Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 14 tháng 11 năm 2024,
Chật vật khép lại Dự án BOT Quốc lộ 51
Bảo Như - 23/10/2024 08:26
 
Nếu không đạt được sự đồng thuận liên quan đến phí bảo toàn vốn chủ sở hữu và thời gian thu phí tạo lợi nhuận, các bên liên quan tại Dự án BOT mở rộng Quốc lộ 51, đoạn Km0+900 - Km73+600 sẽ phải nhờ đến sự phán quyết của tòa án kinh tế.
Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC) đề nghị được thu phí trở lại với Dự án Quốc lộ 51
Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC) đề nghị được thu phí trở lại với dự án Quốc lộ 51.

Đề xuất được thu phí trở lại

Sự kiên định là điều có thể nhận thấy trong Công văn số 54/CT - TCKT vừa được Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC) gửi Cục Đường bộ Việt Nam về việc đề xuất phương án bổ sung giải quyết vướng mắc tại Dự án BOT Đầu tư xây dựng mở rộng Quốc lộ 51, đoạn từ Km0+900 đến Km73+600.

Theo đó, BVEC tiếp tục khẳng định giữ nguyên phương án mà nhà đầu tư Dự án BOT Đầu tư xây dựng mở rộng Quốc lộ 51 đề xuất vào cuối tháng 7/2024 và kiến nghị Cục Đường bộ Việt Nam chấp thuận phương án này.

BVEC cho biết, đã phải chịu thiệt thòi khi chấp nhận bị cắt phí bảo toàn vốn chủ sở hữu 8,7%/năm; bị cắt giảm chi phí tổng cộng hơn 1.241,79 tỷ đồng; bị cắt giảm thời gian tạo lợi nhuận từ 4 năm (48 tháng) xuống còn 31 tháng 6 ngày.

Theo hợp đồng giữa Cục Đường bộ Việt Nam và BVEC ký vào năm 2009, tổng thời gian thu phí hợp đồng Dự án BOT đầu tư mở rộng Quốc lộ 51 là 20,66 năm, trong đó thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 16,66 năm (từ ngày 3/8/2012 đến 27/3/2029); thời gian thu phí tạo lợi nhuận 4 năm (từ ngày 28/3/2029 đến 28/3/2033).

Đến cuối tháng 2/2017, thời gian thu phí hoàn vốn Dự án được điều chỉnh thành 20 năm 6 tháng 11 ngày, tức là từ ngày 1/7/2009 đến hết ngày 12/1/2030 và 4 năm thu phí tạo lợi nhuận.

Vào cuối năm 2018, do có một số thay đổi liên quan đến yếu tố đầu vào và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Cục Đường bộ Việt Nam tính lại thời gian thu phí tạo lợi nhuận và đã giảm thời gian tạo lợi nhuận từ 4 năm xuống còn 9 tháng.

Để tránh việc BVEC thu phí vượt quá thời gian, ngày 9/1/2023, Cục Đường bộ Việt Nam đã phát Văn bản số 137/CĐBVN tạm dừng thu phí tại các trạm thu phí thuộc Dự án BOT Đầu tư mở rộng Quốc lộ 51 từ 7h00’ ngày 13/1/2023, trong khi các cuộc đàm phán giữa hai bên vẫn chưa kết thúc.

“Chúng tôi sẵn sàng chấp nhận đánh đổi những yếu tố về lợi nhuận, chỉ với mục đích sau cùng, cao nhất là đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư. Đây là nguyên tắc chủ đạo trong pháp luật đầu tư theo phương thức đối tác công - tư được ghi nhận cụ thể tại khoản 5, Điều 7, Luật PPP”, ông Đinh Hồng Hà, Tổng giám đốc BVEC nhấn mạnh.

Theo tính toán, với phương án nói trên, BVEC sẽ được thu phí thêm là 21 tháng 1 ngày, kể từ ngày dự kiến bắt đầu thu phí trở lại là ngày 1/1/2025 tính theo mức thu phí trung bình của 3 tháng cuối năm 2022 là 59,858 tỷ đồng.

Các bên sẽ tiến hành ký kết phụ lục hợp đồng BOT để điều chỉnh thời gian tạo lợi nhuận của BVEC là 31 tháng 6 ngày (bao gồm thời gian tạo lợi nhuận đã thu từ sau ngày hoàn vốn là 10/3/2022 đến thời gian tạm dừng thu phí 13/1/2023).

Đại diện BVEC khẳng định, lịch trình hoàn vốn nói trên chưa tính đến các khoản buộc phải chi khác như chi phí khôi phục hệ thống thu phí (hoặc đầu tư hệ thống thu phí không dừng), chi phí duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, chi phí sửa chữa đột xuất, trung tu, đại tu công trình (nếu có phát sinh) và các khoản chi bắt buộc khác để có thể thu phí trở lại.

Trong trường hợp các cơ quan liên quan không đồng ý, BVEC sẽ bảo lưu mọi quyền và lợi ích hợp pháp mà nhà đầu tư được hưởng theo quy định của pháp luật và thỏa thuận trong các hợp đồng đã ký.

“Trên tinh thần thiện chí, BVEC vẫn mong muốn các vướng mắc được giải quyết trên cơ sở thương lượng và biện pháp hành chính nhằm kết thúc giải quyết tranh chấp Hợp đồng BOT bằng thương lượng hai bên và hỗ trợ hành chính, tránh được việc giải quyết bằng tranh tụng tại trọng tài sẽ khiến vụ việc bị kéo dài, gây ra nhiều tổn thất không đáng có cho tất cả các bên”, ông Đinh Hồng Hà cho biết.

Tránh đùn đẩy trách nhiệm

Trước đó, vào cuối tháng 9/2024, Cục Đường cao tốc Việt Nam tổ chức cuộc họp giải quyết các tồn tại của Dự án BOT Đầu tư mở rộng Quốc lộ 51 với sự tham gia của Cục Đường bộ Việt Nam, BVEC, đại diện Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV (đơn vị tài trợ vốn)…

Tại cuộc họp này, ông Lâm Văn Hoàng, Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam cho biết, Dự án đã tạm dừng thu phí từ ngày 13/1/2023, Cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản chấm dứt hợp đồng trước thời hạn đối với công tác quản lý, bảo trì Dự án và báo cáo xác lập quyền sở hữu toàn dân, nhưng chưa được Bộ Tài chính chấp thuận do chưa đủ cơ sở pháp lý theo quy định.

Các tồn tại của Dự án chủ yếu về phí bảo toàn vốn chủ sở hữu 8,7%/năm và thời gian thu phí tạo lợi nhuận 4 năm chưa được các bên thống nhất.

Trong suốt thời gian vừa qua, BVEC liên tục có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đề nghị giải quyết các tồn tại của dự án; UBND tỉnh Đồng Nai, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và các ngân hàng tài trợ đã có văn bản hối thúc Bộ GTVT giải quyết dứt điểm.

Bộ GTVT đã thành lập Tổ rà soát kết quả thực hiện của Cục Đường bộ Việt Nam và đã báo cáo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà giải pháp xử lý.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ GTVT có văn bản yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương giải quyết dứt điểm các tồn tại và xác định chính thức ngày kết thúc thu phí của Dự án theo thẩm quyền. Tuy nhiên, kể từ khi dừng thu phí đến nay đã hơn 1 năm 8 tháng, Cục Đường bộ Việt Nam chưa giải quyết dứt điểm tồn tại của dự án.

Ngày 9/9/2024, Cục Đường bộ Việt Nam có văn bản báo cáo Bộ GTVT về nội dung tồn tại của dự án khi chưa làm việc với BVEC và chưa có phương án xử lý cuối cùng, hoặc xin ý kiến Bộ GTVT về phương án xử lý, nhưng lại đề nghị Bộ GTVT giao Cục Đường cao tốc Việt Nam, Tổ rà soát xử lý.

Để tránh tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, ảnh hưởng đến hiệu quả xử lý công việc và đẩy nhanh giải quyết dứt điểm các tồn tại của dự án, lãnh đạo Cục Đường cao tốc Việt Nam đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ được Bộ trưởng Bộ GTVT giao là cơ quan ký kết hợp đồng và cơ quan quản lý trong giai đoạn kinh doanh, khai thác dự án tiếp tục làm việc, đàm phán với BVEC; kịp thời có giải pháp xử lý dứt điểm các tồn tại của dự án và quyết định theo thẩm quyền.

Cục Đường bộ Việt Nam chỉ báo cáo Bộ GTVT các vấn đề vượt thẩm quyền để xem xét giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 2, Điều 18, Thông tư số 50/2022/TT-BGTVT ngày 30/12/2022 quy định về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư theo phương thức PPP do Bộ GTVT quản lý.

“Đối với công tác bảo trì trong giai đoạn tạm dừng thu phí, Cục Đường bộ Việt Nam với trách nhiệm là cơ quan quản lý trong giai đoạn khai thác, khẩn trương kiểm tra, rà soát và làm việc với BVEC để làm rõ trách nhiệm thực hiện công tác bảo trì, có giải pháp bảo trì tuyến đường, bảo đảm an toàn trong khai thác theo quy định”, ông Lâm Văn Hoàng yêu cầu.

Đánh giá toàn diện, xử lý khó khăn cho các dự án BOT giao thông
Phó thủ tướng yêu cầu rà soát kỹ lưỡng các nguyên nhân chủ quan, khách quan, không đề xuất xử lý những dự án do nguyên nhân chủ quan của doanh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư