Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Chặn nhũng nhiễu
Thanh Hà - 24/04/2019 09:01
 
Việc Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, có thể nói, là một động thái quan trọng nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, sản xuất - kinh doanh, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
.
Doanh nghiệp cần một môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thủ tục thuận tiện, đơn giản, không bị nhũng nhiễu, không phải gánh các chi phí không chính thức….

Nói như vậy là bởi, lâu nay, chuyện “trên nóng dưới lạnh”, hay “kinh tế 4.0 mà quản lý vẫn 1.0” đã được nhắc đến rất nhiều. Chuyện nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp cũng không phải là hiếm. Báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2018 (PCI 2018) cũng chỉ ra rằng, mặc dù đã thuyên giảm, song vẫn có tới 58% doanh nghiệp trong nước còn bị nhũng nhiễu, 54% doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí bôi trơn.

Cũng không thể không nhắc đến một câu hỏi rất đáng chú ý mà ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đặt ra mới đây. Đó là tại sao Chính phủ yêu cầu cải cách, các bộ, ngành cũng nêu cao cải cách, cắt giảm giấy phép con, cắt giảm điều kiện kinh doanh, nhưng doanh nghiệp phá sản vẫn cao?

Theo ông Cung, đây chính là sự bất hợp lý, mâu thuẫn giữa chính sách và thực tiễn, cần nghiên cứu, đánh giá để có góc nhìn chính xác hơn, qua đó tìm ra cách giải bài toán tăng trưởng. Chắc chắn là có nhiều nguyên nhân, song cũng chắc chắn là không thể không nhắc tới câu chuyện chính sách thì tốt, song trong thực thi lại chưa quyết liệt và hiệu quả, còn nhũng nhiễu, hành dân, hành doanh nghiệp. Đấy chính là thực tế “trên nóng dưới lạnh” mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhắc tới.

Trong Chỉ thị, tình trạng này cũng đã một lần nữa được nhấn mạnh. Đó là trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, ở nhiều ngành, nhiều cấp, vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức vì động cơ vụ lợi đã lợi dụng vị trí công tác; lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật; lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết về chính sách, pháp luật của một bộ phận người dân để sách nhiễu, gây phiền hà…, gây bức xúc, làm xói mòn lòng tin của người dân, doanh nghiệp, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội…

Và để chấn chỉnh, Chỉ thị đã được ban hành, với các chỉ đạo rất cụ thể. Chẳng hạn, không được yêu cầu người dân, doanh nghiệp bổ sung hồ sơ, tài liệu quá một lần; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, cũng như đẩy mạnh việc thực hiện đánh giá sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp…

Ở đây, có thể thấy rất rõ sự quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ trong giảm phiền hà, nhũng nhiễu cho người dân, doanh nghiệp. Bởi không chỉ cán bộ, công chức vi phạm, mà ngay cả những người đứng đầu, nếu còn để tình trạng đó xảy ra, hay có tình trạng bao che, dung túng cho cán bộ, thì cũng sẽ bị xử lý nghiêm. Đây là những điều kiện rất cơ bản để Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ được quán triệt và thực thi hiệu quả.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, khi kinh tế - xã hội khó khăn, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều giải pháp để hỗ trợ, thúc đẩy khu vực doanh nghiệp phát triển, bao gồm cả các giải pháp miễn giảm thuế, hỗ trợ lãi suất… Song khẳng định từ phía doanh nghiệp, điều họ cần hơn hết là một môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thủ tục thuận tiện, đơn giản, không bị nhũng nhiễu, không phải gánh các chi phí không chính thức…

Một khi Chỉ thị được thực hiện một cách triệt để và hiệu quả, thì các yếu tố gây cản trở hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh sẽ dần được tháo gỡ. Khi đó, mới có một nền hành chính thực sự lấy mục tiêu phục vụ doanh nghiệp và người dân làm mục tiêu hàng đầu. Khi đó, một Chính phủ kiến tạo, liêm chính và hành động sẽ phát huy tối đa hiệu quả.

Ở đây, có lẽ vẫn phải nhắc tới một điều kiện căn bản nhất, đó là làm sao không để diễn ra tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” ngay trong việc thực thi Chỉ thị nêu trên của Thủ tướng Chính phủ.

Cơ chế một cửa quốc gia sẽ giảm tối đa tiêu cực, nhũng nhiễu
Ngày mai (24/7), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự kiến sẽ trực tiếp chủ trì Hội nghị toàn quốc “Thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia (NSW), Cơ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư