Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Cấp bách "vực dậy" nền nông nghiệp tăng trưởng âm
Hữu Tuấn - 29/07/2016 16:50
 
Chiều ngày 29/7, điểm đáng chú ý trong các ý kiến góp ý của Đại biểu Quốc hội đối với Báo cáo Kinh tế xã hội 2016 của Chính phủ là tập trung vào giải quyết các khó khăn, thách thức trong nông nghiệp - "mặt trận lớn" của nền kinh tế.

Trong các phát biểu của Đại biểu quốc hội tại Hội trường chiều nay 29/7, Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu), Quốc hội cần quan tâm nhiều hơn đến sự giảm sút trong lĩnh vực nông nghiệp khi 6 tháng đầu năm nay. Tán thành với báo cáo của Chính phủ về những nguyên nhân khách quan khiến sản xuất nông nghiệp 6 tháng qua lần đầu tiên bị tăng trưởng âm, song Đại biểu cũng khẳng định, có nguyên nhân chủ quan đã lâu chưa được xem xét, giải quyết căn cơ như:  việc đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp chưa tương xứng với tăng trưởng của GDP; còn thiếu những cây, con giống đáp ứng yêu cầu của thị trường, giá vật tư phân bón, chi phí đầu vào còn cao, vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng tồn tại trên thị trường gây thiệt hại cho nông dân.

Đặc biệt, sai phạm của cán bộ liên quan lĩnh vực này, chẳng hạn cấp phép khống cho trên 800 sản phẩm trong lĩnh vực thủy sản không qua kiểm định chất lượng vẫn được phép lưu hành gây bức xúc lớn cho nhân dân. Rất nhiều tồn tại bấy lâu của ngành nông nghiệp đã được nhiều Đại biểu Quốc hội Khóa XIII chỉ ra, lặp đi lặp lại nhưng chưa có giải pháp khắc phục.

Theo đại biểu Hoa Ry, nền nông nghiệp chúng ta chưa đủ mạnh để ứng phó với các điều kiện thời tiết không thuận lợi; chưa kể đến những khó khăn gặp phải khi đất nước hội nhập sâu rộng. Chính vì vậy, Quốc hội cần giám sát chặt chẽ hơn việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Cần thiết, tổ chức giám sát chuyên đề về lĩnh vực này để nắm được bức tranh tổng thể nền nông nghiệp, có giải pháp thiết thực, khung khổ pháp lý đồng bộ, phù hợp với thời kỳ hội nhập, góp phần tháo gỡ khó khăn cho bà con. Cùng với đó là, tăng cường đầu tư hơn nữa cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, có cơ cấu phân bổ hợp lý, tương xứng với các nhóm đối tượng thụ hưởng.

Đại biểu
Đại biểu Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội ngày 29/7. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

"Mặc dù Chính phủ đã có chương trình tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn nhưng trên thực tế, người nông dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng còn khó khăn. Việc sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, áp dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp còn gặp khó, Chính phủ cần rà soát, tháo gỡ những khó khăn trong lĩnh vực này. Quan tâm đầu tư cho các viện, trung tâm nghiên cứu để đủ sức nghiên cứu ra các cây trồng vật nuôi phù hợp với đặc điểm của từng vùng miền và gắn với công nghiệp chế biến.

Quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng thương hiệu nông sản có chất lượng và thị trường tiêu thụ để nâng cao chất lượng nông sản. Cần có cơ chế chính sách phát triển cho nhóm nông dân khởi nghiệp, hợp tác tự nguyện hình thành các Hợp tác xã để hỗ trợ nhau trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa", Đại biểu Trần Thị Hoa Ry đề nghị

Đại biểu Nguyễn Hoàng Anh (Cao Bằng) cũng cho rằng, nông nghiệp là “giảm shock” của nền kinh tế nhưng việc đầu tư cho nông nghiệp vừa qua vẫn chủ yếu theo chiều rộng, giá trị kinh tế thấp, phát triển không bền vững. Vì thế, Đại biểu này đề nghị, Chính phủ cần phân tích sâu hơn nguyên nhân của tình trạng này và đề ra một số giải pháp đồng bộ để phát triển nông nghiệp có khả năng cạnh tranh cao hơn, hiệu quả hơn, kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp trong phát triển mở rộng thị trường.

Ghi nhận ý kiến của các Đại biểu Quốc hội về những việc cần phải làm đối với nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường chia sẻ, nông nghiệp đang đứng trước những thách rất lớn.

Đó là nền nông nghiệp về tổng thể vẫn dựa trên nền tảng quy mô hộ nhỏ lẻ với 12 triệu hộ nông dân, bình quân 1 hộ là 0,3 ha đất sản xuất. Chính điều này dẫn tới năng suất lao động, năng suất kinh tế rất thấp. Thu nhập của người nông dân không chỉ thấp hơn các nước xung quanh mà thấp hơn cả trong các khu vực khác của nền kinh tế nước ta.

"Đây là nguyên nhân căn bản để chúng ta phải tái cơ cấu nền nông nghiệp", Bộ trưởng Cường khẳng định.

 Mặt khác, biến đổi khí hậu diễn ra nhanh và khắc nghiệt hơn so với kịch bản đã dự báo năm 2012. Khô hạn, xâm nhập mặn, nước biển dâng đã diễn ra khốc liệt suốt từ đầu năm ở hầu hết các vùng của đất nước, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ.

Nông nghiệp nước ta cần hội nhập sâu rộng đi cùng với yêu cầu thị trường mở rộng cả hai chiều.

Ở chiều xuất khẩu, yêu cầu hàng hóa tiêu chuẩn chất lượng cao hơn, giá cả cạnh tranh và liên tục đổi mới. Ở chiều ngược lại, áp lực cạnh tranh với hàng ngoại tràn vào, trong khi tính cạnh tranh của chúng ta về nguồn tài nguyên, về khoa học, về trình độ công nghiệp hóa đang là bất lợi. Đây là ba thách thức rất lớn, mang tính sống còn, đòi hỏi chúng ta phải tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chuỗi giá trị bền vững. 

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trao đổi với báo chí bên lề QH (Ảnh: V.Hải - Lao Động)
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường

Về tái cơ cấu nông nghiệp, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án tái cơ cấu nông nghiệp vào tháng 6/2013. Các ngành, các địa phương đều xây dựng chương trình tái cơ cấu nông nghiệp của mình và qua 3 năm thực hiện đã xuất hiện được những mô hình, điển hình ở quy mô, ngành hàng khác nhau.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể, các sản phẩm chính của nông nghiệp vẫn được sản xuất nhỏ lẻ, cho giá trị thấp, bấp bênh về mặt tiêu thụ, giá trị gia tăng thấp, đòi hỏi chúng ta phải quyết liệt hơn, đặc biệt là vùng trọng điểm đang bị tác động kép của biến đổi khí hậu như Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, ĐBSCL.

"Tới đây, Bộ và các tỉnh sẽ phối hợp rà soát, điều chỉnh quy hoạch theo hướng phát huy sản phẩm lợi thế vùng gắn biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường. Trên cơ sở đó, đề xuất đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng một cách căn cơ theo yêu cầu của sản xuất mới. Tới đây, ngành nông nghiệp sẽ tập trung vào các lĩnh vực còn dư địa để thực hiện", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ: Sụt giảm GDP là từ nông nghiệp và khai thác dầu
Sáng 29/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư