Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Cắt 9 dự án sử dụng vốn trái phiếu chính phủ
Mạnh Bôn - 12/03/2014 08:53
 
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết cắt 9 dự án sử dụng vốn trái phiếu chính phủ (TPCP), trên cơ sở rà soát lại việc phân bổ vốn TPCP giai đoạn 2014 - 2016 cho các dự án, công trình dở dang. >>> Bán Vinamilk để ngân sách có tiền tiêu? >>> Cần thiết nâng trần bội chi, phát hành bổ sung TPCP >>> Hà Tĩnh: Đập Cồn Tranh xây tiền tỷ, chưa dùng đã rỗng ruột >>> “Chốt ” thời điểm thanh toán vốn đầu tư ngân sách >>> Thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh cần 24.000 tỷ đồng

“Trong số 9 dự án không tiếp tục đầu tư, có những dự án đương nhiên phải cắt, dù có rà soát lại việc phân bổ vốn TPCP giai đoạn 2014 - 2016 hay không, bởi đó là những dự án không mang tính cấp bách”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh phát biểu.

Cắt 9 dự án sử dụng vốn trái phiếu chính phủ
Nguồn vốn trái phiếu chính phủ đã phát huy hiệu quả tại Dự án
Nâng cấp Quốc lộ 14 đoạn qua Tây Nguyên. Ảnh: Anh Minh

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 91 dự án vừa được rà soát có tổng mức đầu tư hơn 42.316 tỷ đồng, trong đó, nguồn TPCP chỉ có thể “gánh” được 18.067 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, do nguồn vốn TPCP có hạn, nên Chính phủ quyết định dồn vốn cho 42 dự án có khả năng hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2014 và 2015.

Đối với 40 dự án không có khả năng bố trí đủ nguồn vốn TPCP để hoàn thành dứt điểm, các bộ, địa phương phải tiến hành xử lý theo hướng điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn, huy động thêm nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để có thể hoàn thành.

Trường hợp không thể huy động thêm đủ nguồn lực để hoàn thành dự án, phải thực hiện điều chỉnh cắt, giảm quy mô đầu tư phù hợp với khả năng cân đối của nguồn vốn TPCP và khả năng huy động các nguồn vốn khác cho dự án.

Đối với 9 dự án không có khả năng bố trí, huy động đủ vốn để hoàn thành hoặc bố trí thêm cũng không có mang lại hiệu quả thiết thực, phải kiên quyết đình hoãn để xử lý sau năm 2016 hoặc chuyển đổi hình thức đầu tư.

“Các bộ, địa phương đã thực hiện nghiêm túc việc cắt giảm vốn TPCP theo nguyên tắc này và cam kết huy động đủ nguồn (chủ yếu từ nguồn thu từ xổ số kiến thiết và nguồn thu từ đất đai), ngoài nguồn vốn TPCP để hoàn thành 40 dự án. Ngay cả những địa phương gặp khó khăn, với số vốn TPCP đã được phân bổ cũng đủ để hoàn thành những hạng mục chính, có thể đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả đồng vốn đã đầu tư”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết.

Vừa đi công tác các tỉnh phía Nam trở về, Phó chủ tịch Quốc hội, ông Uông Chu Lưu nêu thực trạng, Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng được đầu tư xây dựng từ năm 2009, với tổng vốn đầu tư 994 tỷ đồng, trong đó, nhưng mới bố trí được khoảng 50%. “Cũng như các địa phương khác, Sóc Trăng khó có thể tìm đủ nguồn để hoàn thành Bệnh viện Đa khoa của địa phương”, ông Lưu phát biểu và gợi ý, cần có cơ chế mở để các địa phương khó khăn về nguồn vốn có tiền hoàn thành nốt những công trình phục vụ dân sinh còn dang dở.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng lấy ví dụ Dự án Quốc lộ 39B đầu tư bằng nguồn vốn TPCP để nêu khó khăn trong việc mạnh tay cắt giảm nguồn vốn TPCP. “Quốc lộ 39B nằm trên địa bàn tỉnh Thái Bình, chạy qua 14 xã, hiện tại đã thu hồi đất của dân, mặc dù tỉnh đã cam kết huy động vốn, nhưng nếu không huy động được, Dự án bị đình hoãn thì rất phiền phức”, ông Phúc nói.

Cũng từ thực tế địa phương, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, chủ tịch một tỉnh cam kết huy động đủ vốn để hoàn thiện các dự án dở dang, nhưng khi lên Trung ương họp, bí thư tỉnh ủy tỉnh này “nói thật” với lãnh đạo các bộ, ngành rằng, khó có thể huy động đủ vốn để đầu tư tiếp.

Chia sẻ với khó khăn của các địa phương, song Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cương quyết: “Các địa phương đã cam kết huy động đủ vốn, thì phải nghiêm túc thực hiện. Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ không thể “chạy theo” nhu cầu đầu tư của các địa phương để huy động vốn”.

Liên quan đến Dự án Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng và Quốc lộ 39B, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, nguồn vốn TPCP đã bố trí đủ cho Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng, số còn thiếu là vốn đối ứng của địa phương, địa phương có nghĩa vụ phải thực hiện.

Tuy nhiên, với số vốn đã bố trí có thể hoàn thành các hạng mục chính và đưa vào khai thác, sử dụng. Dự án Quốc lộ 39B cũng tương tự, vốn TPCP chỉ đầu tư đến Diêm Điền để đưa Dự án vào khai thác, phát huy hiệu quả; đoạn đường còn lại, tỉnh Thái Bình phải tìm nguồn mà làm, nếu không tìm được nguồn thì giai đoạn 2016 -2020 sẽ tính sau, nhưng việc đầu tư phải theo nguyên tắc làm đến đâu sử dụng đến đó và phải có hiệu quả.

“Trong tháng 4 tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì cùng với các bộ, ngành, các ủy ban của Quốc hội đi kiểm tra các công trình, dự án phải cắt giảm đầu tư từ nguồn vốn TPCP. Qua đợt cắt giảm này, các địa phương cần phải hiểu rõ, nếu còn dự án đầu tư dở dang, thì đừng khởi công xây dựng dự án, công trình mới. Khi quyết định đầu tư, thì phải bảo đảm huy động đủ nguồn để thực hiện, chứ không thể trông chờ vào Trung ương hỗ trợ”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư