Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Châu Âu sẽ "mạnh tay" đầu tư, tăng cường sản xuất chip
T.T - 19/04/2023 21:22
 
Nghị viện châu Âu (EP) và các quốc gia thành viên EU đã đạt được thỏa thuận về kế hoạch tăng cường cung cấp chất bán dẫn ở châu Âu nhằm giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp châu Á.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen phát biểu tại phiên họp Nghị viện châu  ở Strasbourg, Pháp, ngày 18/4/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen phát biểu tại phiên họp Nghị viện châu  ở Strasbourg, Pháp, ngày 18/4/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nhấn mạnh: "Thỏa thuận này sẽ tạo ra ngành công nghiệp chip cạnh tranh và xây dựng nền tảng cho thị phần toàn cầu. Thỏa thuận cũng sẽ tiếp sức cho ngành công nghệ sạch được sản xuất tại châu Âu, đồng thời tăng cường khả năng phục hồi và chủ quyền kỹ thuật số của chúng ta".

Ông Thierry Breton, Ủy viên phụ trách lĩnh vực công nghiệp của EU, nêu rõ: "Thỏa thuận sẽ cho phép chúng tôi tái cân bằng và đảm bảo chuỗi cung ứng của mình, giảm sự phụ thuộc chung vào châu Á... Châu Âu đặt mục tiêu trở thành một cường quốc công nghiệp trên các thị trường của tương lai – các công nghệ kỹ thuật số và "xanh" cho phép chúng tôi duy trì lực lượng xuất khẩu cạnh tranh, tạo ra việc làm chất lượng và đảm bảo an ninh nguồn cung của chúng tôi. Bởi vì, sẽ không có quá trình chuyển đổi xanh hoặc kỹ thuật số nếu không có cơ sở sản xuất mạnh”.

Theo thỏa thuận, EU đặt mục tiêu tăng gấp đôi thị phần chip toàn cầu hiện tại, lên 20% vào năm 2030 và huy động hơn 43 tỷ euro (tương đương 47,2 tỷ USD) đầu tư công và tư nhân nhằm đáp ứng nhu cầu chip ngày càng tăng của châu Âu. EU sẽ cần tăng gấp 4 lần sản lượng để đáp ứng mục tiêu này.

Kinh phí cho chiến lược này sẽ được trích từ ngân sách hiện tại của EU. Dự kiến, khối này sẽ huy động 3,3 tỷ euro cho nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực chip. Ngoài ra, thỏa thuận trên cũng bao gồm một hệ thống giám sát tình trạng thiếu nguồn cung trong thời kỳ khủng hoảng, đồng thời nới lỏng các quy tắc viện trợ quốc gia để đẩy mạnh hoạt động tại các trung tâm sản xuất thành phần chính.

EU đang chạy đua để bảo vệ lợi thế cạnh tranh của khối trước triển vọng phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc và Mỹ - những quốc gia đã đầu tư hàng tỷ USD vào công nghệ xanh.

Hồi tháng trước, cơ quan điều hành của EU đã công bố hai đề xuất nhằm thúc đẩy khối này sản xuất nhiều công nghệ sạch hơn, bao gồm các nguyên liệu thô quan trọng cần thiết để sản xuất pin cho xe điện.

Mỹ áp đặt "hạn chế nghiêm ngặt" đối với nhà sản xuất chip Trung Quốc
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết hôm 15/12 rằng, họ đang "hạn chế nghiêm ngặt" hàng chục tổ chức chủ yếu liên quan đến Trung Quốc,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư