Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 31 tháng 07 năm 2024,
Hà Nội đón “sóng” FDI vào ngành công nghiệp bán dẫn
Nguyễn Linh - 30/07/2024 18:10
 
Nhiều doanh nghiệp FDI từ Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, các quốc gia châu Âu… đang tích cực rót vốn đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn tại Hà Nội.

Ngày 30/7, trong khuôn khổ Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn Thành phố Hà Nội 2024, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức tọa đàm “Tiềm năng và thách thức thu hút đầu tư nước ngoài công nghiệp bán dẫn tại Hà Nội”.

Biến thách thức quốc gia thành cơ hội của doanh nghiệp

Với vị trí chiến lược, tiềm năng phát triển vượt trội, sự hỗ trợ từ chính quyền Thành phố và sự quan tâm mạnh mẽ từ các doanh nghiệp FDI đã và đang tạo nên làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào ngành công nghiệp bán dẫn tại Hà Nội. Tuy nhiên, cùng với những cơ hội lớn, Hà Nội cũng phải đối mặt với nhiều thách thức không nhỏ.

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam chia sẻ tại tọa đàm.

Chia sẻ tại tọa đàm, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng, cuộc đua tranh toàn cầu đòi hỏi mỗi quốc gia phải có công nghệ, vốn và nhân lực. Để thu hút đầu tư, còn cần phải có môi trường cạnh tranh, sự công khai, minh bạch, cũng như thể chế vượt trội và quản trị hiện đại.

Dẫn ví dụ một số quốc gia, PGS.TS Trần Đình Thiên cho biết, 3 năm qua, Hoa Kỳ thu hút 395 tỷ USD đầu tư nước ngoài vào sản xuất chất bán dẫn. Bộ Thương mại Hoa Kỳ thông báo giải ngân 50 tỷ USD cho các công ty và tổ chức nước này để nghiên cứu, phát triển và sản xuất chip, củng cố cung ứng chip quốc gia.

Tháng 5/2024, Hàn Quốc công bố gói khuyến khích lĩnh vực chip 19 tỷ USD, bao gồm 12,4 tỷ USD hỗ trợ đầu tư và ưu đãi thuế. Trong khi đó, Malaysia đang tạo hình mẫu phát triển mới, đó là phát triển hệ sinh thái bán dẫn xuyên quốc gia…

“Các quốc gia đi sau trong lĩnh vực này như Indonesia, Malaysia, Singapore, Ấn Độ… đều đang muốn vượt lên trước. Việt Nam muốn cạnh tranh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp bán dẫn thì phải tạo được sự hấp dẫn, khác thường”, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói.

PGS.TS Trần Đình Thiên đánh giá ngành công nghiệp bán dẫn phân bố không đồng đều, do một số quốc gia chi phối, không quốc gia, khu vực nào có toàn bộ dây chuyền sản xuất. Cụ thể, hơn 15 năm trước, Việt Nam đầu tư hàng trăm triệu USD cho nhiều phòng thí nghiệm trọng điểm, trong đó có phòng thí nghiệm liên quan công nghệ bán dẫn có giá trị hơn 4 triệu USD. Vì nhiều lý do, đầu tư ở Việt Nam lớn gấp đôi hỗ trợ từ Mỹ, nhưng ít tác dụng, kể cả đào tạo đội ngũ.

“Phát triển công nghiệp bán dẫn là cuộc đua toàn cầu, giải pháp chính sách không phải là ta so với chính ta, nếu chính sách của Việt Nam nói chung trong đó có Hà Nội nói riêng mà không vượt trội so với toàn cầu thì rất khó có công nghiệp bán dẫn. Cơ hội để chuyển sang công nghiệp bán dẫn là cơ hội lớn nhất, nhưng cũng là thách thức lớn nhất đòi hỏi những điều kiện thực thi và năng lực khác thường”, PGS.TS Trần Đình Thiên cho hay.

Nhiều giải pháp công nghệ được trưng bày tại Triển lãm trong khuôn khổ Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn Thành phố Hà Nội 2024.

Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu thiết bị bán dẫn đạt 6,5 tỷ USD, chiếm 3,8% kim ngạch xuất khẩu thế giới, top 3 Châu Á về xuất khẩu chất bán dẫn sang Mỹ. Trung hạn Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm thử nghiệm và lắp ráp chất bán dẫn (OSAT) khu vực, nhưng Việt Nam thiếu các khâu cơ bản của hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn: Công nghệ, chuỗi, nhân lực, vốn, dữ liệu, năng lượng.

PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, cách tiếp cận của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng phải có sự khác biệt hơn rất nhiều so với trước đây, phải tổng thể, đủ tầm để có thể thay đổi thời đại, đua tranh toàn cầu. “Chúng ta đi sau có thể tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm của các nước trên thế giới. Để thành công trong ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam phải biến thách thức quốc gia thành cơ hội của doanh nghiệp, người dân và phải trao quyền, tạo điều kiện, chịu trách nhiệm và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, phát triển ở lĩnh vực công nghệ bán dẫn”, ông Thiên nhấn mạnh.

Chủ động đón "làn sóng" mới

Nói về triển vọng thu hút công nghiệp bán dẫn tại Hà Nội, GS.TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài cho biết, Hà Nội có nhiều lợi thế, là trung tâm kinh tế, giáo dục, khoa học, công nghệ; là trung tâm chính trị, hành chính của Việt Nam; nhiều trường đại học hàng đầu, đội ngũ giáo sư, chuyên gia hàng đầu về khoa học, công nghệ, số lượng doanh nghiệp ngày càng tăng. 

GS.TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài chia sẻ tại tọa đàm.

Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Mại nhìn nhận Hà Nội vẫn chưa khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2024 Hà Nội đạt 6%; Thu hút FDI lũy kế đến cuối năm 2023 là 41,17 tỷ USD chiếm 8,8%.

Ông Mại chỉ rõ nguyên nhân do chậm tư duy, hành động đổi mới sáng tạo; chậm đổi mới mô hình tăng trưởng; chậm cải tiến sự phối hợp giữa chính quyền Thủ đô với các bộ, ngành Trung ương, các viện khoa học, trường đại học.

Trước tình hình đó, GS.TS Khoa học Nguyễn Mại đề xuất Hà Nội cần xây dựng danh mục dự án khuyến khích đầu tư, chủ động thảo luận, tìm ra giải pháp phát triển cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đồng thời, cải tiến hoạt động xúc tiến đầu tư và khắc phục các điểm nghẽn hiện nay, đặc biệt là vấn đề nguồn cung năng lượng, cơ sở hạ tầng giao thông, an sinh xã hội.

Hiện nay, các doanh nghiệp cũng đang coi Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung là điểm đến đầu tư, gia tăng sản xuất. Điển hình, Apple hoàn tất chuyển 11 nhà máy vào Việt Nam, hãng công nghệ Intel cũng mở rộng giai đoạn 2 nhà máy kiểm định vi mạch ở TP.HCM với vốn đầu tư 4 tỷ USD tới năm 2025. Đồng thời, Boeing, Google và Walmart đã công bố kế hoạch mở rộng mạng lưới nhà cung cấp và cơ sở sản xuất tại Việt Nam sau khi nghiên cứu thị trường…

Ngoài ra, Việt Nam có dự trữ đất hiếm khoảng 22 triệu tấn, bằng một nửa Trung Quốc. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc làm chủ nguồn nguyên liệu để sản xuất chất bán dẫn. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có lợi thế trong thu hút FDI vào năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, công nghệ tương lai.

Với dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024 khoảng 6,5%, công nghiệp và xây dựng trên đà phục hồi, 17 FTA thế hệ mới được thực hiện cùng thành công của ngoại giao kinh tế, có thể báo hiệu làn sóng mới về FDI có chất lượng và hiệu quả hơn sẽ diễn ra từ năm nay và vài năm tiếp theo.

Việt Nam ưu tiên thu hút các dự án FDI công nghệ cao
Các dự án công nghệ sạch, công nghệ có tính lan tỏa sẽ là ưu tiên của Việt Nam trong giai đoạn sắp tới.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư