Thứ Năm, Ngày 01 tháng 05 năm 2025,
Chế tài xử nạn xà xẻo ngân sách chi cho giáo dục
Mạnh Bôn - 17/10/2014 12:08
 
() Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Chính vì vậy, dù ngân sách luôn bội chi, lĩnh vực nào cũng cần tiền đầu tư, nhưng năm nào Quốc hội cũng dành 20% tổng chi thường xuyên cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
KinderWorld làm dự án giáo dục triệu USD tại Vĩnh Phúc
Xử nghiêm nạn xà xẻo ngân sách giáo dục
“Chỉ cần 200 tỷ đồng có thể đổi mới chương trình, SGK”
Tăng học phí có phải là cách nâng chuẩn đào tạo?

Chính sách như vậy, nhưng thực tế triển khai nhiều năm qua cho thấy, chưa bao giờ ngân sách chi đủ cho giáo dục, đào tạo như dự toán.

   
  Tình trạng bớt xén khoản chi cho giáo dục, đào tạo để chi tiêu vào việc khác đã và đang là căn bệnh kinh niên  

Cụ thể, năm 2010, chi cho giáo dục, đào tạo chỉ đạt 92,3% dự toán (giảm 6.494 tỷ đồng); năm 2011, chi đạt 90,2% dự toán (giảm 10.761 tỷ đồng); năm 2012, chi đạt 93,5% dự toán (giảm 8.784 tỷ đồng). Nhưng số tiền giảm chi này rơi vào đâu? Thật bất ngờ khi biết, các địa phương “tiết kiệm” được ngân sách là do chậm trả phụ cấp giáo viên, miễn giảm học phí, hỗ trợ tiền ăn trưa cho học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn…          

Số liệu trên cho thấy, lĩnh vực giáo dục, đào tạo không phải đã dư dả, mà ngược lại, rất thiếu tiền.

Thiếu tới mức, theo quy định, mỗi giảng viên đại học phải dành 400/900 tiết giảng dạy để hướng dẫn sinh viên nghiên cứu, nhưng trên thực tế, nhiều trường đại học không đủ trang, thiết bị, dụng cụ, phòng thí nghiệm… cho sinh viên, giảng viên thực tập, nghiên cứu khoa học.

Điều đáng nói là, ngân sách Trung ương chi cho giáo dục, đào tạo chưa năm nào đạt dự toán, nhưng không ít địa phương lại “mạnh dạn” phân bổ ngân sách lĩnh vực này thấp hơn cả mức tối thiểu (20% tổng chi thường xuyên). Và khoảng 70% số địa phương sẵn sàng sử dụng cả nguồn cải cách tiền lương, trong đó đa phần là lương cho lĩnh vực giáo dục để chi cho các lĩnh vực khác như mua ô tô công; mua tài sản “cất vào kho” do không có nhu cầu sử dụng; chi quản lý hành chính vượt tiêu chuẩn, định mức, chế độ. 

Trong khi ở nhiều nơi, giáo viên dạy hợp đồng cả chục năm chỉ được nhận mức lương vài triệu đồng mỗi tháng, vì địa phương phải… “tiết kiệm chi tiêu”, thì vẫn có tình trạng các cơ quan hành chính chi ngoài dự toán cho việc đi công tác nước ngoài, mua máy tính xách tay cho cán bộ…

Tình trạng bớt xén khoản chi cho giáo dục, đào tạo để chi tiêu vào việc khác, thậm chí là chi tiêu lãng phí, sai chế độ, không đúng mục đích… đã và đang là căn bệnh kinh niên. Nguyên nhân của căn bệnh này không gì khác là biểu hiện coi thường kỷ cương, kỷ luật tài chính; công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành ngân sách không được quan tâm đúng mức.

Và nguyên nhân của mọi nguyên nhân là chế tài xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức cắt xén ngân sách chi cho giáo dục, đào tạo để chi tiêu vào việc khác thiếu kiên quyết, chưa nghiêm túc, dẫn đến tình trạng “hòa cả làng”, địa phương chấp hành nghiêm cũng như địa phương chấp hành không nghiêm dự toán ngân sách.

Đầu ra của giáo dục, đào tạo chính là nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực chất lượng thấp khiến năng suất lao động của người Việt thuộc nhóm thấp nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chính là một trong những hạn chế lớn nhất trong thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Chính vì vậy, Luật Ngân sách Nhà nước sửa đổi, bổ sung sẽ được Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ tám (khai mạc ngày 20/10 tới) cần phải bổ sung các quy định, chế tài xử lý nghiêm minh người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không chấp hành nghiêm dự toán ngân sách hàng năm, đặc biệt là việc xà xẻo phần chi cho giáo dục, đào tạo để chi cho các khoản không thật sự cần thiết.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư