Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Cập nhật số phận các dự án lọc dầu tỷ đô
Nguyên Đức - 11/09/2015 08:08
 
Những vướng mắc cuối cùng liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng của Dự án Hóa dầu Long Sơn ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã được gỡ bỏ, tạo điều kiện để chủ đầu tư triển khai Dự án.
TIN LIÊN QUAN

Hôm qua (10/9/2015), UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã lại một lần nữa họp bàn về vấn đề bàn giao mặt bằng cho Dự án Hóa dầu Long Sơn, vốn đầu tư 4,5 tỷ USD. Mọi chuyện đã suôn sẻ hơn khi cuối cùng, việc đền bù giải tỏa phần diện tích đất (113 ha) của 47 hộ dân thuộc Tập đoàn Muối số 1, Trảng Cây Đu đã được giải quyết.

Theo đó, với sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, 47 hộ dân dân này (đang sử dụng đất có nguồn gốc nhận giao khoán của Tập đoàn Muối số 1, Trảng Cây Đu) tuy không được bồi thường về đất, nhưng được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại như đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất do nhận giao khoán đất sử dụng vào mục đích nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản.

Ngoài ra, các hộ dân này cũng sẽ được hỗ trợ ổn định đời sống và ổn định sản xuất, cũng như hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm…

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất - Dự án lọc hóa dầu duy nhất tại Việt Nam đã đi vào hoạt động. Ảnh: Đ.T
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất - dự án lọc hóa dầu duy nhất tại Việt Nam đã đi vào hoạt động. Ảnh: Đ.T

 

Theo thông tin của Báo Đầu tư, trong tổng số 464 ha diện tích đất của Dự án, phần diện tích đất sạch đã được giải tỏa là 337,8 ha. Chủ đầu tư cũng đã làm thủ tục tạm ứng tổng cộng 811 tỷ đồng để Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện việc đền bù, giải phóng mặt bằng.

Mặc dù vẫn còn những vấn đề liên quan đến thu xếp tài chính cho Dự án, trong đó có việc bảo lãnh Chính phủ, song với việc đền bù giải phóng mặt bằng đã thuận lợi hơn, tiến độ triển khai Dự án sẽ được thúc đẩy. Nhiều khả năng, Dự án sẽ được khởi công trở lại vào cuối năm sau.

Liên quan đến dự án trên, trung tuần tháng 11/2014, PVN đã ký thỏa thuận nhận chuyển nhượng toàn bộ 11% vốn góp của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) tại Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn, chủ đầu tư Dự án Hóa dầu Long Sơn.

Như vậy, với thương vụ này, PVN sẽ là đại diện Việt Nam duy nhất nắm vốn tại Hóa dầu Long Sơn, với tỷ lệ 29%, bên cạnh Tập đoàn SCG của Thái Lan (46%) và Tập đoàn QP của Qatar (25%).

Hiện nay, ngoài Dự án Hóa dầu Long Sơn, Việt Nam còn một số dự án liên quan đến lĩnh vực lọc hóa dầu, như Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn (9,9 tỷ USD - Thanh Hóa), Lọc hóa dầu Victory (22 tỷ USD - Bình Định), Lọc dầu Vũng Rô (3,2 tỷ USD - Phú Yên), Lọc dầu Cần Thơ (500 triệu USD).

Ngoài Lọc hóa dầu Nghi Sơn đang được đẩy nhanh tiến độ thực hiện, thì Lọc hóa dầu Victory vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Trong khi đó, Phú Yên cũng đang nỗ lực giải quyết vấn đề mặt bằng để chủ đầu tư có thể sớm khởi công Dự án Lọc dầu Vũng Rô.

Ở dự án này, vướng mắc nằm ở chỗ, dù quyết định thu hồi đất để thực hiện Dự án được ban hành từ đầu tháng 9/2012, song đến đầu tháng 3/2013, UBND huyện Đông Hòa mới công bố thông báo thu hồi đất đến các hộ dân. Vì thế, trong khoảng thời gian “trống”, nhiều hộ dân đã xây dựng nhà để ở, trong khi chính quyền xã không biết để xử lý.

Để tháo gỡ khó khăn, cuối tháng 8/2015, UBND tỉnh Phú Yên cũng đã chính thức có văn bản thống nhất về việc cho phép thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ đối với trường hợp nhân dân xây dựng nhà ở trong khoảng thời gian nói trên. Quyết định này được coi là có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong giải quyết vấn đề đất đai, giúp thúc đẩy tiến độ Dự án.

Trong khi đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đang gấp rút giải quyết vấn đề mặt bằng cho Dự án mở rộng Lọc dầu Dung Quất, vốn đầu tư 1,8 tỷ USD, với quy mô diện tích mở rộng là 300 ha. Khó về ngân sách, Quảng Ngãi đã từng đệ trình Chính phủ xin ứng vốn phục vụ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho dự án này. Tổng kinh phí dự kiến thực hiện công việc này là 783,5 tỷ đồng.

Còn Lọc dầu Cần Thơ, sau một thời gian dài chậm triển khai và liên tục bị Cần Thơ cảnh báo thu hồi, thì đầu tháng 8 vừa qua đã xin thay đổi đối tác để triển khai Dự án. Cụ thể, Công ty Razeedland Plaza (M) SDN. BHD Malaysia (RPSB) sẽ thay thế Công ty Semtech Limited B.V.I để thực hiện dự án này. Cùng với việc thay đối tác, Lọc dầu Cần Thơ cũng sẽ được tăng vốn đầu tư lên 600 triệu USD, tăng 62 triệu USD so với vốn đầu tư ban đầu.

Razeedland Plaza (M) SDN. BHD Malaysia thuộc Tập đoàn Lọc hóa dầu SGB Refinery Petrochemical Corporation SDN. BHD (Brunei). Theo kế hoạch, công ty này sẽ đóng góp 80% vốn trong liên doanh với Công ty cổ phần Đầu tư - Thương mại Viễn Đông (Việt Nam) để thực hiện Dự án.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư