Thứ Bảy, Ngày 05 tháng 04 năm 2025,
Chặn nhân tố gây lạm phát
Hà Nguyễn - 04/04/2025 14:26
 
Việc Chính phủ yêu cầu các bộ Công thương, Nông nghiệp và Môi trường cùng hiệp hội, doanh nghiệp đánh giá tình hình thị trường thịt lợn, kịp thời có các giải pháp đảm bảo cung - cầu… cho thấy, đang xuất hiện thêm một nhân tố có thể gây ảnh hưởng tới tình hình lạm phát của Việt Nam trong năm 2025.

Yêu cầu này được đưa ra xuất phát từ việc vào đầu tháng 3/2025, một số phương tiện truyền thông thông tin rằng, giá thịt lợn hơi đã ở mức cao nhất trong vòng 5 năm qua, lên tới 80.000 đồng/kg, và Việt Nam đang phải chi gấp đôi cho nhập khẩu thịt lợn đông lạnh. Dù khi Chính phủ yêu cầu làm rõ những thông tin này, thì giá lợn hơi đã hạ nhiệt, chỉ còn bình quân khoảng 71.000 đồng/kg vào ngày 28/3/2025, song rõ ràng, việc giá thịt lợn hơi tăng cao là điều cần quan tâm.

Câu chuyện trên khá giống với 5 năm trước. Khi đó, vào thời điểm đầu và giữa năm 2020, giá thịt lợn hơi ở nhiều địa phương trong cả nước thậm chí đã lên hơn 100.000 đồng/kg. Mức tăng giá rất cao này đã tác động lớn tới Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) và trở thành nỗi lo lớn của người dân, nhất là khi túi tiền của nhiều gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. 

Vào thời điểm đó, Chính phủ còn phải dùng biện pháp hành chính, yêu cầu giảm giá thịt lợn. Sau đó, là các biện pháp thúc đẩy tái đàn, cho phép nhập khẩu thịt lợn đông lạnh… để cân bằng cung - cầu nhằm hạ nhiệt giá bán loại thực phẩm thiết yếu này.

Thị trường đã khá ổn định trong những năm qua và giờ đây, dường như “nóng” trở lại dù chưa đến mức căng thẳng như 5 năm trước. Nhưng những tác động đến CPI đã có. Tháng 2/2025, CPI tăng 0,35% so với tháng trước đó; tăng 1,32% so với tháng 12/2024 và tăng 2,91% so với cùng kỳ năm 2024. Một trong những nguyên nhân được Cục Thống kê (Bộ Tài chính) chỉ ra là vì giá thịt lợn tăng do thiếu hụt nguồn cung.

Nếu việc tăng giá thịt lợn không được ngăn chặn từ sớm, từ xa; nếu chuyện tái đàn, hay nhập khẩu thịt lợn đông lạnh không được điều phối, chuẩn bị và thúc đẩy hợp lý, thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới không chỉ giá thịt lợn trên thị trường, mà còn ảnh hưởng tới diễn biến CPI nói chung. Cho đến nay, trong rổ hàng hóa tính CPI, lương thực, thực phẩm vẫn giữ quyền số không nhỏ.

Câu chuyện này càng quan trọng hơn bao giờ hết trong bối cảnh không loại trừ khả năng lạm phát cao quay trở lại và tồn tại những nhân tố tiềm ẩn có thể ảnh hưởng tới CPI, tới lạm phát của Việt Nam trong năm 2025.

Ở bình diện khác, sự biến động về giá xăng dầu cũng là nhân tố cần quan tâm. Giá xăng dầu vừa tăng vào kỳ điều hành ngày 27/3. Sau điều chỉnh, giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 20.030 đồng/lít, xăng RON 95 là 20.420 đồng/lít. Với 7 lần tăng giá, 6 lần giảm giá và 1 lần giữ nguyên từ đầu năm tới nay, giá xăng RON 95 đang ở mức thấp nhất trong gần 4 năm qua, tương đương thời điểm tháng 7/2021. Có nghĩa rằng, chưa quá đáng lo về những ảnh hưởng của giá xăng dầu tới lạm phát, nhưng trong mọi trường hợp, cẩn trọng với diễn biến giá cả của mặt hàng chiến lược này là điều cần thiết.

Bộ Tài chính, trong các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, luôn nhấn mạnh những rủi ro đối với điều hành kinh tế vĩ mô, khi sức ép về tỷ giá, lãi suất, lạm phát còn lớn. Bộ Tài chính cũng luôn cho rằng, đây là vấn đề cần theo dõi sát để có giải pháp điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả.

Thực tế, lạm phát toàn cầu đã giảm nhiệt, khiến nguy cơ nhập khẩu lạm phát không còn quá lớn với Việt Nam. Tuy vậy, nhiều yếu tố từ trong nước lại có thể tiềm ẩn rủi ro tới mục tiêu kiểm soát lạm phát của Việt Nam.

Một trong những nhân tố nữa thể nhắc đến là tới đây, một nguồn lực lớn sẽ được đẩy mạnh để thúc đẩy tăng trưởng. Đó là vốn đầu tư công sẽ được tăng cường và Chính phủ cũng đã xác định có thể phải tăng bội chi. Chưa kể, còn một nguồn lực không nhỏ được chi để hỗ trợ công cuộc tinh gọn bộ máy… Bởi vậy, dù diễn biến CPI của 2 tháng, thậm chí là tới đây, của cả 3 tháng đầu năm đều trong tầm kiểm soát, thì vẫn phải cẩn trọng với nguy cơ lạm phát trong cả năm 2025.

Bộ Tài chính cũng xác định, công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2025 cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động, tập trung vào việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, bình ổn giá, qua đó giúp doanh nghiệp hoạt động bình thường, cuộc sống của người dân được ổn định. Trong quá trình đó, chắc chắn phải nhắc đến chuyện bình ổn giá thịt lợn, vì đây cũng là một trong những ẩn số đối với nỗ lực kiểm soát lạm phát của Việt Nam.

TS. Trần Hoàng Ngân: Chính sách tiền tệ cần linh hoạt theo mục tiêu tăng trưởng và lạm phát
Ông Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội cho rằng, tăng trưởng GDP 8% trở lên là không khó và nên kiên định thực hiện 3 đột phá chiến lược:...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư