Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Cắt giảm điều kiện kinh doanh không thể mãi là... cuộc chiến
Khánh An - 15/08/2018 08:11
 
Nếu việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành vẫn là cuộc chiến giữa các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, thì giới kinh doanh sẽ còn nhấp nhổm chưa yên. Lúc này, môi trường kinh doanh cần những người hành động vì sự thuận lợi của doanh nghiệp.

Kỳ 1: Nhấp nhổm trên tấm thảm gai

Hôm nay (15/8) là hạn định cuối để dự thảo các văn bản cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành phải được đặt lên bàn các cấp có thẩm quyền. Nhưng, điều được giới kinh doanh quan tâm lúc này không phải là số lượng, mà là cách thức và tư duy cắt bỏ những điều kiện đó.

Doanh nghiệp biết làm sao?

Lái xe tải của 3 doanh nghiệp là Công ty TNHH Thương mại Kỹ thuật Hansung Tech, Công ty TNHH Toho Vina và Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thiên Phước cuối cùng đã không phải nhấp nhổm mỗi khi nhìn thấy cảnh sát giao thông.

Sau rất nhiều cuộc tranh luận, điều kiện kinh doanh với doanh nghiệp vận tải vẫn tiếp tục được bàn...
Sau rất nhiều cuộc tranh luận, điều kiện kinh doanh với doanh nghiệp vận tải vẫn tiếp tục được bàn...

Bảo bối họ có được là Công văn số 8619/BGTV-VT ngày 6/8/2018 của Bộ Giao thông - Vận tải khẳng định các doanh nghiệp này thuộc đối tượng không phải cấp giấy phép kinh doanh vận tải, phù hiệu cho phương tiện. Bây giờ ra đường, lái xe sẽ cầm thêm giấy vận chuyển, theo mẫu đã được quy định tại Thông tư 63/2014/TT-BGTVT, trong đó có ghi là đối tượng không phải cấp phù hiệu.

Nhưng, người mừng hơn cả là lãnh đạo các doanh nghiệp này, khi cả quãng thời gian vừa rồi, họ đã phải ấm ức tìm cách đối phó với yêu cầu phải có phù hiệu ghi hai chữ “xe tải” dán trên kính xe.

“Kính thưa Thủ tướng! Muốn có phù hiệu cho phương tiện, chúng tôi phải hoặc “giả vờ” góp cổ phần bằng phương tiện đó vào các công ty, hợp tác xã vận tải, hoặc “giả vờ” ký hợp đồng vận tải với các tổ chức đó để hợp danh. Về danh nghĩa, sau khi “ký khống” tham gia, các phương tiện vận tải của chúng tôi sẽ thuộc quyền sở hữu, quyền điều hành và quyền quản lý của các tổ chức đó. Thế nhưng, tiền phí khoảng 3 triệu đồng cho mỗi đầu xe/năm là không hề khống”, Công ty Hansung Tech viết trong bức thư gửi Thủ tướng Chính phủ.

Hansung Tech là công ty 100% vốn nước ngoài, kinh doanh trong lĩnh vực ống dẫn gas cung cấp cho Tập đoàn Samsung, nên có 2 xe tải nhỏ để vận chuyển hàng hóa từ kho đến khách hàng. Lý do họ phải gửi thư tới tận Thủ tướng Chính phủ vì hai chiếc xe này thường xuyên bị phạt vì lỗi không có phù hiệu xe tải dán trên kính xe, với lý do được giải thích là căn cứ vào các điều 2, 3, 11 của Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Rắc rối nằm ở chỗ, khi Công ty đến Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Bình Dương xin đăng ký phù hiệu theo hướng dẫn, thì câu trả lời họ nhận được là không được cấp, vì Công ty không đăng ký ngành nghề kinh doanh vận tải.

“Vậy là, để được sử dụng phương tiện ô tô tải nhằm kinh doanh thương mại thuận lợi, hàng ngàn doanh nghiệp như chúng tôi phải đăng ký và hoạt động thêm cả ngành nghề kinh doanh vận tải?”, Hansung Tech đặt câu hỏi.

Nhưng ngay cả khi có muốn đăng ký giấy phép kinh doanh vận tải, Công ty cũng không thể làm gì được với danh sách dài dằng dặc các điều kiện kinh doanh, nhất là phải đảm bảo số lượng phương tiện 5 - 10 xe tùy theo địa bàn hoạt động, theo phương án kinh doanh đã được duyệt; người điều hành vận tải phải có trình độ chuyên môn về vận tải từ trung cấp trở lên hoặc có trình độ từ cao đẳng trở lên đối với các chuyên ngành kinh tế, kỹ thuật khác và có thời gian công tác liên tục tại đơn vị vận tải từ 3 năm trở lên...

Doanh nghiệp là ai trong con mắt quản lý nhà nước?

Dù việc thực hiện khá rối rắm, nhưng 3 doanh nghiệp cất công gửi thư đến Thủ tướng đã có đường ra, không phải nghĩ cách để lách luật nữa.

Nhưng rắc rối trên không phải là việc của riêng 3 doanh nghiệp đó. Chính các doanh nghiệp này cũng phải nhắc tới hàng ngàn doanh nghiệp khác đang trong tình thế như họ, phải sử dụng xe để vận chuyển hàng hóa của Công ty, không trực tiếp thu tiền, nhưng không biết làm sao để tuân thủ quy định; không biết giải trình thế nào khi cảnh sát giao thông thổi phạt, bởi cùng một quy định, mà mỗi cơ quan lại hiểu và thực thi một cách. Chỉ có điều, số doanh nghiệp gửi thư kêu rất ít, đa phần chờ đợi hoặc lặng lẽ thích ứng với môi trường kinh doanh.

Tổng giám đốc Công ty TNHH Cỏ May, ông Phan Minh Thiện là một trường hợp như vậy, khi được hỏi về dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo. “Tôi vẫn đang chờ văn bản này được ký ban hành”, ông Thiện trả lời, khó có thể ngắn gọn hơn.

Cuối năm 2017, khi dự thảo sửa đổi này được công khai lấy ý kiến doanh nghiệp, ông Thiện cũng nói ý như vậy khi nhìn thấy hàng loạt điều kiện kinh doanh đang bó chân, bó tay mình được Bộ Công thương đề xuất bãi bỏ.

Cỏ May là trường hợp hay được giới chuyên gia kinh tế viện dẫn cho sự vô lý trong quy định về điều kiện kinh doanh của Nghị định 109/2010/NĐ-CP. Đây là doanh nghiệp có năng lực sản xuất, đang có thị trường ở Singapore, rất tích cực đi quảng bá thương hiệu gạo Việt, nhưng đang phải đi vòng bằng các hợp đồng ủy thác với lý do không đủ điều kiện diện tích kho chuyên dụng, nhà máy xay xát... Đó là chưa kể quy định doanh nghiệp mỗi khi ký hợp đồng xuất khẩu phải đăng ký với Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) trong vòng 3 ngày làm việc, có thể bị kiểm tra về số lượng thóc, gạo và tiến độ xuất khẩu mà doanh nghiệp báo cáo...

Nhưng đến giờ, số phận của dự thảo trên đến đâu vẫn khá bí ẩn. Ngay cả bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, người theo sát nỗi thống khổ của các doanh nghiệp sản xuất gạo, cũng không có thông tin.

“Tôi vừa mong, vừa lo vì thấy doanh nghiệp gạo mỏi mòn rồi. Có sức trì kéo nào đến nỗi Thủ tướng Chính phủ đã mấy lần chỉ đạo phải chỉnh sửa và xử lý Nghị định 109/2010/NĐ-CP mà nay vẫn chưa xong?”, bà Hạnh nói.

Mong thì rõ, vì nếu những nội dung của dự thảo được giữ nguyên, hay chỉnh sửa theo đúng hướng là tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thì cơ hội cho doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu gạo, thậm chí là làm nên giá trị mới trong thị trường này sẽ hiện hữu. Ông Thiện dù chưa muốn chia sẻ cụ thể, nhưng cũng hé lộ kế hoạch lớn khi có thể trực tiếp xuất khẩu những hợp đồng lớn.

Nhưng sự chậm trễ trong ban hành văn bản này khiến doanh nghiệp lo nhiều hơn. Thậm chí, bà Hạnh còn nhắc tới khả năng “xóa cũ, gài mới” của các cơ quan quản lý nhà nước để đối phó với chủ trương của Chính phủ về cắt giảm điều kiện kinh doanh, xóa bỏ mọi rào cản gây khó cho doanh nghiệp.

“Phải coi doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế, thay vì đối tượng quản lý, phải đóng thuế, phải kiểm tra... bất chấp “sức khỏe” của họ ra sao, những rào cản họ phải đương đầu ngày càng gay go ra sao, họ cần gì để đủ sức cạnh tranh trong tình hình hội nhập mới. Đổi thay cách nghĩ, cách đối xử này là cái gốc rồi mới nói đến việc thảo luận bỏ giấy phép con”, bà Hạnh thẳng thắn.

Ông Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật Basico cũng không thể kiên nhẫn hơn. “Thời gian sửa đổi một văn bản đang dài hơn trung bình vòng đời một doanh nghiệp. Tại sao việc sửa những quy định sai của cơ quan quản lý nhà nước lại lâu đến vậy? Cơ quan quản lý nhà nước coi doanh nghiệp là gì mà phải kiểm soát chặt chẽ đến vậy?”, ông Đức đặt các câu hỏi, nhưng cũng trả lời ngay, đó là khi các cơ quan quản lý nhà nước không vì doanh nghiệp.

Ông Đức có lý do chính đáng khi nói như vậy. Nếu vì sự thuận lợi của doanh nghiệp, thì các quy định sẽ phải dễ hiểu, dễ thực thi, chứ không lắt léo đến mức doanh nghiệp phải tìm cách đối phó, mà đã đối phó thì không thể tránh việc lách luật, thậm chí lừa nhau.

Trở lại trường hợp của 3 doanh nghiệp có thư kêu Thủ tướng nêu trên, nếu vì doanh nghiệp, Công văn 8619/BGT-VT có thể ghi rõ là dùng để xử lý cho các doanh nghiệp có cùng vướng mắc, thay vì chỉ nhắc tới các doanh nghiệp có thư gửi Thủ tướng.

Tất nhiên, dù quy định thế nào, khó nhiều hay khó ít, thì doanh nghiệp sẽ tìm cách xoay sở để sống, nhưng câu hỏi cơ quan quản lý nhà nước coi doanh nghiệp là gì mà phải khó khăn trong sửa đổi các quy định đến vậy vẫn rất lớn…

(Còn tiếp)

Một số yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ với các bộ, ngành:

Văn bản thực thi phương án cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành phải đáp ứng yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành; danh mục hàng hóa, sản phẩm kiểm tra chuyên ngành phải gắn mã HS; một sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chỉ do một bộ, cơ quan ngang bộ hoặc một đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm quản lý...

Văn bản thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh phải đáp ứng yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% điều kiện kinh doanh; phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh phải thực chất, không gộp nhiều điều kiện thành một điều kiện theo kiểu cơ học hoặc chỉ thay đổi tên gọi.

Đối với dự thảo các văn bản thực thi phương án cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thì thời gian các bộ cho ý kiến phối hợp và Bộ Tư pháp cho ý kiến thẩm định chậm nhất là 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được dự thảo văn bản.

Nghiêm cấm các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tự đặt thêm điều kiện kinh doanh, danh mục hàng hóa, thủ tục kiểm tra chuyên ngành trái quy định của pháp luật.

Các bộ, cơ quan ngang bộ trong quá trình xây dựng dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh... phải bảo đảm rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, không tạo rào cản gia nhập thị trường, không làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp.

(Nguồn: Chỉ thị 20/2018/CT-TTg về tăng cường cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh)

Bỏ 1 tăng 10, nhiều bộ chưa tích cực cắt giảm điều kiện kinh doanh
Khi bàn về điều kiện kinh doanh, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vẫn gọi đây là nỗi nhức...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư