Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
CEO VPBank: Sắp công bố thương hiệu mới về ngân hàng số
Chí Tín - 19/03/2018 15:18
 
Chiều ngày 19/3, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã VPB, sàn HOSE) đã họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018.
VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận 10.800 tỷ đồng năm 2018
VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận 10.800 tỷ đồng năm 2018

Tại Đại hội, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc đã chia sẻ với cổ đông rằng, trong nửa đầu năm 2018, ngân hàng này sẽ công bố một thương hiệu mới về ngân hàng số.

Đây là một hạng mục đã được VPBank đầu tư từ năm 2017. Hoạt động thử nghiệm thời gian qua đã cho một số kết quả khả quan. Hiện tại, VPBank đã có gần 600 nghìn người sử dụng dịch vụ này. VPBank cũng đã huy động được hơn 10.000 tỷ huy động thông qua dịch vụ ngân hàng số, chiếm tới 41% số tài khoản tiết kiệm mới mở. Giao dịch ngân hàng số của VPBank chiếm 41%.

Hơn 42 nghìn khoản vay đã được thực hiện của dịch vụ ngân hàng số. Trong đó, hơn 30 nghìn tỷ tín dụng đã phát hành.

Ngoài nội dung trên, VPBank cũng đưa ra mục tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2018 với tổng tài sản dự kiến đạt 359.477 tỷ đồng; huy động khách hàng và phát hành giấy tờ có giá đạt 241.675 tỷ đồng; dư nợ cấp tín dụng đạt 243.320 tỷ đồng, trong đó cho vay khách hàng đạt 229.148 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu dưới 3%; lợi nhuận trước thuế đạt 10.800 tỷ đồng.

Trước đó trong năm 2017, tổng thu nhập hoạt động của VPBank đạt 25.026 tỷ đồng, tăng 48% so với 2016, ghi nhận là mức thu nhập cao nhất từ trước đến nay của ngân hàng, giúp đưa tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) trong giai đoạn 2012-2017 đạt 51%.

Thu nhập lãi thuần hết năm 2017 đạt 20.614 tỷ đồng, tăng 5.447 tỷ đồng tương đương tăng 36% so với năm 2016.

Trong cơ cấu thu nhập lãi thuần, 2 yếu tố đóng góp lớn là thu lãi cho vay khách hàng có mức tăng 7.851 tỷ đồng tương đương 38%, cao hơn nhiều với mức tăng chi phí trả lãi (tăng 29%).

Nhờ vậy, tỷ lệ biên thu nhập lãi thuần của ngân hàng tiếp tục được tối ưu, tăng từ 7,7% năm 2016 lên 8,7% năm 2017, thể hiện mức sinh lời ngày càng cao trên mỗi đồng tài sản có sinh lời.

Thu nhập từ hoạt động dịch vụ cũng là một mảng kinh doanh mang lại thu nhập lớn của Ngân hàng, với mức tăng trưởng 71% so với năm 2016, và đạt mức 1.462 tỷ đồng.

Thu nhập từ hoạt động kinh doanh khác: Thu nhập thuần ở cả mua bán chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư đạt 519 tỷ đồng. Các khoản thu nhập còn lại đóng góp 2.536 tỷ đồng vào tổng thu nhập, trong đó thu nhập từ các khoản nợ đã xử lý rủi ro ngoại bảng đóng góp gần 1.100 tỷ, và thu nhập từ khoản hỗ trợ ban đầu theo hợp đồng với AIA Việt Nam đóng góp gần 900 tỷ.

Xét về đóng góp của các phân khúc: Năm 2017, gần 79% tổng thu nhập hoạt động thuần của VPBank đến từ các phân khúc chiến lược. Khối khách hàng cá nhân tăng trưởng 66%, khối khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tăng 39%, khối tín dụng tiểu thương tăng gấp 2.5 lần và mảng tín dụng tiêu dùng với thương hiệu FE Credit tăng trưởng 52%.

Năm 2017, VPBank tiếp tục tăng cường phân bổ ngân sách cho một số mảng kinh doanh mới và dự án trọng điểm (như dự án số hóa ngân hàng, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, tự động hóa các khối hỗ trợ…), đồng thời tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng trang thiết bị cho công tác quản trị rủi ro và thu hồi nhằm cải thiện năng suất thu hồi nợ.

Tổng chi phí hoạt động tăng 34% so với năm 2016 và thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng của thu nhập (48%) nên tỷ lệ chi phí hoạt động trong thu nhập hoạt động thuần (CIR) năm 2017 giảm mạnh xuống 35,5%.

Trong cấu phần chi phí, tỷ lệ chi phí cho nhân viên chiếm 57% chi phí hoạt động trong năm 2017. Đối với các chi phí vận hành, Ngân hàng kiểm soát ở mức ổn định bằng hàng loạt các dự án tối ưu hóa chi phí, đẩy mạnh số hóa và tự động hóa. Chi phí dự phòng rủi ro được trích lập tăng cao nhằm xử lý nợ xấu và dự phòng nợ xấu.

Trong năm 2017, VPBank đã trích lập hơn 8.000 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro, tăng 51% so với năm 2016 và tương đương với 32% tổng thu nhập hoạt động thuần năm 2017.

Mức trích lập cao hơn năm trước chủ yếu do tái cấu trúc các danh mục đầu tư, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro và trích lập cho trái phiếu VAMC nên tăng chủ yếu ở các khoản trích cho nội bảng.

Kết thúc năm tài chính 2017, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPBank đạt 8.130 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng 65%, cao nhất từ trước đến nay, vượt kế hoạch được phê duyệt của Đại hội đồng Cổ đông 20% và đưa tốc độ tăng trưởng kép hàng năm của cho giai đoạn 2012-2017 lên mức 54%.

Nhờ vậy, hiệu suất sinh lời trên tổng tài sản bình quân (ROAA) tăng ấn tượng lên 2,54% tăng 0,68% so với mức 1,86% của năm 2016.

Đồng thời, mặc dù vốn chủ sở hữu tăng mạnh trong năm nhưng VPBank vẫn duy trì được mức sinh lời của vốn chủ sở hữu bình quân (ROAE) đạt 27,5%, lợi nhuận sau thuế trên vốn điều lệ bình quân đạt 52%, đứng top đầu trong khối ngân hàng thương mại cổ phần về các chỉ số sinh lời.

 Nhờ tăng trưởng nguồn huy động trung dài hạn và tăng vốn chủ sở hữu nên tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cuối năm 2017 giảm xuống còn 30% (giảm mạnh so với tỷ lệ 35% của năm trước) và thấp hơn so với thị trường cũng như hạn mức theo quy định của Ngân hàng nhà nước (40%) vào năm 2019.

Trong 2017, VPBank đã tăng vốn điều lệ lên hơn 15.700 tỷ đồng nâng hệ số CAR đến 14,6%, nếu theo các chuẩn mực của Basel II, CAR đạt 12,6% đáp ứng với khoảng cách an toàn so với mức quy định tối thiểu 8% theo thông tư 41/2016/TT-NHNN.

Năm 2017, số lượng khách hàng hoạt động (active) của Ngân hàng có sự tăng trưởng mạnh lên hơn 4,9 triệu khách hàng, tăng trưởng 49% so với năm 2016. Đây là cơ sở quan trọng trong việc theo đuổi chiến lược bán lẻ của VPBank.

Về hoạt động phát hành thẻ: Số lượng thẻ hoạt động (active) năm 2017 đạt gần 980 nghìn thẻ, tăng trưởng mạnh 56% so với cuối năm 2016. Cũng trong năm 2017, gần 204 nghìn thẻ tín dụng được mở mới, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2016.

Số lượng nhân viên toàn hệ thống tính đến hết năm 2017 là 23.826 người, tăng 6.439 người so với cuối năm 2016.

Trong kế hoạch sắp tới, VPBank đã thông qua chiến lược 5 năm 2018-2022, trong đó có mục tiêu củng cố vị trí dẫn đầu trong chiến lược bán lẻ và ngân hàng số; là dịch vụ tài chính tin cậy của mọi người dân Việt; nâng cao tỷ trọng giao dịch của khách hàng qua các kênh tự phục vụ, đón đầu các xu hướng công nghệ ngân hàng mới.

Ngân hàng này đã đưa ra hai mục tiêu chiến lược: Là một trong 3 ngân hàng có giá trị nhất Việt Nam và trở thành ngân hàng thân thiện với người tiêu dùng nhất thông qua ứng dụng công nghệ.

Mục tiêu trong năm 2018 là duy trì tăng trưởng chất lượng trên các phân khúc thị trường chủ đạo, hoàn thiện hạ tầng công nghệ và quản trị rủi ro đáp ứng các yêu cầu phát triển chiến lược ngân hàng số một cách mạnh mẽ nhất.

Năm 2018, VPBank cho biết sẽ tiếp tục các nỗ lực duy trì tăng trưởng ở tất cả các khối kinh doanh để đạt các mục tiêu tăng trưởng đề ra, tập trung thúc đấy tăng trưởng cho vay, huy động, cơ sở khách hàng của các phân khúc khách hàng chiến lược.

Ngân hàng này cho biết sẽ triển khai tăng trưởng chọn lọc đi đôi nâng cao hiệu quả với mục tiêu tăng trưởng 20%-30% ở các chỉ tiêu quy mô và tăng trưởng mạnh mẽ ở các chỉ tiêu hiệu quả ở mức 40%- 50%. 

VPBank dự kiến sẽ thực hiện kế hoạch phát hành tăng vốn điều lệ. Việc phát hành được thực hiện theo 2 đợt, đợt một vốn điều lệ sẽ tăng từ 15.706 tỷ đồng hiện nay lên mức 20.386 tỷ đồng và đợt 2 sẽ tiếp tục tăng vốn lệ 20.723 tỷ đồng.
Trong đợt phát hành lần 1, nguồn vốn để tăng vốn điều lệ được lấy từ quỹ bổ sung vốn điều lệ của VPBank và nguồn lợi nhuận hợp nhất.
Hình thức tăng vốn được thực hiện thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu phổ thông và cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu (gọi tắt là chia cổ phiếu thưởng). Tổng mức chia khoảng 31,25%/tổng số cổ phần phổ thông tại thời điểm chốt danh sách. Mức chia cụ thể sẽ phụ thuộc vào số lượng cổ phần phổ thông tại thời điểm chốt danh sách cổ đông hưởng quyền.
Trong đợt phát hành lần 2, VPBank sẽ phát hành 33,7 triệu cổ phần. Thời gian phát hành được thực hiện sau khi được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận phương án, dự kiến sẽ rơi vào quý II/2018.
Đối tượng mua cổ phần trong đợt 2 dự kiến là thành viên Ban kiểm soát, Ban điều hành và cán bộ nhân viên. Tiêu chí lựa chọn và danh sách cụ thể sẽ do Hội đồng quản trị quyết định, đảm bảo việc phân bổ không vượt quá tổng số cổ phần phát hành dự kiến như trên.
100% số cổ phần phát hành cho cán bộ nhân viện bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành. Tổng giám đốc, thành viên Ban kiểm soát bị hạn chế chuyển nhượng trong thời gian đảm nhiệm chức vụ theo quy định của Luật các Tổ chức tín dụng.
Lợi nhuận năm 2017 của VPBank tăng 65%, đạt 8.126 tỷ đồng
Ngân hàng TMCP VPBank vừa công bố báo cáo tài chính năm 2017 với những con số tăng trưởng rất ấn tượng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư