Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
“Chạy nước rút” để phát triển công nghiệp bán dẫn
Nguyên Đức - 18/08/2024 08:29
 
Việt Nam đang nỗ lực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để có thể thu hút đầu tư và phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Nếu không nhanh chân trong giai đoạn nước rút, cơ hội ngàn vàng có thể bị bỏ lỡ.
Công ty Sparton Việt Nam tại Khu công nghiệp VSIP Bình Dương

Quyết “dốc” 26.000 tỷ đồng cho “bước đi chiến lược”

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tiếp tục họp với các bộ, ngành, địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học… để lấy ý kiến, hoàn thiện Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.

“Việt Nam phải ưu tiên đầu tư mạnh mẽ cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là bước đi chiến lược nhằm xây dựng vị thế trong chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói như vậy cách đây ít hôm, khi chủ trì Tọa đàm Phát huy vai trò của doanh nghiệp Việt Nam trong phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.

Coi đào tạo nhân lực là “bước đi chiến lược”, nên Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nhiều lần hối thúc việc sớm phải hoàn thành Đề án. Bởi thế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang cố gắng “chạy nước rút” để sớm hoàn thiện Đề án, trình Thủ tướng Chính phủ thông qua và triển khai thực hiện.

Theo Dự thảo Đề án, cần nguồn lực 26.000 tỷ đồng để có thể thực hiện các mục tiêu đặt ra. Tuy nhiên, đã bắt đầu có ý kiến về việc nên hay không nên đưa ra con số 26.000 tỷ đồng vào Dự thảo Quyết định phê duyệt Đề án của Thủ tướng Chính phủ.

“Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rà soát, nêu dự kiến nguồn lực thực hiện Đề án. Theo đó, Dự thảo Quyết định phê duyệt Đề án của Thủ tướng sẽ nêu tổng kinh phí dự kiến thực hiện Chương trình đến năm 2030 khoảng 26.000 tỷ đồng”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết.

Lý giải điều này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đào tạo nhân lực bán dẫn là nhiệm vụ cấp bách và quan trọng. Do vậy, việc quy định dự kiến tổng vốn thực hiện Đề án trong Quyết định phê duyệt nhằm xác định rõ tổng nguồn lực cần huy động, làm cơ sở để triển khai việc huy động và bố trí kinh phí, đáp ứng yêu cầu cấp bách của nhiệm vụ.

“Việc đưa tổng kinh phí dự kiến góp phần quan trọng thể hiện thông điệp về sự quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng nhà đầu tư trong việc xác định đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là ‘đột phá của đột phá’, nhằm thu hút các nguồn lực khác ngoài ngân sách nhà nước tham gia triển khai Đề án. Đây cũng là kinh nghiệm của các quốc gia, nền kinh tế về việc công bố chương trình hành động gắn với kinh phí lên tới 5-10 tỷ USD”, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) nói.

Đề xuất trên của Ban soạn thảo Đề án nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các bộ, ngành, địa phương. “Nên nêu rõ kinh phí thực hiện Đề án để chúng ta có thể chủ động được. Nếu không, rất khó triển khai”, ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng nói.

Đồng tình và cho rằng, điều đó chứng tỏ Chính phủ đã “sẵn sàng chấp nhận cuộc chơi có rủi ro”, nhưng bà Trần Thị Thanh Tú (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng bày tỏ, quan trọng hơn nữa là cần có các cơ chế đặc thù. “Sau Đề án, cần có hàng loạt chính sách để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra”, bà Trần Thị Thanh Tú nói.

Cần chính sách để hút “đại bàng” bán dẫn

Bà Trần Thị Thanh Tú đã đúng khi cho rằng, cần có chính sách “đặc thù”. Nhưng “đặc thù” để phát triển 50.000 nhân lực bán dẫn thôi chưa đủ, cần thêm cả các chính sách đặc thù, cạnh tranh, hấp dẫn để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn nói chung, trong đó thu hút “đại bàng” là rất quan trọng.

Thời gian là vấn đề cốt yếu. Tương lai của Việt Nam phụ thuộc vào hiện tại.

- Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, khi nói về Đề án Phát triển nhân lực bán dẫn cũng cho rằng, đây chỉ là “một nhánh nhỏ” của đề án tổng thể về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Điều đó cho thấy, mấu chốt còn nằm ở Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, mà Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng.

“Chiến lược Phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam, Đề án Phát triển nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đều chậm được ban hành”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lo lắng.

Bởi thế, cùng với việc hối thúc Đề án Phát triển nhân lực, thì Chiến lược Phát triển công nghiệp bán dẫn cũng cần được đẩy nhanh. Theo các chuyên gia quốc tế, Việt Nam chỉ có khoảng 3-5 năm để chuẩn bị và đón nhận cơ hội từ sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng ngành bán dẫn. Nếu không nhanh chân trong giai đoạn nước rút, cơ hội ngàn vàng có thể bị bỏ lỡ.

Khi thảo luận về cơ hội phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam, các chuyên gia quốc tế cũng khẳng định, điều quan trọng là Việt Nam cần sớm có chiến lược và có các chính sách đặc thù để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.

Thực tế, hiện nay, nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn đã và đang có kế hoạch đầu tư lớn vào Việt Nam. Intel, HanaMicron, Amkor, Marvell, Synopsys… là những ví dụ điển hình. Đặc biệt, mới đây, Amkor đã tăng vốn thêm 1,07 tỷ USD để nâng tổng vốn đầu tư tại Việt Nam lên 1,6 tỷ USD, sớm 11 năm so với kế hoạch ban đầu. Tuy vậy, Việt Nam vẫn cần nhanh chân hơn trong thu hút đầu tư của các “ông lớn” công nghệ.

Hiện nay, hàng loạt nền kinh tế có các chính sách “khủng” để thu hút đầu tư vào các ngành bán dẫn, AI. Chẳng hạn, Hàn Quốc có gói hỗ trợ 26.000 tỷ won (khoảng 19 tỷ USD) để hỗ trợ ngành công nghiệp chip; Trung Quốc thành lập Quỹ đầu tư bán dẫn quy mô 27 tỷ USD… Rồi cả Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… đều sẵn sàng dành hàng chục tỷ USD để có thể “lôi kéo” TMSC, Samsung, Intel… đầu tư các dự án hàng tỷ USD trong lĩnh vực bán dẫn.

Trong khi đó, ở Việt Nam, các ngành, lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, AI, chip, bán dẫn… chưa có chuyển biến rõ nét, nguy cơ không bắt kịp được với thế giới và khu vực. Thu hút đầu tư vào lĩnh vực này cũng còn chậm, chưa có nhiều dự án lớn.

Đó là lý do khiến Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Việt Nam cần nghiên cứu để có gói chính sách đủ lớn, phù hợp, khả thi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như chip bán dẫn, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… Việc Quỹ Hỗ trợ đầu tư sớm được thành lập cũng góp phần quan trọng để tạo thêm sức cạnh tranh cho Việt Nam trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.

Thông tin cho biết, mới đây, Chính phủ đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Đây là động thái quan trọng, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong giai đoạn nước rút chuẩn bị cho sự hình thành và phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam.

Hà Nội đón “sóng” FDI vào ngành công nghiệp bán dẫn
Nhiều doanh nghiệp FDI từ Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, các quốc gia châu Âu… đang tích cực rót vốn đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn tại Hà...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư