Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
CEO VPBank: Cho vay bất động sản, nợ mất vốn thấp hơn nhiều lĩnh vực khác
Thùy Liên - 29/04/2024 14:06
 
Theo đánh giá của Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc VPBank, bất động sản vẫn là lĩnh vực tiềm năng với ngân hàng. Ngay cả khi có vấn đề, đây cũng là các khoản vay dễ xử lý nhất, tỷ lệ mất thật thấp hơn nhiều lĩnh vực khác.

Bất động sản: Cho vay đúng thì không đáng ngại 

Đánh giá về thị trường bất động sản tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 tổ chức sáng nay (29/4), Chủ tịch HĐQT VPBank Ngô Trí Dũng cho rằng, dù thị trường bất động sản thời gian qua chịu nhiều tiêu cực, song cho vay bất động sản vẫn là lĩnh vực tiềm năng. Dù vậy, VPBank phân biệt rất rõ giữa sản phẩm chung cư thông thường và sản phẩm có tính đầu cơ cao, không tài trợ các sản phẩm có tính đầu cơ.

“Bất động sản vẫn là lĩnh vực đáng quan tâm, miễn là phân tích và đánh giá đúng”, Chủ tịch VPBank khẳng định.

Thông tin thêm, Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh cho biết, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản của VPBank chiếm khoảng 19% tổng dư nợ, cho vay cá nhân mua nhà chiếm khoảng 16% tổng dư nợ, đều nhắm tới cho vay phục vụ nhu cầu thực, không cho vay dự án bất động sản cao cấp có tính đầu cơ cao. Hiện nay, VPBank là một trong 3 ngân hàng cho vay mua nhà lớn nhất trên thị trường. 

“Cho vay mua nhà vẫn là mảng quan trọng của VPBank trong năm nay.  Khi có vấn đề khó khăn thì nợ bất động sản cũng là nợ có khả năng xử lý cao nhất. Hiện tỷ lệ thu nợ trong lĩnh vực này là gần 100% nợ gốc, lãi cũng thu hồi 50 - 70%. Tỷ lệ mất thật của lĩnh vực này thấp hơn nhiều lĩnh vực khác nhiều”, ông Vinh cho biết.

Liên quan đến tình hình nợ xấu của VPBank tăng nhanh trong năm qua, Chủ tịch VPBank thừa nhận, nợ xấu đã có cải thiện trong quý I/2024, song vẫn ở mức cao. Năm nay, VPBank đặt mục tiêu kiểm soát nợ xấu dưới 3%. Dự phòng trong năm 2023 là 12.500 tỷ đồng, trong đó dự phòng cho khách hàng cá nhân là 8.000 tỷ đồng. 

Dự kiến năm 2024, VPBank trích lập 13.500 tỷ đồng dự phòng rủi ro, thu hồi từ các khoản nợ xấu cải thiện, ước đạt 3.000 tỷ đồng.

“Chúng tôi kỳ vọng nợ xấu giảm dần vào các tháng cuối năm và phục hồi tốt từ năm 2025, hy vọng lúc đó sẽ thu hồi nợ xấu tốt hơn và giảm dự phòng tài chính. Trong trường hợp thị trường tốt hơn, số dự phòng sẽ trở thành lợi nhuận trong tương lai”, Chủ tịch VPBank khẳng định.

Đặc biệt, về nợ xấu, lãnh đạo VPBank cho biết, tỷ lệ nợ xấu do ảnh hưởng liên đới bởi các tổ chức tín dụng khác khá cao. Năm 2023, tỷ trọng nợ xấu liên đới CIC tại VPBank là 40%, con số này tại quý I/2024 tăng lên 50%. Điều này cho thấy, nợ xấu gia tăng là xu hướng của thị trường.

Lãi suất năm nay sẽ ở mức thấp, nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu

Về kế hoạch kinh doanh, năm nay, VPBank đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh ở tất cả chỉ tiêu. Cụ thể, VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 23.165 tỷ đồng, tăng 114% so với kết quả thực hiện của năm 2023. Tín dụng tăng 25%, huy động vốn tăng 22%, tổng tài sản tăng 19%. Năm nay, VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận của ngân hàng mẹ là 20.709 tỷ đồng, lợi nhuận của FE Credit là 1.200 tỷ đồng, Chứng khoán VPBank (VPBankS) là 1.902 tỷ đồng và Bảo hiểm OPES là 873 tỷ đồng.

Năm 2023, NIM của VPBank giảm còn 4,4% từ mức 5,5% trước đó. Năm nay, ngân hàng dự kiến cải thiện NIM lên 4,9%, chủ yếu do tối ưu chi phí.

“NIM tăng không phải do tăng lãi suất cho vay mà chủ yếu nhờ tiết kiệm chi phí, cấu trúc lại lãi suất. Dù lãi suất tiết kiệm trên thị trường có dấu hiệu gia tăng vài tháng gần đây song chúng tôi nhận định đây chỉ là tạm thời. Năm nay, lãi suất trên thị trường vẫn ở mặt bằng tương đối thấp, nhờ vậy NIM ngân hàng sẽ được cải thiện”, Tổng giám đốc VPBank nhận định.

Đối với nguồn thu bảo hiểm, lãnh đạo VPBank nhận định, thị trường này tiếp tục khó khăn năm 2024 song về lâu dài, đây vẫn là lĩnh vực tiềm năng. Đặc biệt, bảo hiểm phi nhân thọ năm nay vẫn sẽ tăng trưởng khả quan. Bảo hiểm OPES dự kiến ngày càng đóng góp lớn trong tổng lợi nhuận của ngân hàng.

Đối với lĩnh vực tài chính tiêu dùng, FE Credit gặp khó khăn lớn trong 2 năm qua do ảnh hưởng của Covid 19, suy thoái kinh tế đã ảnh hưởng lớn đến 60% khách hàng của công ty này. Dù vậy, với dân số 100 triệu dân, Việt Nam là thị trường hấp dẫn với cho vay tiêu dùng.

Với “đứa con chung” FE Credit, VPBank và SMBC đang tập trung hỗ trợ về hệ thống, chiến lược, nhân sự, vốn… Trong năm qua, VPBank và SMBC đã đưa chi phí vốn đầu vào của công ty này từ 9 -11% xuống 6 -7% - mức thấp trong ngành tài chính tiêu dùng. Giá vốn này cho phép FE Credit nhắm vào khách hàng có mức độ rủi ro thấp hơn.

Dự kiến quý II/2024, FE Credit sẽ chấm dứt lỗ và lợi nhuận cả năm nay sẽ đạt 1.200 tỷ USD. Từ năm 2025, lợi nhuận của FE Credit sẽ quay lại mức 3.000 - 4.000 tỷ đồng. 

Về tham gia nhận chuyển giao ngân hàng bắt buộc, Chủ tịch VPBank cho biết, với nhiều ngân hàng khác, nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém không hấp dẫn vì các ngân hàng yếu kém có mức lỗ luỹ kế và nợ xấu lớn. Việc tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém có thể không giúp VPBank được lợi về tài chính, song lại được một số cơ chế ưu đãi như: được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn các ngân hàng khác, có khả năng được mở room tín dụng cao hơn quy định chung. Những ưu đãi này phù hợp và hấp dẫn với VPBank - vốn có nền tảng tài chính lớn.  Chưa kể, tham gia hỗ trợ ngân hàng yếu cũng giúp đảm bảo tốt hơn an ninh toàn hệ thống.

VPBank hoàn thành gần 1/4 mục tiêu kinh doanh năm 2024 trong quý I
VPBank khởi động quý I/2024 đầy thuận lợi với lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng gần 66% so với cuối năm 2023 và 64% so với cùng kỳ. Ngân hàng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư