Thứ Sáu, Ngày 25 tháng 07 năm 2025,
Cảnh báo thuốc giả chứa hoạt chất Theophyllin
D.Ngân - 24/07/2025 08:22
 
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) tiếp tục phát hiện và phát đi cảnh báo về một loại thuốc giả có chứa hoạt chất Theophyllin, thuốc điều trị các bệnh lý về hô hấp với hàm lượng chỉ đạt 6,3% so với công bố trên nhãn, gây nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng.

Theo thông tin từ Cục Dược, lô thuốc bị phát hiện giả có tên “Theophylline Extended Release Tablets 200 mg” (Theophylin 200 mg), số lô 21127, ghi nơi sản xuất là “Pharmacy Laboratories Plus”.

Nhãn sản phẩm không ghi số giấy đăng ký lưu hành, số giấy phép nhập khẩu cũng như thông tin về cơ sở nhập khẩu, những yếu tố bắt buộc theo quy định hiện hành.

Ảnh minh họa.

Kết quả kiểm nghiệm cho thấy hàm lượng hoạt chất Theophyllin trong thuốc chỉ đạt 6,3% so với mức ghi trên bao bì. Điều này đồng nghĩa với việc thuốc gần như không có hiệu lực điều trị, trong khi lại có nguy cơ đánh lừa người bệnh, kéo dài thời gian mắc bệnh hoặc gây biến chứng nặng hơn do điều trị không hiệu quả.

Ngay sau khi xác định đây là thuốc giả, Cục Dược đã yêu cầu các cơ quan chức năng phối hợp truy tìm nguồn gốc sản xuất, phân phối của lô thuốc này, đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo đúng quy định pháp luật.

Cục Dược cũng đề nghị các cơ sở kinh doanh thuốc, hệ thống nhà thuốc và cơ sở y tế thông báo rộng rãi tới người dân, tuyệt đối không mua bán, sử dụng sản phẩm “Theophylline Extended Release Tablets” cả loại 100 mg và 200 mg.

Người dân đang sử dụng các thuốc nghi ngờ cần ngừng dùng ngay và thông báo cho cơ quan y tế gần nhất khi phát hiện dấu hiệu bất thường hoặc nghi vấn về nguồn gốc sản phẩm.

Thuốc chữa bệnh là mặt hàng đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người. Vì vậy, mọi hoạt động liên quan đến sản xuất, kinh doanh, buôn bán và sử dụng thuốc phải tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc của Luật Dược và các văn bản pháp luật liên quan.

Hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả là hành vi bị nghiêm cấm và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, với mức án cao nhất lên đến tử hình, tùy theo mức độ vi phạm.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng liên tục phát hiện và xử lý nhiều vụ việc liên quan đến thuốc giả, thực phẩm chức năng giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả.

Mới đây, Bộ Y tế cũng yêu cầu điều tra nguồn gốc lô thuốc dạ dày giả mang nhãn hiệu NEXIUM 40 mg Enterik Kapli Pellet Tablet (Esomeprazol), do không đạt chất lượng.

Trước đó, vào giữa tháng 4, Công an tỉnh Thanh Hóa đã triệt phá thành công một đường dây sản xuất và buôn bán thuốc tân dược giả với quy mô lớn, bắt giữ 14 đối tượng liên quan.

Người dân được khuyến cáo chỉ sử dụng thuốc có nguồn gốc rõ ràng, được cung cấp tại các cơ sở y tế hoặc nhà thuốc được cấp phép. Việc nâng cao cảnh giác, phát hiện và thông báo kịp thời các trường hợp nghi ngờ thuốc giả là hành động thiết thực góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Thuốc giả, đặc biệt là các sản phẩm thuốc chữa bệnh và thực phẩm bảo vệ sức khỏe không rõ nguồn gốc, đang ngày càng trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe người dân.

Những năm gần đây, tình trạng buôn bán thuốc giả đã và đang gia tăng tại nhiều địa phương, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Mới đây, công an tỉnh Thanh Hóa đã triệt phá một đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả quy mô lớn, với hàng chục loại thuốc giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe không rõ nguồn gốc được đưa vào thị trường.

Sử dụng thuốc giả có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe người dùng. Các loại thuốc này thường thiếu hiệu quả điều trị, có thể dẫn đến tình trạng bệnh ngày càng trầm trọng hơn hoặc gây ra tác dụng phụ nguy hiểm. Thậm chí, thuốc giả có thể chứa các thành phần độc hại, làm tổn hại cơ thể, thậm chí dẫn đến tử vong nếu sử dụng trong thời gian dài.

Ngoài ra, thuốc giả cũng làm ảnh hưởng đến nền kinh tế và uy tín của ngành dược phẩm, gây tổn hại đến niềm tin của người dân vào hệ thống y tế.

Cục Quản lý Dược khuyến khích người dân sử dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến để kiểm tra thông tin thuốc. Các bước tra cứu rất đơn giản và dễ thực hiện.

Bước 1: Truy cập vào hệ thống dịch vụ công của Cục Quản lý Dược.

Bước 2: Tra cứu số đăng ký thuốc hoặc thông tin thuốc cần tìm (theo tên thuốc, số đăng ký, cơ sở sản xuất…).

Bước 3: Đối chiếu kết quả tra cứu để kiểm tra thông tin về thuốc, bao gồm tên thuốc, số đăng ký, dạng bào chế, hàm lượng, cơ sở sản xuất và mẫu nhãn thuốc.

Khi tra cứu thông tin, hệ thống sẽ cung cấp đầy đủ các chi tiết liên quan đến thuốc như tên, số đăng ký, nhà sản xuất, và cả mẫu nhãn thuốc đã được Cục Quản lý Dược phê duyệt.

Các hướng dẫn được đưa ra bởi Cục Quản lý dược để không trở thành nạn nhân của thuốc giả là:

Chỉ mua thuốc tại các nhà thuốc, quầy thuốc được cấp phép, có uy tín và địa chỉ rõ ràng. Người dân không nên mua thuốc từ các nguồn không rõ ràng như chợ, hàng rong hoặc qua các trang mạng xã hội, livestream, vì đây là các kênh có nguy cơ cao bán thuốc giả.

Bao bì của thuốc phải nguyên vẹn, không rách, mờ hoặc có dấu hiệu chỉnh sửa.

Kiểm tra các thông tin quan trọng như tên thuốc, số lô, ngày sản xuất, hạn sử dụng, số đăng ký, tên nhà sản xuất. Những thông tin này phải rõ ràng và không bị tẩy xóa.

So sánh với bao bì chính hãng (nếu có) để phát hiện sự khác biệt về màu sắc, chữ in hoặc logo.

Quan sát màu sắc, kích thước và ký hiệu trên viên thuốc, hộp thuốc. Nếu có sự khác biệt so với lần sử dụng trước, không nên sử dụng.

Sử dụng ứng dụng quét mã vạch hoặc mã QR (nếu có) để kiểm tra thông tin sản phẩm.

Khi mua thuốc, yêu cầu hóa đơn mua hàng để đảm bảo nguồn gốc. Hóa đơn cũng là cơ sở để khiếu nại nếu phát hiện thuốc giả.

Thuốc giả thường được bán với giá rẻ bất thường nhằm thu hút người mua. Nếu giá quá thấp so với thị trường, cần phải cẩn trọng, vì đây có thể là dấu hiệu của thuốc giả.

Trước khi mua thuốc, người dân nên tra cứu thông tin thuốc trên website của Cục Quản lý Dược (dav.gov.vn) hoặc các trang web uy tín của nhà sản xuất. Đồng thời, tham khảo ý kiến bác sỹ hoặc dược sỹ, đặc biệt đối với các loại thuốc kê đơn. Đối với thuốc kê đơn, chỉ mua thuốc theo đơn thuốc của bác sỹ.

Từ ngày 1/7/2025, theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Dược, chỉ một số thuốc không kê đơn mới được phép kinh doanh qua phương thức thương mại điện tử. Người dân cần chỉ mua thuốc trên các trang web được cấp phép bán thuốc trực tuyến. Không nên mua thuốc qua các nền tảng mạng xã hội hoặc từ người bán cá nhân không rõ danh tính.

Tránh tin vào các lời quảng cáo "thần dược" hoặc thuốc không rõ nguồn gốc được rao bán qua mạng hoặc truyền miệng. Những quảng cáo này có thể là chiêu trò lừa đảo.

Nếu phát hiện dấu hiệu thuốc giả, người dân cần báo ngay cho cơ quan chức năng như Sở Y tế, Cục Quản lý Dược hoặc công an địa phương để xử lý. Nếu đã mua phải thuốc giả, ngừng sử dụng ngay lập tức và liên hệ cơ sở y tế để được tư vấn. Việc sử dụng thuốc giả có thể gây nguy hiểm nghiêm trọng đến sức khỏe.

Nhằm ngăn chặn và xử lý các hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng như Bộ Công an, Bộ Công thương và Hải quan. Các hoạt động kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm đã được tăng cường tại nhiều tỉnh thành. Hệ thống dữ liệu ngành dược cũng được hoàn thiện, giúp công chúng dễ dàng tra cứu thông tin về thuốc đã được cấp phép.

Đặc biệt, Bộ Y tế đã dự thảo một nghị định mới về việc kinh doanh thuốc online, nhằm quản lý chặt chẽ việc mua bán thuốc qua internet và ngăn chặn tình trạng thuốc giả lưu hành trên thị trường.

Triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm ngăn chặn, xử lý thuốc giả, thực phẩm giả, mỹ phẩm giả
Phó thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư