Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 06 tháng 05 năm 2024,
Châu Âu, Nhật Bản tăng cường hợp tác về chất bán dẫn
Đông Phong - 04/07/2023 10:55
 
Liên minh châu Âu (EU) sẽ tăng cường hợp tác với Nhật Bản về chất bán dẫn trong bối cảnh các nước tăng cường kiểm soát công nghệ dùng cho các lĩnh vực quốc phòng, điện tử và ô tô.
Các nhân viên của Công ty công nghệ cao Safran làm việc trong một nhà máy gần Paris, Pháp. Ảnh: AFP
Các nhân viên của Công ty công nghệ cao Safran làm việc trong một nhà máy gần Paris, Pháp. Ảnh: AFP

Ông Thierry Breton, Ủy viên phụ trách thị trường nội khối EU, hôm 3/7 cho biết EU và Nhật Bản sẽ phối hợp giám sát chuỗi cung ứng chip và tạo điều kiện để trao đổi các nhà nghiên cứu và kỹ sư. EU cũng sẽ hỗ trợ các công ty bán dẫn của Nhật Bản xem xét hoạt động trong khối này.

"Chúng tôi tin rằng, việc đảm bảo chuỗi cung ứng chất bán dẫn là cực kỳ quan trọng", ông Breton nói với hãng tin Reuters tại Tokyo, nơi ông thảo luận việc hợp tác về chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI) với chính phủ và các công ty Nhật Bản.

Nhật Bản đang cung cấp các khoản trợ cấp để hồi sinh ngành công nghiệp chất bán dẫn của mình, vốn vẫn giữ được lợi thế về vật liệu và thiết bị nhưng đã mất thị phần toàn cầu.

Tuần trước, một quỹ đầu tư do chính phủ Nhật Bản hậu thuẫn đã đồng ý mua lại hãng sản xuất kính cản quang JSR Corp với giá 6,4 tỷ USD để thúc đẩy hợp nhất trong ngành.

Nhật Bản cũng đang hỗ trợ liên doanh sản xuất khuôn đúc chip Rapidus. Giám đốc điều hành liên doanh này dự kiến có cuộc gặp với ông Breton vào ngày 4/7. "Tôi nghĩ đó thực sự là một sáng kiến quan trọng và đang đi đúng hướng", Breton nói về liên doanh Rapidus.

Các kế hoạch của Rapidus nhắm đến sản xuất chip tiên tiến dưới sự trợ giúp của Công ty nghiên cứu công nghệ số IMEC (Bỉ) và IBM (Mỹ).

Sự hợp tác giữa EU và Nhật Bản ngày càng sâu sắc trong bối cảnh khối này tuyên bố giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, đồng thời tăng cường tự chủ trong lĩnh vực công nghệ cao như chất bán dẫn.

"Chúng tôi đã nói rất rõ ràng rằng chúng tôi chỉ muốn giảm thiểu rủi ro", ông Breton nhấn mạnh.

Ông Breton cũng đã gặp Bộ trưởng Bộ các vấn đề kỹ thuật số Nhật Bản Taro Kono, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Truyền thông Takeaki Matsmoto, và Bộ trưởng Bộ Kinh tế Thương mại và Công nghiệp Fusae Ota, trong cuộc hội đàm cấp bộ trưởng đầu tiên theo thỏa thuận Đối tác kỹ thuật số EU - Nhật Bản. Trong tuyên bố chung, EU và Nhật Bản đã nhất trí hợp tác về kết nối cáp dưới biển, chất bán dẫn và an ninh mạng, cũng như trong các lĩnh vực khác của nền kinh tế kỹ thuật số.

Tại một cuộc họp báo sau đó, ông Breton cho biết phần lớn cuộc thảo luận là về trí tuệ nhân tạo (AI). Quan chức EU cũng cho biết cuộc hội đàm tiếp theo giữa hai bên sẽ diễn ra tại Brussels trong nửa đầu năm tới.

Tương tự, EU tuần trước đã tổ chức cuộc họp đầu tiên về Đối tác kỹ thuật số EU - Hàn Quốc tại thủ đô Seoul, trong đó hai bên đã nhất trí hợp tác về các công nghệ quan trọng như trí tuệ nhân tạo và an ninh mạng.

EU thúc đẩy quan hệ đối tác với các quốc gia châu Á quan trọng trong lĩnh vực công nghệ mạnh, trong bối cảnh khối này tìm cách "giảm thiểu rủi ro" từ thị trường Trung Quốc - một cách tiếp cận khác với Mỹ, quốc gia đã tìm cách tách nền kinh tế của mình với Bắc Kinh.

EU cũng đang tìm cách củng cố ngành công nghiệp bán dẫn của mình trong toàn khối.

Công nghệ chất bán dẫn đóng vai trò quan trọng trong sản xuất công nghiệp, từ ô tô đến điện thoại thông minh và quân sự. Nó cũng là chìa khóa để triển khai các mô hình trí tuệ nhân tạo. Trí tuệ nhân tạo và chip bán dẫn được coi là hai lĩnh vực công nghệ lõi mà các quốc gia đang cố gắng định vị để tạo dựng vị thế.

Nhiều quốc gia đang đánh giá lại chuỗi cung ứng chất bán dẫn của mình. Đáng kể, một số quốc gia, trong đó có Mỹ đã tìm cách đưa hoạt động sản xuất chất bán dẫn "hồi hương".

Mỹ cũng đã tìm cách tách Trung Quốc khỏi các công nghệ quan trọng của mình, chẳng hạn như chất bán dẫn, thông qua các hạn chế xuất khẩu. Đồng thời, Washington đã tìm cách thuyết phục các đồng minh châu Âu hưởng ứng.

Đơn cử, cuối tuần trước, Hà Lan, nơi đóng chân của một trong những công ty chất bán dẫn hàng đầu thế giới ASML, đã công bố các hạn chế xuất khẩu mới đối với thiết bị bán dẫn tiên tiến.

Đáp lại, Bộ Thương mại Trung Quốc đã lên tiếng kêu gọi Hà Lan không cản trở hợp tác song phương trong lĩnh vực chất bán dẫn, đồng thời không lạm dụng việc kiểm soát xuất khẩu.

Châu Âu muốn lập chuỗi cung ứng chất bán dẫn với các đối tác "thân thiện"
Châu Âu muốn thúc đẩy việc thiết lập chuỗi cung ứng bán dẫn "thân thiện" với sự trợ giúp của các "gã khổng lồ" sản xuất chip của Đài Loan.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư