Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Cạnh tranh bảo hiểm phi nhân thọ thêm nóng
Thanh Thủy - 17/04/2022 16:24
 
Dù là lĩnh vực hấp dẫn, nhưng doanh thu tăng trưởng thấp các năm gần đây khiến cạnh tranh lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ sẽ khốc liệt hơn.

Những tân binh đáng gờm

Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ trong 11 tháng của năm 2021 ước đạt 52.367 tỷ đồng, chỉ tăng 1,78% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy vậy, vẫn có doanh nghiệp bảo hiểm bứt phá tăng trưởng mạnh doanh thu.

Bảo hiểm OPES thu về 813 tỷ đồng doanh thu phí trong 11 tháng của năm 2021, tăng 78,13% so với cùng kỳ. OPES ra đời vào năm 2018, với mục tiêu trở thành doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực bảo hiểm số. Trong hơn 30 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh thu phí của doanh nghiệp bảo hiểm non trẻ này bằng khoảng một nửa công ty bảo hiểm đứng vị trí thứ 10 về thị phần.

Theo thông tin từ VPBank - cổ đông sáng lập đang sở hữu 11% vốn Bảo hiểm OPES, nhà băng này sẽ nhận chuyển nhượng toàn bộ (100%) hoặc phần lớn (dự kiến trên 90%) vốn điều lệ của công ty với giá mua dự kiến không quá 1,5 lần giá trị sổ sách. Giao dịch trên nếu được cổ đông VPBank phê duyệt và thực hiện sẽ đưa Bảo hiểm OPES trở thành công ty con hợp nhất kết quả kinh doanh với ngân hàng.

Các thương vụ mua lại trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ đã đặc biệt sôi động từ cuối năm trước. Mới đây, Chứng khoán Tân Việt (TVSI) và một nhóm nhà đầu tư đã sở hữu 100% vốn Bảo hiểm FWD Việt Nam, thuộc sở hữu của Tập đoàn FWD. Đầu tháng 12/2021, Bộ Tài chính đã phê duyệt hồ sơ xin phép chấp thuận chuyển nhượng 80,64% vốn công ty Bảo hiểm AAA (AAA) giữa Bamboo Capital và công ty thành viên BCG Financial với Tập đoàn Bảo hiểm Australia IAG.

Điểm chung của những thương vụ mua lại bảo hiểm phi nhân thọ trên là mối dây liên kết với các tổ chức tài chính. VPBank ngoài chính thức sở hữu chi phối Bảo hiểm OPES, còn dự kiến đầu tư tối đa 15.000 tỷ đồng vào Chứng khoán VPBank (tiền thân là Chứng khoán ASC). Bamboo Capital cũng đang tham gia sâu hơn vào thị trường tài chính qua chính các thương vụ đầu tư vào BCG Financial, Bảo hiểm AAA, đầu tư gần 1.000 tỷ đồng mua cổ phiếu TPBank và gần đây đã đưa nhân sự cấp cao vào Eximbank. TVSI, công ty chứng khoán này đang sẵn có nhiều đối tác chiến lược trong ngành tài chính như Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Bảo hiểm Bảo Long và Công ty Quản lý quỹ Tân Việt (TVFM).

Tham vọng của các tân binh rất lớn. Bảo hiểm HD ngay từ khi thành lập hồi tháng 5/2020 đã nhanh chóng bước vào nhóm quy mô vốn điều lệ dẫn đầu thị trường (1.800 tỷ đồng). Còn với Bảo hiểm AAA, tân Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đình Ngôn đề ra mục tiêu là đưa công ty bảo hiểm này trở thành “một trong những công ty bảo hiểm hàng đầu niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán” trong vòng 3 năm tới.

Cạnh tranh ngày càng khốc liệt

Tương tự nhóm ngân hàng hay công ty chứng khoán, cơ cấu nguồn vốn của các doanh nghiệp bảo hiểm cũng thường dựa chính vào nguồn vốn bên ngoài. Thống kê các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đang giao dịch cổ phiếu trên sàn chứng khoán (không kể Tập đoàn Bảo Việt do kinh doanh cả ở mảng nhân thọ và phi nhân thọ), vốn chủ sở hữu chiếm gần 32% tổng nguồn vốn của doanh nghiệp. Quỹ tài chính được tích lũy từ đóng góp của những người tham gia bảo hiểm giữ tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn vốn. Doanh nghiệp bảo hiểm quản lý quỹ này và phân bổ đầu tư để tăng trưởng quỹ, đảm bảo khả năng chi trả bảo hiểm và sinh lời.

Thị trường bảo hiểm đang thu hút thêm thành viên mới. Tuy nhiên, nhìn lại doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ, mức tăng trưởng thấp 2 năm gần đây lại là điều đáng ngại. Số liệu thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy, 10 doanh nghiệp bảo hiểm đứng đầu về thị phần đang nắm giữ 77% doanh thu phí bảo hiểm gốc, còn lại 22 doanh nghiệp chia nhau miếng bánh thị phần 23%. Khi quy mô doanh thu chỉ tăng vỏn vẹn 1,7%, ngay cả các doanh nghiệp top đầu cũng hao hụt đáng kể thị phần.

Doanh thu phí bảo hiểm của Bảo Việt giảm 5,9% so với cùng kỳ, khiến thị phần của “ông lớn” này giảm từ mức 17,1% năm 2020, xuống còn 16,7% năm 2021. Doanh thu phí PTI và PJICO cũng lần lượt giảm 2% và 4,7%. Ở chiều ngược lại, một số doanh nghiệp vẫn giữ được mức tăng trưởng trên 2 con số như MIC (+24,7%), BSH (+13,9%), BIC (+13,4%), PVI (+12%), Bảo hiểm VietinBank (+11%).

Tiếp tục gia tăng doanh thu với động lực tăng lớn ở mảng bảo hiểm tài sản kỹ thuật, PVI vươn lên nắm 20% thị phần trong 2 tháng đầu năm và soán ngôi Bảo hiểm Bảo Việt, đứng đầu trong bảng xếp hạng. Tuy nhiên, ngay chính doanh nghiệp đang giữ ngôi vương thị phần cũng cảm nhận rõ sức nóng cạnh tranh của lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ này.

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông tổ chức mới đây, ông Nguyễn Xuân Hòa, Tổng giám đốc PVI thừa nhận áp lực cạnh tranh về giá từ nhiều đối thủ buộc doanh nghiệp này phải tính phương án cạnh tranh cả về chất lượng và giá đối với một số dự án, dù định hướng chung là cạnh tranh về chất lượng.

Chuyện ngoại hóa bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam
Sau tuần “trăng mật”, đã bắt đầu có những câu chuyện “cơm không lành, canh không ngọt”, nhưng M&A trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tại...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư