuận càng tăng”, ông Philip Hùng Cao, Liên minh Chống lừa đảo toàn cầu (GASA) cho biết. 

Theo ông Nguyễn Hữu Nguyên, Phó giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp an ninh mạng Việt Nam (VNCert), trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ, đối tượng lừa đảo càng dễ dàng tạo ra các nền tảng để hoạt động. Cơ quan nhà nước chỉ xử lý khi nhận được phản ánh từ phía người dùng. Do đó, cần có quy định khắt khe trong kiểm duyệt, ngăn chặn các app, website lừa đảo.

Lừa đảo qua mạng gia tăng, khó phát hiện và đấu tranh
Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn còn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, xuất hiện ngày càng nhiều phương thức, thủ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư