Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Gần một năm thực hiện Nghị quyết 98/2023 phát triển TP.HCM: Nhà đầu tư bớt khổ nhờ cơ chế đặc thù
Lê Quân - 14/07/2024 08:20
 
Sau gần một năm thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 (Nghị quyết 98) về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, nhiều thủ tục về đầu tư được đưa về một cửa và thực hiện nhanh hơn trước đây.

Hiệu quả rõ rệt

“Kể từ khi thực hiện Nghị quyết 98, Thành phố cho Khu công nghệ cao tái lập thủ tục hành chính một cửa tại chỗ, nên giờ đây, thủ tục được rút ngắn đáng kể. Nhà đầu tư chỉ cần nộp hồ sơ một cửa tại Khu công nghệ cao”, bà Huỳnh Thị Ngọc Đào, Chánh văn phòng Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) nói trước đông đảo doanh nghiệp tại buổi gặp gỡ mới đây.

Hiện nay, thực hiện theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98, UBND TP.HCM ủy quyền Ban Quản lý SHTP cấp giấy phép môi trường, thẩm định và phê duyệt đồ án hoặc điều chỉnh đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 dự án đầu tư tại Khu công nghệ cao…

Kể từ khi nhận hồ sơ tại phòng một cửa của SHTP, doanh nghiệp chỉ mất khoảng 6 tháng, thậm chí 4 tháng để làm thủ tục. Cũng với hồ sơ như vậy, trước đây phải mất 2 năm mới hoàn thành thủ tục.

Câu chuyện điển hình nhất là dự án của Tập đoàn Nipro (Nhật Bản) tại Khu công nghệ cao. Tháng 3/2021, doanh nghiệp này nộp hồ sơ xin mở rộng nhà máy, nhưng vì vướng điều chỉnh quy hoạch, nên đến đầu năm 2024, dự án vẫn chưa thể điều chỉnh quy hoạch.

Sau khi áp dụng cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98, ngày 29/12/2023, Nipro đã có Tờ trình gửi Ban Quản lý SHTP thẩm định đồ án điều chỉnh quy hoạch tổng thể mặt bằng tỷ lệ 1/500 Dự án Nhà máy Nipro Việt Nam tại Khu công nghệ cao.

Đến ngày 24/5/2024, Ban Quản lý SHTP đã ban hành quyết định phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch tổng thể mặt bằng tỷ lệ 1/500 Dự án Nhà máy Nipro Việt Nam.

Như vậy, việc phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/500 từ khi chuyển về Ban Quản lý SHTP thực hiện chỉ mất vài tháng, trong khi trước đây, các sở, ngành thực hiện kéo dài hàng năm trời.

Bà Hồ Thị Thu Uyên, Chi hội trưởng Chi hội Doanh nghiệp SHTP cho biết, vấn đề tái lập cơ chế một của tại chỗ đã được doanh nghiệp kiến nghị từ lâu, nên rất trông chờ vào sự cải cách thủ tục hành chính lần này. "Việc giải quyết các thủ tục một cửa tại chỗ được coi là yếu tố then chốt để thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao", bà Uyên đánh giá.

Tương tự, Ban Quản lý các khu chế xuất - công nghiệp TP.HCM (Hepza) cũng được phân cấp thực hiện một số thủ tục cấp phép cho doanh nghiệp theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chánh văn phòng Hepza cho biết, theo cơ chế phân cấp của Nghị quyết 98, Hepza được cấp phép các thủ tục về môi trường thuộc cấp huyện, phê duyệt quy hoạch 1/500 trong các khu công nghiệp. Nhờ thực hiện cơ chế một cửa tại khu công nghiệp, nên thời gian giải quyết thủ tục giảm đáng kể so với trước đây.

Cấp phép quản lý lao động nước ngoài vẫn vướng

Dù nhiều thủ tục đã thuận lợi hơn rất nhiều khi thực hiện theo cơ chế của Nghị quyết 98, nhưng một trong những vấn đề được doanh nghiệp phản ánh nhiều nhất trong một năm qua là thủ tục cấp phép cho lao động nước ngoài làm việc tại TP.HCM.

Việc giải quyết các thủ tục một cửa tại chỗ được coi là yếu tố then chốt để thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao.

- Bà Hồ Thị Thu Uyên, Chi hội trưởng Chi hội Doanh nghiệp SHTP

Dẫn câu chuyện thực tế của một doanh nghiệp Singapore, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam kể, một doanh nghiệp Singapore tại TP.HCM khi chuyển đổi từ mô hình công ty một thành viên sang công ty cổ phần vẫn tiếp tục sử dụng chuyên gia, lao động nước ngoài là những người cũ làm việc cho công ty trước đây. Thế nhưng, chỉ vì chuyển đổi mô hình, doanh nghiệp phải xin cấp giấy phép mới cho lao động nước ngoài. "Những yêu cầu như vậy khiến người lao động và nhà đầu tư mất rất nhiều thời gian để thực hiện", vị này phàn nàn.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore góp ý, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý chỉ cần cập nhật thông tin, thay vì bắt buộc người lao động phải làm lại thủ tục từ đầu.

Cũng gặp vướng mắc liên quan thủ tục cấp phép cho lao động nước ngoài, đại diện của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) phản ánh, rất nhiều chuyên gia nước ngoài đến từ châu Âu gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục xin cấp giấy phép lao động tại TP.HCM.

“Việc phải làm quá nhiều thủ tục để xin giấy phép lao động làm mất thời gian và ảnh hưởng đến nhà đầu tư châu Âu, trong khi nhiều người từ châu Âu đã từng làm việc, sinh sống thời gian dài tại TP.HCM”, vị này phản ánh.

Được biết, trước đây, việc cấp phép cho lao động nước ngoài được thực hiện tại phòng một cửa ở SHTP và Hepza. Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định số 70/2023/NĐ-CP, việc cấp phép cho lao động nước ngoài chuyển về Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM thực hiện, nên thời gian cấp phép lâu hơn.

Do vậy, Ban Quản lý SHTP và Hepza đã có văn bản kiến nghị UBND TP.HCM phân quyền cho được thực hiện cấp phép và quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại Khu công nghệ cao, các khu công nghiệp, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi đầu tư vào Thành phố.

Quy chế làm việc của Ban chỉ đạo triển khai thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư