Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Chào năm mới 2017: Xuân kiến tạo và đổi mới
- 01/01/2017 08:54
 
Năm mới 2017 - năm bản lề, có ý nghĩa then chốt trong việc thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 đã đến, với kỳ vọng tràn đầy về một tương lai rộng mở.
TIN LIÊN QUAN

Thực sự rộng mở, bởi năm 2017 cũng là thời khắc đất nước chuyển sang năm thứ 31 của sự nghiệp Đổi mới.

“Ôn cố tri tân”. Những thành tựu quan trọng qua 30 năm Đổi mới đã đưa Việt Nam từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, trở thành nền kinh tế năng động, phát triển trong khu vực, thành một quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình.

30 năm Đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự phát triển của Việt Nam, đánh dấu sự lớn mạnh về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Một hành trình lịch sử, vẻ vang hơn kỳ vọng sẽ được ghi khi đầu năm 2016, căn cứ vào yêu cầu phát triển đất nước và thực tiễn của 30 năm Đổi mới, Đại hội lần thứ XII của Đảng đã chủ trương đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc Đổi mới. Mục tiêu là tới năm 2035, sẽ có một Việt Nam thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ.

.
.

Rộng mở, khi năm 2017 cũng đánh dấu tròn 10 năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và cũng là thời khắc khởi đầu cho việc hội nhập sâu rộng, toàn diện hơn với kinh tế toàn cầu. Nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã được ký kết, mà ở đó, Việt Nam tham gia với tư cách là một thành viên tích cực, với nhiều cơ hội trong thúc đẩy giao thương, đầu tư và phát triển kinh tế. 

Xuân mới, kỳ vọng càng lớn khi những nền tảng ngày càng bền vững cho sự phát triển của đất nước trong năm 2017 cũng như các năm tiếp theo đã được thiết lập. Từ kinh tế vĩ mô ổn định, với lạm phát năm 2016 chỉ 4,74%, tới dự trữ ngoại hối cao nhất kể từ trước tới nay (hơn 40 tỷ USD), rồi xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng cao hơn năm trước, tiếp tục có xuất siêu... Tăng trưởng kinh tế năm qua tuy không đạt mục tiêu đề ra, nhưng vẫn cao hơn mức tăng trưởng GDP trong 7 năm (từ 2008 - 2014), đồng thời cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng bình quân của các nước trong khu vực.

Điều quan trọng là, nhờ quy mô nền kinh tế được mở rộng, nên GDP bình quân đầu người đã đạt khoảng 2.215 USD/năm, tăng 106 USD so với năm 2015 và tăng gần gấp đôi so với mức GDP bình quân đầu người năm 2010 (1.168 USD) - thời điểm mà Việt Nam chính thức trở thành quốc gia có thu nhập trung bình.

Ở đây, cũng không thể không nhắc tới một sự kiện chưa từng có. Đó là lần đầu tiên cả nước có trên 100.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong vòng 1 năm. Doanh nghiệp khỏe thì nền kinh tế khỏe. Và chỉ khi xây dựng được một đội ngũ doanh nghiệp hùng hậu, hướng tới con số 1 triệu doanh nghiệp hiệu quả vào năm 2020, Việt Nam mới thực sự có một nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Dù chưa thể sớm lạc quan, bởi kinh tế thế giới còn nhiều yếu tố bất định, bởi kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, nhưng một khi cả nước chung sức, đồng lòng thì sẽ không có gì cản trở được sự đi lên của Việt Nam.

Năm mới, khí thế càng dâng cao khi Chính phủ vẫn đang nhất quán xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính và hành động. Không chỉ là quan điểm, Chính phủ đã, đang hành động và hành động để khẳng định mạnh mẽ điều đó. Từ tập trung xây dựng khung khổ pháp lý, thể chế phù hợp, tạo điều kiện cần thiết để mọi người phát huy năng lực, sức sáng tạo vì lợi ích của chính mình, đóng góp cho xã hội; đến xóa bỏ rào cản, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp được làm những gì mà pháp luật không cấm… Tất cả đều nhằm đưa đất nước ngày càng phát triển.

Chưa bao giờ, hoạt động cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được các cấp, các ngành nỗ lực thực hiện như hiện nay. Chưa bao giờ, việc đưa tinh thần phục vụ người dân, phục vụ doanh nghiệp vào mọi hoạt động điều hành được Chính phủ rốt ráo chỉ đạo thực hiện như bây giờ. Tất cả đang cùng hành động để nền kinh tế có không gian phát triển mới, tương lai mới.

Một tinh thần đổi mới, kiến tạo và hành động ngập tràn trong Xuân 2017 - Đinh Dậu. Dẫu biết tất cả là không dễ dàng, đường đi còn dài mới có thể tới đích, nhưng một khi đã xác định đúng hướng đi, đề ra lộ trình cụ thể thì với quyết tâm lớn, với tinh thần đổi mới và kiến tạo, chắc chắn, Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu đề ra.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư