Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 11 năm 2024,
Giải quyết vướng mắc Dự án BOT mở rộng Quốc lộ 51: Nhà đầu tư chưa "tâm phục, khẩu phục"
Bảo Như - 24/07/2024 08:18
 
Nhà đầu tư Dự án BOT xây dựng mở rộng Quốc lộ 51 chưa "tâm phục, khẩu phục" về quyết định của Cục Đường bộ Việt Nam liên quan đến phí bảo toàn vốn, thời gian thu phí tạo lợi nhuận, quyết toán hợp đồng.
Để tránh việc BVEC thu phí vượt quá thời gian, Cục Đường bộ Việt Nam đã quyết định tạm dừng thu phí tại các trạm thu phí thuộc Dự án BOT xây dựng mở rộng Quốc lộ 51 từ 7h00’ ngày 13/1/2023 dù chưa nhận được sự đồng thuận của nhà đầu tư.
Để tránh việc  Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu thu phí vượt quá thời gian, Cục Đường bộ Việt Nam đã quyết định tạm dừng thu phí tại các trạm thu phí thuộc Dự án BOT xây dựng mở rộng Quốc lộ 51 từ 7h00’ ngày 13/1/2023 dù chưa nhận được sự đồng thuận của nhà đầu tư.

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có công văn gửi Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường cao tốc Việt Nam, Ban quản lý dự án 7 và Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC) về việc giải quyết các tồn tại Dự án BOT xây dựng mở rộng Quốc lộ 51.

Trước đó, vào tháng 3/2024, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam giải quyết các tồn tại liên quan đến các hợp đồng BOT do Bộ GTVT quản lý, trong đó có Dự án BOT xây dựng mở rộng Quốc lộ 51.

Tuy nhiên đến nay Dự án này vẫn tồn tại vướng mắc liên quan đến phí bảo toàn vốn, thời gian thu phí tạo lợi nhuận, quyết toán hợp đồng.

Để giải quyết dứt điểm các tồn tại của Dự án BOT xây dựng mở rộng Quốc lộ 51, Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương làm việc với BVEC để có giải pháp giải quyết các nội dung tồn tại nêu trên theo thẩm quyền, hoàn tất các thủ tục pháp lý theo quy định.

Bộ GTVT giao Ban quản lý dự án 7 thực hiện đầy đủ chức năng đại diện cơ quan có thẩm quyền đối với dự án và chỉ đạo của Bộ GTVT, phối hợp với BVEC, Cục Đường bộ Việt Nam trong quá trình thực hiện và quyết toán.  Cục Đường cao tốc Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Cục Đường bộ Việt Nam để giải quyết các tồn tại, vướng mắc dự án.

Được biết, Dự án BOT xây dựng mở rộng Quốc lộ 51 có lịch sử phức tạp hơn các dự án BOT được triển khai trong giai đoạn từ năm 2012 đến nay.

Cụ thể, trước khi Dự án BOT xây dựng mở rộng Quốc lộ 51 được triển khai, Bộ GTVT có triển khai một dự án mở rộng Quốc lộ 51 bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), hoàn vốn bằng nguồn thu phí tại trạm T1, Quốc lộ 51.

Tuy nhiên, do không đạt hiệu quả đầu tư, nên Bộ GTVT đã đề xuất BVEC nhận quyền thu phí trạm thu phí T1 với giá trị hợp đồng mua quyền là 400 tỷ đồng, lãi suất huy động vốn là lãi suất cố định (7,75%/năm), không tính lợi nhuận cho nhà đầu tư.

Tiếp đó, trong quá trình lập chủ trương Dự án BOT xây dựng mở rộng Quốc lộ 51, giá trị nhận chuyển nhượng quyền thu phí trạm T1 được tổng hợp vào tổng mức đầu tư Dự án.

Theo hợp đồng giữa Cục Đường bộ Việt Nam và BVEC ký vào năm 2009, thời gian kết thu hoàn vốn của Hợp đồng nguyên tắc chuyển giao quyền thu phí trạm T1 là ngày 10/7/2013; tổng thời gian thu phí hợp đồng Dự án BOT xây dựng mở rộng Quốc lộ 51 là khoảng 20,66 năm, trong đó thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 16,66 năm (từ ngày 3/8/2012 đến 27/3/2029); thời gian thu phí tạo lợi nhuận 4 năm (từ ngày 28/3/2029 đến 28/3/2033).

Vào cuối tháng 2/2017, thời gian thu phí hoàn vốn Dự án được điều chỉnh thành 20 năm 6 tháng 11 ngày, tức là từ ngày 1/7/2009 đến hết 12/1/2030, bao gồm 4 năm 24 ngày thu theo Hợp đồng bán quyền thu phí tại trạm T1 (từ ngày 1/7/2009 đến 24/7/2013) và 4 năm thu phí tạo lợi nhuận.

Đến cuối năm 2018, do có một số thay đổi liên quan đến yếu tố đầu vào và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Cục Đường bộ Việt Nam tính lại thời gian thu phí tạo lợi nhuận.

Phương pháp được đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền chọn để tính lại thời gian thu phí tạo lợi nhuận là phương pháp lợi nhuận kỳ vọng (là lợi nhuận nhà đầu tư thu được trong 4 năm thu tạo lợi nhuận theo phương án tài chính đã loại lãi bảo toàn vốn cho cả giai đoạn xây dựng và kinh doanh khai thác).

Sau khi tính lại, Cục Đường bộ Việt Nam đã giảm thời gian tạo lợi nhuận từ 4 năm xuống còn 9 tháng. Để tránh việc BVEC thu phí vượt quá thời gian, ngày 9/1/2023, Cục Đường bộ Việt Nam đã phát Văn bản số 137/CĐBVN tạm dừng thu phí tại các trạm thu phí thuộc Dự án BOT xây dựng mở rộng Quốc lộ 51 từ 7h00’ ngày 13/1/2023.

Cần phải nói thêm, thời gian thu phí tạo lợi nhuận nằm trong số 5 nhóm vấn đề tồn tại độ vênh rất lớn giữa BVEC và Cục Đường bộ Việt Nam trong quá trình thực hiện quyết toán, xác định thời điểm dừng thu phí của hợp đồng BOT của Dự án.

Bốn nhóm vấn đề còn lại gồm: phí bảo toàn vốn chủ sở hữu; lãi vay cho khoản vay để trả lãi ngân hàng và sử dụng nguồn doanh thu để thanh toán cho nhà thầu; doanh thu thu phí giai đoạn 2009 - 2015; phương án tính lãi vay đối với các khoản giảm trừ trong giai đoạn khai thác.

Trong gửi Thủ tướng Chính phủ vào tháng 10/2023 để kiến nghị tháo gỡ các vướng mắc và các biện pháp hành chính gây thiệt hại cho nhà đầu tư Dự án BOT xây dựng mở rộng Quốc lộ 51, đại diện BVEC khẳng định, việc Cục Đường bộ Việt Nam đơn phương áp đặt giảm thời gian tạo lợi nhuận và buộc tạm dừng thu phí đã khiến doanh nghiệp dự án không thể thanh toán các khoản nợ vay đầu tư công trình còn lại trị giá 470 tỷ đồng cho 3 ngân hàng tài trợ vốn; không thể hoàn vốn 307 tỷ đồng cho các cổ đông tham gia góp vốn…

BVEC kiến nghị được giữ nguyên phí bảo toàn vốn trong giai đoạn đầu tư, khai thác; giữ nguyên thời gian tạo lợi nhuận 4 năm theo quy định hợp đồng, phụ lục hợp đồng đã ký. Doanh nghiệp dự án cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam xem xét để thống nhất lại với nhà đầu tư các khoản chi phí (chủ yếu là lãi vay) đã bị Cục Đường bộ Việt Nam cắt giảm.

Trung bình mỗi ngày, HHV ghi nhận 5,4 tỷ đồng doanh thu từ thu phí BOT
Trong 6 tháng đầu năm 2024, lưu lượng xe qua các trạm thu phí do Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (mã chứng khoán: HHV) vận hành, khai...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư