Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
Cảnh báo rủi ro cho vay tiêu dùng
Thùy Vinh - 23/09/2013 07:19
 
Việc các ngân hàng tìm cách đẩy mạnh cho vay cá nhân (vay tiêu dùng, mua nhà, thanh toán thẻ, mua ô tô…) đã dẫn đến dư nợ cho vay cá nhân tăng đáng kể trong thời gian qua gần đây.
TIN LIÊN QUAN

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết, tín dụng cho vay cá nhân của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM hiện tăng tới 40% so với cuối năm trước. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước đã cảnh báo các ngân hàng thương mại về việc đẩy mạnh cho vay tiêu dùng.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước
Chi nhánh TP.HCM

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã có Công văn số 5461/NHNN-TTGSNH gửi Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố về việc kiểm tra, giám sát hoạt động tại các phòng giao dịch, chi nhánh, điểm giới thiệu dịch vụ của các tổ chức tín dụng có hoạt động cho vay tiêu dùng trên địa bàn.

Công văn quy định, các phòng giao dịch, chi nhánh giới thiệu dịch vụ của tổ chức tín dụng phải công khai biểu lãi suất chi tiết áp dụng cho từng nhóm sản phẩm, từng loại sản phẩm cho vay.

Với các trường hợp sai phạm bị phát hiện, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố phối hợp với cơ quan thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước xử lý nghiêm để đảm bảo hoạt động cho vay tiêu dùng đúng quy định pháp luật hiện hành, bảo vệ quyền lợi của khách hàng cũng như hạn chế rủi ro nợ xấu.

“Tăng trưởng dư nợ tín dụng trong lĩnh vực tiêu dùng tăng mạnh cũng đồng thời làm xuất hiện nhiều rủi ro. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước đã cảnh báo các ngân hàng thương mại phải kiểm soát chặt chẽ và giám sát chất lượng tín dụng đối với các khoản vay cá nhân đang được triển khai mạnh”, ông Minh nói.

Hiện lãi suất cho vay tiêu dùng được hầu hết các ngân hàng áp dụng mức 14 - 17%/năm. Tuy nhiên, để có thể “chiêu dụ” khách hàng, các nhà băng đã đưa ra chương trình cho vay tiêu dùng với lãi suất chỉ 0 - 8%/năm trong thời gian đầu giải ngân, nhưng những tháng sau đó áp dụng lãi suất 14 - 17%/năm, khiến nhiều khách hàng tá hỏa khi trả vốn góp và lãi hàng tháng.

Chính điều kiện tín dụng cho vay tiêu dùng được nới lỏng hơn trước đây, đặc biệt sau khi Ngân hàng Nhà nước không còn khống chế tỷ lệ cho vay tiêu dùng dưới 16%, cộng với tăng trưởng tín dụng doanh nghiệp khó khăn… đã tạo động lực để các ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, dẫn đến rủi ro nợ xấu gia tăng.

Đáng chú ý là, theo ông Nguyễn Hoàng Minh, 13 công ty tài chính hiện có dư nợ cho vay tới 14.600 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm 2013, chiếm khoảng 18% tổng nợ xấu trên toàn địa bàn TP.HCM (cuối năm trước là 10%).

Trong khi đó, hoạt động của các công ty tài chính đang thu hẹp dần so với thời điểm trước năm 2010, kể cả mạng lưới, quy mô và nhân sự.

Ông Friedrich Weiss, Tổng giám đốc Công ty tài chính PPF Việt Nam cho biết, Công ty đang làm tốt công tác quản lý nợ xấu, nhưng cũng thừa nhận: “Cũng như các công ty khác, chúng tôi đang gặp phải nhiều khó khăn. Song PPF Việt Nam đang có những điều chỉnh cụ thể về hệ thống để phù hợp với đặc thù khách hàng của từng thị trường cùng với việc điều chỉnh về mức lãi suất phù hợp”, ông Friedrich Weiss nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư