Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Cắt giảm điều kiện kinh doanh lại nóng
Khánh An - 03/01/2019 09:01
 
Tư duy mới trong xây dựng thể chế về kinh doanh, cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính của Chính phủ khiến doanh nghiệp háo hức.

Doanh nghiệp rộng cửa kiến nghị

Bộ Thông tin và Truyền thông có thể cần thời gian nhiều hơn nữa cho Dự thảo Nghị định về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình (sửa đổi Nghị định số 06/2016/NĐ-CP), không chỉ bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản dài tới gần 6.000 chữ gửi tới bộ này, với nhiều kiến nghị cụ thể đề nghị xem xét lại các nội dung trong Dự thảo.

.
.

“Các kiến nghị được tập hợp từ cuộc hội thảo do VCCI tổ chức giữa tháng 12/2018. Một số điều kiện kinh doanh không phù hợp với quy định của Luật Đầu tư. Một số nội dung trong dự thảo ảnh hưởng đến quyền kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia Ban Pháp chế, VCCI lý giải.

Trong kiến nghị, mối lo lớn nhất có thể là việc nhận diện phạm vi dịch vụ phát thanh - truyền hình theo Dự thảo là chưa hợp lý. “Việc xếp các dịch vụ “cung cấp nội dung theo yêu cầu” trên Internet vào nhóm dịch vụ phát thanh, truyền hình là chưa hợp lý, không phản ánh đúng bản chất của hoạt động phát thanh, truyền hình”, VCCI kiến nghị.

Thực ra, việc Bộ Thông tin và Truyền thông cân nhắc thêm các kiến nghị từ doanh nghiệp, nếu có, cũng không có gì đặc biệt. Nhưng, đặt trong thời điểm hiện tại, khi những yêu cầu rất mới mà Thủ tướng Chính phủ đang yêu cầu với từng thành viên Chính phủ cũng như lãnh đạo các địa phương, tư duy và cách thức xem xét các kiến nghị này có thể sẽ không giống năm trước.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2019, định hướng đến năm 2021, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, các bộ trưởng sẽ cảm nhận rất rõ sức nóng trong lần cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính.

“Không chỉ yêu cầu tiếp tục cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành như năm 2018, Chính phủ ghi rất rõ là bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không rõ ràng, không cụ thể, không khả thi trước quý III/2019; cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc Danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành... Đây là thời điểm các doanh nghiệp cần lên tiếng mạnh mẽ về những vướng mắc trong thực hiện điều kiện kinh doanh...”, ông Cung nói.

Công việc dồn dập

Ông Cung mong muốn, các doanh nghiệp sốt sắng hơn cũng vì thời gian đang gấp gáp.

Những thay đổi về tư duy, cách làm và có thể cả khối lượng công việc sẽ không chỉ của Bộ Thông tin và Truyền thông. Nhiều bộ, ngành, địa phương có thể sẽ không có thời gian nghỉ ngơi trước và sau Tết Nguyên đán nếu nhìn vào lượng công việc đồ sộ mà Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia giao.

Ngay trong quý I/2019, nghĩa là chỉ có 3 tháng, các bộ, ngành có tên sẽ phải ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện, trong đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp, cơ quan, đơn vị chủ trì, phối hợp thực hiện và thời hạn hoàn thành theo các mục tiêu, nhiệm vụ được giao để thực hiện.

Cũng trong thời gian này, các bộ, ngành có tên cũng sẽ phải hoàn tất việc xây dựng Sổ tay hướng dẫn các bộ, cơ quan, địa phương để có cách hiểu đúng, thống nhất về các chỉ số, các mục tiêu, mẫu biểu báo cáo. Sổ tay hướng dẫn phải được công khai trên trang thông tin điện tử của các bộ.

Đặc biệt, liên quan đến phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp start-up, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ buộc phải có những thay đổi tư duy không hề nhỏ, nhất là nhìn vào hiện trạng lúng túng khá rõ của Bộ Giao thông - Vận tải trong quản lý các các mô hình kinh doanh mới mà Grab, Uber... mang đến.

“Các doanh nghiệp trong lĩnh vực này nên vào cuộc sớm”, ông Cung nói.

Theo yêu cầu của Chính phủ, bên cạnh nguyên tắc quản lý nhà nước phải phục vụ phát triển, vì phát triển, theo kịp quá trình phát triển; khi chưa rõ mục tiêu quản lý, nội hàm quản lý nhà nước, thì các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải để cho hoạt động kinh doanh tự do phát triển, không can thiệp để ngăn chặn, hạn chế sáng tạo; không cấm, không hạn chế, không làm méo mó mô hình, phương thức và hoạt động kinh doanh có liên quan; trường hợp cần thiết thì thực hiện thí nghiệm điều tiết (regulation sandbox).

Công cụ, cách thức quản lý nhà nước phải linh hoạt, quản lý theo mục tiêu, theo kết quả và hiệu quả; tuyệt đối không sử dụng các công cụ hành chính cấm đoán, hạn chế quyền tự do kinh doanh, tự do đổi mới sáng tạo...

Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành phải tuân thủ trong xây dựng, hoàn thiện thể chế và quản lý nhà nước về kinh tế, như tiếp tục mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, kể cả hội nhập kinh tế số; lấy bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng là mục tiêu cuối cùng của quản lý nhà nước về kinh tế; lấy nâng cao mức độ, quy mô cạnh tranh thị trường và đảm bảo cạnh tranh công bằng là trung tâm của pháp luật, chính sách điều tiết nền kinh tế, điều tiết các ngành, lĩnh vực kinh tế...

“Tôi nghĩ, đã đến thời của đổi mới, sáng tạo. Nhưng, cũng có nghĩa, các bộ, ngành sẽ phải thay đổi rất lớn về tư duy quản lý, tư duy xây dựng thể chế. Việc này không dễ, nhưng không thể không làm”, ông Cung nhấn mạnh.

Chất lượng cắt giảm điều kiện kinh doanh rất thấp
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư