Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
“Chi đậm” cho quảng cáo trực tuyến thông qua influencer marketing
Hữu Tuấn - 01/03/2020 08:30
 
Các doanh nghiệp ngành bán lẻ và thương mại điện tử không ngại “đốt tiền” cho quảng cáo trực tuyến để giành khách hàng, chiếm thị phần, nhất là việc chi đậm cho những người có tầm ảnh hưởng (influencer marketing). Xu hướng này sẽ còn tiếp diễn, thậm chí tăng cấp độ trong năm 2020.
.
Xu hướng “chi đậm” cho quảng cáo trực tuyến để giành khách hàng, chiếm thị phần trong ngành thương mại điện tử được cho là sẽ tiếp diễn và tăng cấp độ trong năm 2020.

Không ngại “đốt tiền” quảng cáo online

Theo Báo cáo Quảng cáo trực tuyến Việt Nam 2019 do Adsota (Appota Group) vừa công bố, mức chi của các thương hiệu Việt Nam cho quảng cáo đa phương tiện (media) ước tính đạt 1,2 tỷ USD trong năm 2018 và tăng lên 1,26 tỷ USD trong năm 2019. Đà tăng trưởng này được dự báo sẽ tiếp tục trong những năm tới, khi tổng chi cho quảng cáo media dự kiến lên đến 1,43 tỷ USD vào năm 2022. Trong đó, các thương hiệu tại Việt Nam chi khoảng 284 triệu USD cho quảng cáo trực tuyến.

Báo cáo này chỉ rõ, trong năm 2019, các nhãn hàng thuộc các nhóm ngành bán lẻ/thương mại điện tử và tiêu dùng nhanh (FMCG) chi nhiều ngân sách marketing nhất cho quảng cáo online, lần lượt bằng 23,9% và 12,9% tổng ngân sách quảng cáo online.

Theo ông Đặng Thái Sơn, Giám đốc marketing Appota Group, những số liệu trên cho thấy nguồn lực và sự quan tâm của các doanh nghiệp thương mại điện tử đến quảng cáo online trong thời gian gần đây. Việc này có mối quan hệ trực tiếp tới cuộc chiến “đốt tiền” của các doanh nghiệp thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Sendo hay Tiki cho các kênh quảng cáo trong thời gian qua.

Đặc biệt, trong năm 2019, các sàn thương mại điện tử đã tận dụng thành công việc quảng cáo thông qua những người có tầm ảnh hưởng (influencer marketing) trong cuộc đua giành thị phần gay cấn.

Cụ thể, với hơn 27,1 triệu lượt truy cập/tháng trong năm 2019, Tiki đã trở thành thương hiệu có lượt truy cập cao thứ 3 toàn ngành, vượt qua “ông lớn” Lazada. Góp phần tạo ra sự bùng nổ này phải kể đến sự đóng góp của chiến dịch influencer marketing “Tiki đi cùng sao Việt” dưới hình thức tài trợ và xuất hiện trong các MV ca nhạc của các ca sĩ Việt Nam. Đây là nước đi vừa mạo hiểm, vừa thông minh, cho thấy mức độ “chịu chơi” của Tiki trong bối cảnh nhu cầu thương mại điện tử ngày một tăng cao.

Không thực hiện các chiến dịch cụ thể, nhưng việc kết hợp với những người có tầm ảnh hưởng lớn được đông đảo giới trẻ yêu thích như Mỹ Tâm, Ninh Dương Lan Ngọc… đã giúp hình ảnh thương hiệu Sendo có chuyển biến rõ rệt. Từ một cái tên mờ nhạt, Sendo đã có chỗ đứng riêng, tỷ lệ sử dụng ứng dụng đứng ở vị trí thứ 3 trên toàn thị trường Việt Nam trong năm 2019.

Với các chỉ số phát triển cũng như sự thay đổi thị phần trong năm 2019, có thể nói, influencer marketing chính là công cụ chắp cánh cho các nhãn hàng nói riêng và toàn ngành thương mại điện tử Việt Nam nói chung, tạo ra một cuộc cạnh tranh lớn trên thị trường.

“Các doanh nghiệp với nguồn lực vững mạnh sẵn sàng ‘đốt tiền’ cho các chiến dịch nâng cao hình ảnh thương hiệu, cộng với sự trợ giúp đắc lực từ influencer marketing, đã tạo ra một thị trường cạnh tranh nảy lửa. Với sự phát triển và xu hướng influencer marketing, năm 2020 hứa hẹn tiếp tục cuộc chiến không khoan nhượng để nâng cao thị phần giữa các thương hiệu thương mại điện tử Việt Nam”, đại diện Adsota bình luận.

Theo ông Trần Vũ Quân, chuyên gia makerting online, nhằm định vị tên tuổi của mình trên thị trường, các doanh nghiệp thương mại điện tử phải đầu tư rất nhiều ngân sách vào hạ tầng kho bãi, nguồn nhân lực và đặc biệt là các chương trình tiếp thị, quảng cáo. Trong cuộc đua này, những doanh nghiệp không đủ tiềm lực sẽ sớm bị bỏ lại phía sau.

Những xu hướng mới

Xu hướng “chi đậm” cho quảng cáo trực tuyến để giành khách hàng, chiếm thị phần trong ngành thương mại điện tử được cho là sẽ tiếp diễn và tăng cấp độ trong năm 2020, nhất là khi thị trường đang vào giai đoạn nước rút và các sàn thương mại điện tử như Tiki, Sendo vừa được “bơm” thêm nguồn vốn đầu tư mới từ các quỹ đầu tư ngoại.

Ngoài influencer marketing, theo ông Nguyễn Đình Trung, CEO Công ty Digital Media, xu hướng quảng cáo trên mobile sẽ phát triển mạnh nhất trong năm 2020. Theo thống kê, có hơn 55 triệu người Việt Nam thường xuyên truy cập Internet bằng điện thoại thông minh. “Quảng cáo trên di động dễ kích thích người tiêu dùng thực hiện hành động mục tiêu như mua hàng, nâng cao hiệu quả truyền thông, marketing cho các thương hiệu”, ông Trung nhận xét.

Trong khi đó, ông Lê Hải Bình, Chủ tịch AXYS Group dự báo, rất có thể, influencer marketing sẽ “nhường ngôi” cho xu hướng bán hàng của người ảnh hưởng (influencer sales). Bên cạnh đó, thương mại mạng xã hội sẽ góp phần giúp thương mại điện tử truyền thống phổ biến hơn, nhưng do hành lang pháp lý chưa rõ ràng, nên xu hướng này chưa có cơ hội bùng nổ.

Một xu hướng khác cũng được ông Nguyễn Bá Ngọc, Giám đốc marketing EQuest Group nhắc đến, đó là quảng cáo thông qua micro influencer (người có tầm ảnh hưởng nhỏ).

“Dù mỗi micro influencer chỉ có vài trăm like, nhưng cộng lại có thể có hiệu quả cao hơn”, ông Ngọc nói.

Giám đốc marketing EQuest Group cũng dự báo, chi tiêu cho quảng cáo online sẽ tiếp tục tăng trong tương lai gần. Trước đó, các tập đoàn lớn như P&G (toàn cầu) dừng mức phân bổ ngân sách cho quảng cáo online là 35% và đây được xem là mức hợp lý. Song đến nay, theo xu hướng chung, ngân sách cho quảng cáo online sẽ tăng cao hơn, thậm chí có thể lên đến trên 50% tổng ngân sách marketing của doanh nghiệp trong thời gian không xa.

Quảng cáo trực tuyến tiếp tục mang lại doanh thu lớn cho VNG
Công ty cổ phần VNG vừa công bố kết quả kinh doanh quý III/2018. Theo đó, doanh thu thuần và lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ đều tăng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư