Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Cảnh báo sự suy giảm vốn đầu tư vào chế biến, chế tạo
Bảo Duy - 01/09/2018 09:00
 
Đáp lại những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt là cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu... của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, dòng vốn tư nhân đang tiếp tục đổ vào nền kinh tế. Cùng với đó là số công ăn việc làm được tạo ra ở khắp các vùng, miền trên cả nước.
TIN LIÊN QUAN

Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, đã có thêm 11.655 doanh nghiệp đăng ký mới trong tháng 8/2018, với tổng số vốn đăng ký gần 108.000 tỷ đồng. Như vậy, tính chung 8 tháng đầu năm, có tổng cộng 87.448 doanh nghiệp mới gia nhập cộng đồng kinh doanh Việt Nam, với số vốn đăng ký trên 878.600 tỷ đồng. Tính cả số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động, thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 8 tháng đầu năm đạt hơn 2, 55 triệu tỷ đồng, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm trước. 

Điểm đáng chú ý là trong giai đoạn này, gần 21.000 doanh nghiệp đã quay trở lại hoạt động, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2017.

.
.

Số doanh nghiệp tham gia vào hoạt động kinh doanh thương mại chiếm tỷ trong cao cả ở số doanh nghiệp thành lập mới (33,9%) và tỷ trọng chung (36%).

Tuy vậy, số doanh nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất, chế biến, chế tạo vẫn thấp, thậm chí còn giảm bởi 8 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp đăng ký vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước. 

Phải nhấn mạnh rằng, khu vực đang tạo ra công ăn việc làm nhiều nhất trong nền kinh tế vẫn là chế biến, chế tạo khi khu vực này thu hút khoảng 35,5% tổng số lao động đăng ký trong 8 tháng đầu năm nay. Đây là ngành có tỷ trọng lao động bình quân trên 1 doanh nghiệp cao hơn các ngành khác, với 24 lao động/doanh nghiệp. Đây còn là lĩnh vực tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế, nếu như thu hút được công nghệ, nguồn vốn lớn.

Trong khi vốn tư nhân tiếp tục đổ vào nền kinh tế thì sự kém hấp dẫn của khu vực này với dòng vốn tư nhân là điều rất đáng lưu tâm. 

Lý do chính, về cơ bản, các yếu tố có ảnh hưởng nhất đến sản xuất, kinh doanh vẫn là trong khi khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước rất cao (59,4%) thì nhu cầu thị trường trong nước lại thấp (46,2%). Đây cũng là một trong những lý do buộc nhiều doanh nghiệp chế biến, chế tạo phải tái cơ cấu, thậm chí tạm ngừng kinh doanh.

Mặc dù vậy, giới chuyên gia kinh tế vẫn cho rằng, sự dẫn hướng của môi trường kinh doanh, của chính sách trong các ngành sản xuất, chế biến, chế tạo mới thực sự là chìa khóa thu hút thêm vốn tư nhân vào lĩnh vực này. Đây sẽ là những ngành có thể đi đầu trong chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng cũng có thể sẽ là ngành níu kéo sự trì trệ của nền kinh tế nếu không có nguồn lực, động lực và cả niềm tin để thay đổi. Một số doanh nghiệp lớn đã quyết định tiên phong trong chuyển đổi số, nhưng nền kinh tế rất cần số đông doanh nghiệp cùng dịch chuyển.  

Cách đây vài ngày, giới nghiên cứu kinh tế đã nhắc tới con số 60 tỷ USD tiền nhàn rỗi trong dân. Dòng vốn này sẽ đi đâu? Dòng vốn này sẽ tiếp tục ẩn mình hay đổ vào các cơ hội đầu tư – kinh doanh đang mở rộng theo xu hướng phát triển của nền kinh tế trong nước và quốc tế?. 

Trong bối cảnh đó, có lẽ Chính phủ đang là người nắm quyền quyết định xu hướng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư