Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
“Chốt ” thời điểm thanh toán vốn đầu tư ngân sách
Mạnh Bôn - 17/01/2014 18:00
 
(Baodatu.vn) Bộ Tài chính vừa gửi công văn tới các bộ ngành, địa phương và UBND cấp tỉnh thông báo thời gian thanh toán vốn đầu tư niên độ ngân sách năm 2013 đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ (TPCP). >>> Đồng thuận nâng mức bội chi >>> Cần thiết nâng trần bội chi, phát hành bổ sung TPCP >>> Nhiều nhà băng tên tuổi vắng mặt trong phiên chợ trái phiếu >>> Phát hành thêm 170.000 tỷ đồng “vốn mồi”

Cụ thể, thời gian thanh toán kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và TPCP năm 2013 được thực hiện đến hết ngày 27/1/2014; thời gian chủ đầu tư gửi hồ sơ, chứng từ thanh toán vốn (bao gồm cả thanh toán các khoản tạm ứng) đến Kho bạc Nhà nước giao dịch chậm nhất đến hết ngày 24/1/2014.

Nguồn vốn TPCP giải ngân kịp thời đã góp phần phát triển kinh tế-xã hội

Đối với các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện và thanh toán vốn sau ngày 27/1/2014, chủ đầu tư được tiếp tục thực hiện theo ý kiến đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

Để bảo đảm thanh toán vốn đầu tư tư đúng thời hạn, Bộ Tài chính yêu cầu Kho bạc Nhà nước chịu trách nhiệm kiểm soát thanh toán vốn cho các dự án theo đúng đối tượng và thời gian quy định.

Năm 2013, tổng vốn đầu tư của các bộ ngành, địa phương là 226.258 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước 166.258 tỷ đồng; vốn TPCP 60.000 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ Tài chính, ông Nguyễn Công Nghiệp cho biết, tính đến hết ngày 31/12/2013, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã giải ngân 197.790 tỷ đồng vốn đầu tư, tương đương 75% kế hoạch vốn năm 2013, nếu kể cả số tạm ứng theo chế độ, thì tổng vốn đầu tư đã giải ngân đạt hơn 223.552 tỷ đồng, tương đương 85% kế hoạch. Thông qua kiểm soát vốn đầu tư, Kho bạc Nhà nước đã từ chối thanh toán khoảng 80 tỷ đồng do chủ đầu tư đề nghị thanh toán cao hơn giá trúng thầu, sai số hoặc không có trong hợp đồng, dự toán...

Bên cạnh một số đơn vị có tỷ lệ giải ngân cao, sớm hoàn thành kế hoạch năm, còn không ít đơn vị có tỷ lệ thanh toán thấp hơn tỷ lệ chung của cả nước như Vinalines, Thanh tra Chính phủ, Đắk Lắk, Kon Tum... (vốn ngân sách nhà nước) và Tây Ninh, Gia Lai, TP.HCM... (đối với vốn TPCP) mặc dù Bộ Tài chính đã công văn đôn đốc các bộ ngành, địa phương đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong những tháng còn lại của niên độ ngân sách năm 2013.

Năm 2014, Kho bạc Nhà nước phải huy động 394.000 tỷ đồng TPCP, tăng khoảng 100.000 tỷ đồng so với năm 2013.Trong đó, chỉ dành cho đầu tư 100.000 tỷ đồng (60.000 tỷ đồng thuộc kế hoạch giai đoạn 2011-2015 và thêm 40.000 tỷ đồng thuộc giai đoạn 2014-2016 theo Nghị quyết 65/2013/QH13) còn phải dành 224.000 tỷ đồng để bù đắp bội chi và 70.000 tỷ đồng dùng để đảo nợ.

Tại phiên họp thứ 24 (ngày 15/1/2014), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định phân bổ 73.320 tỷ đồng vốn TPCP năm 2014 cho các công trình dở dang đã có trong danh mục vốn TPCP giai đoạn 2012-2015 sau khi rà soát nhưng còn thiếu vốn theo Nghị quyết 65/2013/QH13.

Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết, việc phân bổ, giải ngân 73.320 tỷ đồng vốn TPCP cho đầu tư năm 2014 phải bảo đảm nguyên tắc không bố trí vốn cho dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư do tăng quy mô; chỉ bố trí vốn cho dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư do tăng giá hoặc thay đổi giải pháp kỹ thuật hợp lý và một số dự án được Thủ tướng Chính phủ cho phép bằng văn bản.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, để nâng cao hiệu quả vốn đầu tư từ nguồn TPCP, năm 2014, ngoài các nguyên tắc phân bổ vốn TPCP theo Nghị quyết 65/2013/QH13, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện nguyên tắc không bổ sung vốn cho các dự án có nhu cầu TPCP dưới 1 tỷ đồng và dự án hoàn thành đã bàn giao đưa vào sử dụng trước ngày 31/12/2012 có nhu cầu vốn TPCP còn lại dưới 2% tổng mức đầu tư.

“Việc phân bổ vốn như đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là phù hợp với thực tế bởi, số vốn còn thiếu, cần bố trí không đáng kể nên có thể sử dụng ngân sách địa phương hoặc nguồn dự phòng của dự án để xử lý”, ông Hiển đồng tình.

Cần thiết nâng trần bội chi, phát hành bổ sung TPCP
Sáng 24/10, Quốc hội có phiên thảo luận đầu tiên tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội, trong đó, vấn đề được quan tâm nhất là có nên nâng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư