Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 11 tháng 08 năm 2024,
Cảnh giác với ngộ độc hóa chất
D.Ngân - 10/08/2024 17:35
 
Sau vụ việc 5 người ở TP.HCM bị ngộ độc hóa chất tẩy rửa đến mức nguy hiểm tính mạng, chuyên gia cảnh báo người dân cần cẩn trọng khi tiếp xúc với các hóa chất.

Thông tin từ Sở Y tế TP.HCM cho biết, Bệnh viện huyện Bình Chánh vừa tiếp nhận 5 trường hợp nghi ngộ độc hoá chất PAC (Poly Aluminium Chloride).

Được biết, PAC là một loại phèn nhôm, tồn tại ở dạng cao phân tử (polymer). Hóa chất này còn được gọi là chất keo tủa hoặc chất keo tụ, có thể làm tăng độ trong của nước, kéo dài chu kỳ lọc cũng như tăng chất lượng nước sau khi lọc. PAC là tác nhân cô lập, làm cải thiện đáng kể đặc tính của polymer trong nước.

Ảnh minh họa.

Trước đó, cũng về ngộ độc hóa chất, thông tin từ Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, cơ sở vừa tiếp nhận 2 người bệnh hôn mê sâu nghi do ngộ độc khí được chuyển đến từ trung tâm y tế tuyến huyện.

Theo các chuyên gia y tế, trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường sử dụng hóa chất phục vụ sinh hoạt và sản xuất bao gồm: Nước rửa chén, xà bông giặt đồ, chất tẩy rửa, xà bông tắm, thuốc trừ sâu, thuốc diệt chuột… 

Nếu không sơ cứu ngộ độc hóa chất kịp thời, nạn nhân bị ngộ độc hóa chất sẽ bất tỉnh, kích động, co giật, ngừng thở, thậm chí tử vong.

Ngộ độc hóa chất là tình trạng nuốt, tiếp xúc hoặc tiêm phải thuốc, hóa chất, hít khí độc. Với các chất tẩy rửa, nhiều người bị ngộ độc do uống nhầm hoặc tiếp xúc trên da. 

Có nhiều loại hóa chất, mỗi loại xâm nhập và tác động khác nhau đến sức khỏe. Dựa vào cách tiếp xúc hóa chất, các triệu chứng được chia ra nhiều nhóm bao gồm:

Ngộ độc qua đường hô hấp: Hóa chất có thể gây tổn thương, phỏng đường hô hấp hoặc tổn thương nhu mô phổi co thắt đường hô hấp gây thở co kéo, thở rít. Nếu suy đường hô hấp, bệnh nhân tím tái, hôn mê, ngưng thở, tử vong.

Ngộ độc hóa chất qua da: Hóa chất đổ lên da gây bỏng (da đỏ, phồng rộp, lở loét,…).

Ngộ độc hóa chất qua đường tiêu hóa: Trong trường hợp vô tình uống phải hóa chất có biểu hiện như: Khó chịu trong người, chóng mặt, đau bụng, nôn ói nhiều lần, đau bụng.

Ngộ độc hóa chất đối với hệ thần kinh: Hóa chất tác động lên hệ thần kinh chóng mặt, đau đầu, co giật, hôn mê. Nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến trụy tim mạch, tử vong. 

Ngộ độc hóa chất ảnh hướng lên hệ tuần hoàn gây các triệu chứng như: Tụt huyết áp, tim đập nhanh. 

Nguyên tắc xử trí khi phát hiện người bị ngộ độc:

Bước 1: Quan sát xung quanh, đảm bảo an toàn, tiến gần tìm nguyên nhân. 

Bước 2: Nhanh chóng đưa người bệnh đến nơi an toàn. 

Bước 3: Quan sát đánh giá tình trạng bệnh nhân. 

Bước 4: Thực hiện sơ cứu đơn giản nếu có kiến thức về sơ cứu ngộ độc hóa chất. 

Bước 5: Nếu nạn nhân tỉnh táo cần thu thập thông tin, chụp hình hoặc mang theo các loại hóa chất gây ngộ độc.

Bước 6: Gọi cấp cứu, đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất. 

Dựa trên tình trạng và đường tiếp xúc với hóa chất để thực hiện sơ cấp cứu phù hợp. Chẳng hạn, với ngộ độc đường hô hấp: Nhanh chóng đưa bệnh nhân ra khỏi vùng có khí độc hay hóa chất đến một nơi thông thoáng. Thực hiện hô hấp nhân tạo nếu bệnh nhân tím tái, ngưng tuần hoàn và hô hấp.

Ngộ độc qua da: Nhanh chóng đưa bệnh nhân đến nơi có nguồn nước sạch, rửa sạch chất bám trên da bằng xà phòng hoặc dung dịch vệ sinh an toàn cho da. Nếu chất độc văng vào mắt hãy rửa mắt bằng nước sạch nhẹ nhàng. 

Ngộ độc qua đường tiêu hóa nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. 

Với mọi trường hợp bị ngộ độc hóa chất, sau bước sơ cứu ban đầu cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế uy tín gần nhà để được xử trí kịp thời. Tránh kéo dài thời gian, gây biến chứng nặng, nguy hiểm đến tính mạng. 

Tại bệnh viện, bệnh nhân được thăm khám và đánh giá tình trạng. Người nhà hãy mang theo loại hóa chất mà người bệnh uống hoặc hít phải để bác sĩ xác định chính xác chất gây ngộ độc. Nhờ vậy, sử dụng đúng thuốc đối kháng lại hóa chất. Bác sĩ tiến hành điều trị theo nguyên nhân ngộ độc.

Khi phát hiện người bị ngộ độc hóa chất cần chú ý đến các thông tin như tên hóa chất: Thường được ghi rõ trên bao bì, túi đựng hoặc chai lọ. Cần ghi nhớ, chụp ảnh hoặc mang tới bệnh viện. Việc này giúp bác sĩ xác định chính xác hóa chất nhanh hơn, sử dụng thuốc điều trị đặc hiệu kịp thời. 

Ghi nhớ số lượng, thời gian tiếp xúc hóa chất. Ghi nhớ triệu chứng và biểu hiện ngộ độc ban đầu. Hóa chất văng vào mắt, không tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào để nhỏ mắt. Chỉ rửa mắt bằng nước sạch. Khi người bệnh uống nhầm hóa chất, không sử dụng sirô gây nôn hay bất cứ loại thuốc tạo nôn mửa nào. 

Trong trường hợp nghi ngờ trẻ nuốt phải pin đồng hồ phải đến bệnh viện để kiểm tra và lấy pin ra. Pin để lâu trong cơ thể người gây nguy hiểm đến sức khỏe.

Hóa chất đóng vai trò thiết yếu trong đời sống sinh hoạt nhưng để đảm bảo an toàn, người dân cần biết bảo quản và cách sử dụng hóa chất. Các loại hóa chất được sử dụng rộng rãi hiện nay gồm có các loại xà bông tắm, gội đầu, rửa tay,… 

Các loại hóa chất tẩy rửa như: Xà phòng, nước xả, nước tẩy trắng, bột thông cống, nước lau sàn, nước rửa chén, nước lau kính,…

Các loại hóa chất làm sạch có chứa dung môi hữu cơ: Dầu nhựa thông, nhựa thông, sơn, sơn mài, chất kết dính, thuốc nhuộm, dược phẩm…

Các sản phẩm diệt khuẩn khử mùi: Oxy già, thuốc tím, cồn… Các chất dạng xăng dầu, dung môi pha sơn. 

Hóa chất xua đuổi, diệt côn trùng: Bình xịt ruồi muỗi, thuốc diệt chuột, thuốc diệt kiến,… Các loại hóa chất dùng trong nông nghiệp: Thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, phân bón hóa học,…

Những trường hợp bắt buộc tiếp xúc với thuốc trừ sâu, diệt cỏ,… phải dùng dụng cụ bảo hộ lao động như khẩu trang, màn che, găng tay để tránh tiếp xúc trực tiếp với hóa chất. Bảo quản hóa chất ở vị trí cao, xa tầm tay trẻ em, ghi chú trên chai lọ. Khi bị ngộ độc cần bình tĩnh sơ cứu và đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư