Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 23 tháng 12 năm 2024,
Chấn chỉnh vấn nạn quảng cáo “nổ” thực phẩm chức năng
D.Ngân - 20/07/2024 19:07
 
Theo Bộ Y tế, hiện một số trang mạng xã hội, phương tiện truyền thông đang quảng cáo thực phẩm chức năng khi chưa được phép, quảng cáo sai sự thật.

 

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tiếp tục tăng cường quảng cáo thực phẩm chức năng trên địa bàn.

Tại văn bản, Bộ Y tế cho biết, hiện một số trang mạng xã hội, phương tiện truyền thông đang quảng cáo thực phẩm chức năng khi chưa có Giấy xác nhận nội dung quảng cáo, quảng cáo sai sự thật hoặc quảng cáo không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Sử dụng hình ảnh, danh nghĩa của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo gây hiểu lầm cho người sử dụng.

Ảnh minh họa.

Theo quy định, trước khi quảng cáo, tổ chức, cá nhân có sản phẩm quảng cáo phải đăng ký nội dung quảng cáo với cơ quan cấp Giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm theo quy định hiện hành.

Bộ Y tế cho biết, một số trang mạng quảng cáo thực phẩm chức năng khi chưa có Giấy xác nhận nội dung quảng cáo, quảng cáo sai sự thật hoặc quảng cáo không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận, lợi dụng người nổi tiếng để quảng cáo vi phạm.

Nội dung quảng cáo phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm. Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.

Tiếp diễn hiện tượng một số doanh nghiệp lợi dụng hình ảnh các văn nghệ sỹ, người nổi tiếng, người có ảnh hưởng với công chúng để quảng cáo vi phạm quy định.

Trước thực tế nêu trên, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại các cuộc họp Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm.

Tăng cường công tác quản lý quảng cáo thực phẩm chức năng trên địa bàn; tiếp tục thực hiện Công văn số: 4318/BYT-ATTP ngày 10/7/2023 của Bộ Y tế về tăng cường phối hợp quản lý quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Kiểm tra, giám sát việc quảng cáo thực phẩm chức năng. Giám sát chặt chẽ việc tổ chức hội thảo giới thiệu thực phẩm chức năng theo quy định của pháp luật.

Xử lý nghiêm việc lợi dụng hội thảo giới thiệu sản phẩm để khám chữa bệnh, tư vấn trái phép, bán và giới thiệu thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh.

Bên cạnh đó, chỉ đạo cơ quan báo chí của địa phương quản lý nội dung trong các chương trình tương tác, quảng bá cho doanh nghiệp để không vi phạm quy định về quảng cáo thực phẩm chức năng; không phát hành quảng cáo khi chưa có thẩm định nội dung của cơ quan có thẩm quyền hoặc quảng cáo không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

Tuyên truyền, hướng dẫn người dân chỉ mua các sản phẩm thực phẩm chức năng khi thực sự có nhu cầu và dùng đúng hướng dẫn sử dụng. Khi có bệnh phải tới cơ sở y tế để được khám chữa bệnh kịp thời. Không sử dụng sản phẩm theo cách truyền miệng, không hiểu rõ về sản phẩm.

Công khai tên cơ sở vi phạm, sản phẩm vi phạm, nội dung vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật.

Về bức tranh quảng cáo thực phẩm chức năng, theo PGS-TS.Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam, ngành thực phẩm chức năng đã phát triển nhanh chóng hơn 20 năm qua, do những đóng góp vào việc bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Tuy nhiên, hiện nay thực trạng quảng cáo các sản phẩm này đang gây khó chịu, bức xúc cho cả người trong ngành và người tiêu dùng

Hiện tượng sai phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng không chỉ gây ra hậu quả "tiền mất, tật mang" cho người tiêu dùng mà còn làm giảm giảm uy tín của ngành thực phẩm chức năng, làm lẫn lộn giữa các doanh nghiệp làm ăn chân chính với doanh nghiệp làm ăn gian dối, đánh đồng sản phẩm thật và sản phẩm giả.

Cụ thể, có 4 hiện tượng quảng cáo vi phạm phổ biến về thực phẩm chức năng hiện nay, đó là quảng cáo sai sự thật, lừa gạt, giả mạo; quảng cáo phóng đại, thổi phồng sản phẩm; quảng cáo mơ hồ, gây hiểu nhầm; quảng cáo nhắm vào các đối tượng nhạy cảm (người bệnh ung thư, bệnh hiểm nghèo).

Thực tế, không có sản phẩm khoa học nào có tác dụng như quảng cáo đánh bay tiểu đường, chữa dứt điểm hoàn toàn huyết áp cao, giảm 10 kg trong vòng 1 tuần… Chính những quảng cáo sai phạm trong lĩnh vực thực phẩm chức năng đã và đang gây ra những tác hại nguy hiểm cho xã hội.

Phân tích về nguyên nhân của thực trạng, PGS-TS.Trần Đáng cho rằng, chủ yếu hiện nay chế tài xử phạt chưa nghiêm và có những quy định pháp luật không còn phù hợp với thực tế bởi còn thiếu quy chế pháp luật cho người quảng cáo, người kinh doanh quảng cáo, người phát hành quảng cáo. Bên cạnh đó, hệ thống quản lý, thanh tra chưa hoàn thiện và chế tài chưa đủ sức răn đe.

“Hiện 225 hội viên tập thể của VAFF rất ít vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng, nhưng còn nhiều doanh nghiệp khác chưa thực hiện đúng đạo đức trong quảng cáo thực phẩm chức năng”, ông Đáng thẳng thắn.

Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng thực phẩm chức năng, Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam ban hành Quy chế đạo đức trong quảng cáo thực phẩm chức năng.

Quy chế gồm 5 chương, 16 điều chỉ ra cụ thể những hành vi được coi là vi phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng, nêu rõ những chuẩn mực đạo đức trong quảng cáo và biện pháp hạn chế vi phạm đạo đức quảng cáo…

Quy chế đạo đức trong quảng cáo thực phẩm chức năng không chỉ là “kim chỉ nam”, là định hướng cho các hội viên của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam thực hiện quảng cáo có đạo đức - vì lợi ích của người tiêu dùng, vì mục tiêu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Cần có “black-list” để loại bỏ những quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật
Đây là đề xuất của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm tại Tọa đàm “Đạo đức trong quảng cáo thực phẩm chức...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư