Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Chất vấn về giải pháp tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động ngoại giao
Nguyễn Lê - 14/03/2024 08:46
 
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ dành một ngày (18/3) đề chất vấn về hai lĩnh vực tài chính và ngoại giao.
.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp.

Sáng 14/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 31, dự kiến diễn ra trong 3,5 ngày.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ dành một ngày (18/3) đề chất vấn về hai lĩnh vực tài chính và ngoại giao.

Nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính gồm, công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ.

Việc thẩm định, cấp phép hoạt động của các công ty làm dịch vụ liên quan đến tài chính; việc thực hiện pháp luật đối với hoạt động kinh doanh xổ số, đặt cược, casino và trò chơi điện tử có thưởng.

Thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan; phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Công tác quản lý giá và việc quyết định giá hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

Với lĩnh vực ngoại giao, Chủ tịch Quốc hội nêu các vấn đề sẽ chất vấn gồm, một là công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài; tình trạng vi phạm pháp luật của công dân Việt Nam ở nước ngoài và của người nước ngoài tại Việt Nam; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam.

Hai là thực trạng việc triển khai các thỏa thuận song phương, đa phương và giải pháp thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư; công tác hỗ trợ mở rộng thị trường hàng hóa xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tránh bị lừa đảo.

Ba, hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch Việt Nam với thế giới và việc miễn thị thực nhập cảnh cho công dân các nước vào Việt Nam để phát triển du lịch.

Bốn, công tác quản lý, sắp xếp, kiện toàn, nâng cao trình độ, năng lực tổ chức bộ máy ngành ngoại giao (kể cả các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài).

Vấn đề thứ năm là giải pháp tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động ngoại giao.

Về nội dung thứ năm này, tại báo cáo phục vụ phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đẩy mạnh công tác này với phương châm "phòng ngừa, ngăn chặn là chính".

Bộ đã quán triệt sâu sắc tinh thần phụng sự, lấy người dân, doanh nghiệp, địa phương làm trung tâm phục vụ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Đẩy mạnh bồi dưỡng đạo đức công vụ, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho công chức, viên chức, người lao động.

Liên quan đến phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, báo cáo của Bộ trưởng nêu rõ, Bộ đã tăng cường theo dõi, nắm bắt dư luận, đặc biệt coi trọng vai trò, phản ánh của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, kịp thời báo cáo, tham mưu cấp có thẩm quyền có biện pháp xử lý nghiêm minh.

Theo Chủ tịch Quốc hội, phiên chất vấn sẽ được kết nối với các đoàn đại biểu Quốc hội và được phát thanh, truyền hình trực tiếp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có phiên họp trù bị chuẩn bị cho hoạt động chất vấn, Chủ tịch Quốc hội thông tin.

Về công tác lập pháp, tại phiên họp này Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về giải trình, tiếp thu đối với 7 dự án luật trước khi xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, sau đó trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7, gồm: dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); dự thảo Luật Đường bộ; dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư