Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
“Chết đuối” tại Dự án BOT cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn
Bảo Như - 02/05/2022 08:10
 
Chưa thể có một cái kết có hậu cho nhà đầu tư Dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn từ cảng Bến Súc đến cầu Bình Lợi - công trình hạ tầng đường thủy đầu tiên triển khai bằng hình thức BOT.
Cầu đường sắt Bình Lợi (thuộc Dự án  BOT cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn từ cảng Bến Súc đến cầu Bình Lợi) đã được đưa vào hoạt động từ năm 2019 	ảnh: a.m
Cầu đường sắt Bình Lợi (thuộc Dự án BOT cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn từ cảng Bến Súc đến cầu Bình Lợi) đã được đưa vào hoạt động từ năm 2019        Ảnh: A.M

Dừng cuộc chơi sớm

Theo thông tin của Báo Đầu tư, Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Lợi vừa có văn bản “kêu cứu” gửi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) về khó khăn, vướng mắc của Dự án BOT cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn từ cảng Bến Súc đến cầu Bình Lợi.

Đây là lần thứ tư trong vòng 2 năm qua, Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Lợi phải phát đi những tín hiệu “S.O.S” về công trình BOT hạ tầng đường thủy đầu tiên được triển khai tại Việt Nam mà họ từng đặt rất nhiều kỳ vọng này.

Trong Văn bản số 59/2022/BOTBL gửi cuối tháng 4/2022, doanh nghiệp dự án xin chấm dứt hợp đồng dự án trước thời hạn và đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận dùng vốn ngân sách nhà nước mua lại toàn bộ Dự án BOT cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn từ cảng Bến Súc - cầu Bình Lợi.

Ngoài Dự án BOT cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn từ cảng Bến Súc đến cầu Bình Lợi, hiện có ít nhất 2 dự án BOT đường bộ đang được Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho dừng hợp đồng BOT, dùng ngân sách thanh toán cho nhà đầu tư, do gặp khó khăn về việc thu phí hoàn vốn, gồm: hạng mục đường vành đai phía Tây TP. Thanh Hóa (đoạn Km0-Km6) thuộc Dự án BOT xây dựng Quốc lộ 1 đoạn tránh TP. Thanh Hóa và trạm thu phí La Sơn - Túy Loan hoàn vốn cho Dự án BOT xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả.

Theo tính toán của Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Lợi, tổng giá trị đã đầu tư mà doanh nghiệp dự án muốn Nhà nước hoàn trả là 611,467 tỷ đồng. Đây là khoản chi phí tối thiểu mà Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Lợi muốn nhận lại để có tiền trả nợ cho UBND tỉnh Bình Dương (248,48 tỷ đồng), vốn chủ sở hữu (158,856 tỷ đồng), trả lãi vay vốn chủ sở hữu (54,867 tỷ đồng) và thanh toán nợ khối lượng cho các nhà thầu (149,26 tỷ đồng).

Ông Nguyễn Vũ Nam, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Lợi cho biết, trong suốt 2 năm qua, doanh nghiệp dự án và liên danh nhà đầu tư đã tìm mọi cách để có dòng tiền trả nợ và triển khai tiếp công trình, nhưng đến nay không có kết quả. Trong khi đó, các phương án thu phí hoàn vốn cho các hạng mục đã đầu tư ngày một mù mịt vì diễn biến thực tế đang khác quá xa với phương án tài chính ban đầu.

Cần phải nói thêm, Dự án BOT cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn từ cảng Bến Súc đến cầu Bình Lợi được khởi động từ năm 2016 với nhà đầu tư được lựa chọn là liên danh Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị xanh (GUD) - Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng STD Việt Nam (Liên danh GUD- STD). Các nhà đầu tư này sau đó đã lập doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Lợi để triển khai Dự án.

Theo hợp đồng ký với Bộ GTVT, Dự án BOT cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn từ cảng Bến Súc đến cầu Bình Lợi có tổng mức đầu tư 1.302 tỷ đồng, chi phí xây dựng 838 tỷ đồng, bao gồm việc thi công mới cầu sắt Bình Lợi để nâng tĩnh không thông thuyền của cầu hiện nay từ 1,5 m lên 7 m và cải tạo, bảo trì luồng sông Sài Gòn có độ dài khoảng 71 km. Sau khi công trình hoàn thành sẽ cho phép sà lan tải trọng trên 300 tấn lưu thông từ Bình Dương về các cảng ở TP.HCM, giảm áp lực cho giao thông đường bộ.

Để hoàn vốn, nhà đầu tư được phép tiến hành thu phí các phương tiện trên 300 tấn lưu thông trên sông Sài Gòn từ cảng Bến Súc về để hoàn vốn cho Dự án trong vòng 20 năm 9 tháng.

Sau hơn 3 năm chật vật thi công, đến giữa tháng 9/2019, doanh nghiệp dự án và Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Lợi đã hoàn thành và đưa vào khai thác cầu đường sắt Bình Lợi. Riêng hạng mục nạo vét luồng sông Sài Gòn, doanh nghiệp dự án mới hoàn thành công tác thiết kế, chưa triển khai thi công vì không có vốn.

Tính đến cuối tháng 4/2022, Dự án mới giải ngân được 441 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 158 tỷ đồng; giải ngân từ nguồn hoàn thuế VAT là 33,98 tỷ đồng; vốn vay từ UBND tỉnh Bình Dương là 248,48 tỷ đồng. Hiện tại, Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Lợi vẫn còn nợ các nhà thầu gần 150 tỷ đồng và đang bắt đầu bị tính lãi trả chậm.

Lệch phương án tài chính

Có 2 lý do chính khiến Dự án BOT cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn từ cảng Bến Súc đến cầu Bình Lợi “chết chìm” ngay khi chưa kịp hoàn thành công tác xây lắp.

Theo ông Nguyễn Thái Hà, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án 7 (Bộ GTVT) - đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền, việc các địa phương không hoàn thành cam kết tài trợ vốn đã khiến Dự án “đứng hình” suốt 3 năm qua.

Cụ thể, khi lập Dự án, UBND tỉnh Bình Dương cam kết cho nhà đầu tư vay 300 tỷ đồng, nhưng khi mới giải ngân được 248 tỷ đồng thì khoản vay này đã bị ngắt. Theo thông báo từ Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Bình Dương vào cuối năm 2019, phần vốn còn lại của khoản vay 300 tỷ đồng sẽ không được giải ngân do Kiểm toán Nhà nước cho rằng, việc UBND tỉnh Bình Dương cho Dự án vay là không đúng quy định về sử dụng vốn ngân sách.

Điều đáng nói là, trong khi không được giải ngân phần vốn còn lại, trong thời gian vừa qua, Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Bình Dương liên tục có văn bản yêu cầu nhà đầu tư trả lại ngay vốn vay đã giải ngân.

Do cơ cấu nguồn vốn đầu tư thay đổi, ngân hàng tài trợ nguồn vốn vay thương mại cho Dự án cũng dừng luôn hợp đồng tín dụng đã ký, nên doanh nghiệp dự án và nhà đầu tư không có nguồn để thực hiện nốt hạng mục cải tạo phần luồng sông Sài Gòn sau khi đã hoàn thành hạng mục cầu đường sắt Bình Lợi mới từ tháng 9/2019.

Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là vướng mắc lớn nhất tại Dự án BOT cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn từ cảng Bến Súc - cầu Bình Lợi.

Theo phương án tài chính trong hợp đồng của Dự án ký với Bộ GTVT, nguồn chi trả khoản vay của UBND tỉnh Bình Dương và phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư sẽ được thu phí của các phương tiện thủy có tải trọng toàn phần lớn hơn 300 tấn tại 3 cảng là An Sơn, Rạch Bắp, Bến Súc khi hoạt động trên sông Sài Gòn từ cầu đường sắt Bình Lợi tới cảng Bến Súc. Các cảng này dự kiến hoàn thành việc đầu tư cùng lúc với công trình cầu đường sắt Bình Lợi được hoàn thành.

Tuy nhiên, cho đến tháng 4/2022, các cảng Rạch Bắp và Bến Súc vẫn chưa được đầu tư xây dựng, cảng An Sơn mới được đầu tư một phần, nên không thể thu phí. Khó khăn chồng chất khó khăn khi UBND tỉnh Bình Dương lại vừa tiến hành điều chỉnh quy hoạch, bỏ cảng Bến Súc mà thay bằng cảng khác ở vị trí khác. Điều này khiến phương án tài chính của Dự án không còn tính khả thi do các cảng trên tuyến chưa được đầu tư xây dựng theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Bên cạnh đó, trong suốt thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp ICD/cảng khu vực TP.HCM, Bình Dương, Tây Ninh và Đồng Nai đã liên tục gửi đơn kiến nghị tập thể tới Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương kiến nghị chưa thu phí hoàn vốn đối với Dự án BOT cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn từ cảng Bến Súc đến cầu Bình Lợi.

Theo các doanh nghiệp, đường bộ đang quá tải, vận tải thủy đã và đang góp phần rất lớn để chia sẻ gánh nặng cho đường bộ, nên việc áp dụng thêm một khoản thu tại BOT Bình Lợi sẽ làm giảm cơ hội phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Đông Nam bộ và các khu vực lân cận.

Các doanh nghiệp lo ngại, khi thu phí hoàn vốn trên đoạn sông Sài Gòn thuộc phạm vi Dự án BOT cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn từ cảng Bến Súc đến cầu Bình Lợi, lượng hàng hóa có thể sẽ được chuyển qua đường bộ, làm tăng thêm hàng ngàn chuyến xe/ngày để giải phóng lượng container đang được sà lan vận chuyển.

Điều này sẽ gây ách tắc nghiêm trọng đến các trục đường như các quốc lộ 1, 51, 13, 1K, tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn và tác động dây chuyền đến toàn bộ hệ thống giao thông khu vực.

Cần phải nói thêm rằng, ngay từ năm 2018, Thanh tra Bộ GTVT đã chỉ ra hàng loạt khiếm khuyết liên quan phương án tài chính Dự án BOT cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn từ cảng Bến Súc đến cầu Bình Lợi.

Cụ thể, Thanh tra Bộ GTVT đánh giá phương án tài chính tại Dự án đã tính khối lượng vận tải không chính xác so với thực tế theo thống kê của đơn vị đảm bảo giao thông thủy. Thậm chí, có số liệu về khối lượng vận tải theo thực tế lớn hơn khối lượng vận tải tính toán trong phương án tài chính đã ảnh hưởng đến việc xác định thời gian thu phí hoàn vốn của Hợp đồng.

Do việc lập tổng mức đầu tư và xác định lưu lượng vận tải chưa chính xác, nên nếu tính giá trị Dự án giảm 229,679 tỷ đồng, khối lượng vận tải tính lại theo thực tế thống kê của đơn vị đảm bảo giao thông thủy, thì thời gian thu phí của Dự án còn là 10 năm 1 tháng so với thời gian thu phí theo hợp đồng BOT là 20 năm 9 tháng.

Một rủi ro lớn cho nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án là Dự án chưa có đủ cơ sở pháp lý để thực hiện thu phí dịch vụ khi hoàn thành.

Cụ thể, mức thu, chế độ thu nộp và quản lý sử dụng phí luồng, lạch đối với luồng sông Sài Gòn (từ cầu đường sắt Bình Lợi tới cảng Bến Súc) đã được quy định tại Thông tư số 80/2015/TT-BTC ngày 25/5/2015 của Bộ Tài chính, nhưng thông tư này đã hết hiệu lực từ ngày 1/1/2017, nên Dự án chưa được các bên xác định cơ sở pháp lý để thu và cơ chế chuyển đổi giữa thu phí và thu giá.

Theo đại diện Ban Quản lý dự án 7, dù các bên liên quan đã có nhiều nỗ lực tháo gỡ, nhưng đến thời điểm này, có thể khẳng định, Dự án BOT cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn từ cảng Bến Súc đến cầu Bình Lợi đã không thể hoàn thành mục tiêu đúng theo quyết định đầu tư.

“Do phương án thu phí hoàn vốn không khả thi và phương án tài chính bị phá sản, nên nhà đầu tư không có nguồn để hoàn trả khoản nợ các đơn vị thi công và ngân sách tỉnh Bình Dương”, đại diện Ban Quản lý dự án 7 thừa nhận.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư