Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Chỉ định thầu vẫn diễn ra tràn lan
Quang Chung (TBKTSG) - 20/08/2016 09:55
 
Chỉ định thầu đang có xu hướng quay trở lại dù hình thức lựa chọn nhà thầu này thường có chi phí cao hơn so với các hình thức khác vì thiếu tính cạnh tranh, cũng như thường có tiêu cực vì gắn liền với cơ chế xin - cho.

 Mặc dù Luật Đấu thầu và Nghị định 63 (2014) có quy định về điều kiện trong việc áp dụng hình thức chỉ định thầu nhưng thực tế nhiều địa phương, bộ ngành vẫn lạm dụng chỉ định thầu tràn lan. Ảnh minh họa
Mặc dù Luật Đấu thầu và Nghị định 63 (2014) có quy định về điều kiện trong việc áp dụng hình thức chỉ định thầu nhưng thực tế nhiều địa phương, bộ ngành vẫn lạm dụng chỉ định thầu tràn lan. Ảnh minh họa

Mặc dù Luật Đấu thầu (2013) và Nghị định 63 (2014) có quy định về điều kiện trong việc áp dụng hình thức chỉ định thầu nhưng thực tế nhiều địa phương, bộ ngành vẫn lạm dụng chỉ định thầu tràn lan, vì nó không chỉ giúp rút ngắn thủ tục triển khai dự án, mà còn là cơ hội để thu lợi vì gắn với cơ chế xin - cho, ban phát...

Theo luật sư Hồ Hoàng Đức, Đoàn luật sư TPHCM, cách “lách luật” trong thực hiện hình thức chỉ định thầu (đối với các gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ công; gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, mua thuốc, vật tư y tế, sản phẩm công) rất đơn giản. Đó là chia nhỏ gói thầu, đưa giá gói thầu xuống dưới hạn mức chỉ định thầu; hoặc là chia nhỏ dự án, công trình thành nhiều giai đoạn thực hiện để đáp ứng quy định về hạn mức chỉ định thầu. 

Thật vậy, trong lúc trà dư tửu hậu, trưởng ban quản lý dự án huyện D thuộc một tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long từng tiết lộ “chiêu” chia nhỏ một số gói thầu thuộc dự án xây mới bệnh viện đa khoa của huyện này để chỉ định thầu mà không phạm luật. Thậm chí, ông này còn cho biết có thể tách gói thầu mua sắm máy điều hòa thành hai (một cho khu A, một cho khu B) để mỗi gói thấu có giá dưới 1 tỷ đồng.

Hay như dự án làm một đoạn đường tránh quốc lộ 1 tại một tỉnh được tỉnh này tách thành 16 gói thầu khác nhau như tư vấn khảo sát, tư vấn thẩm tra thiết kế, tư vấn thẩm tra dự án, tư vấn giám sát quan trắc... nhiều gói thầu thời gian thực hiện chỉ 20- 30 ngày. Riêng các gói thầu xây lắp thì được chia nhỏ thành nhiều đoạn (đường), mỗi đoạn một gói thầu; thậm chí còn được chia theo thời gian: gói thầu 08 thực hiện trong quí 2-2016, gói thầu 11 thực hiện trong quí 1-2017.

Mặc dù, theo Luật Đấu thầu (2013) thì việc “chia dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu trái với quy định của luật này nhằm mục đích chỉ định thầu hoặc hạn chế sự tham gia của các nhà thầu” là hành vi bị cấm (điều 89.6.k). Tuy nhiên, trên thực tế hành vi này rất khó bị xử lý vì việc xác định, chứng minh hành vi vi phạm rất khó.

Tuy nhiên, theo luật sư Hồ Hoàng Đức, vấn đề lớn hiện nay là việc chỉ định thầu đối với nhà đầu tư quá phổ biến; thậm chí trở thành một phong trào. Hàng loạt công trình, dự án lớn gần đây đều được chỉ định thầu và xin được chỉ định thầu như công trình xây dựng cảng hành khách quốc tế Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang; dự án nhà ga sân bay Long Thành... và rất nhiều dự án về hạ tầng giao thông khác.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, nếu dự án cao tốc đoạn Ninh Bình (nút Mai Sơn) - quốc lộ 45 (Thanh Hóa) - có tổng mức đầu tư gần 15.000 tỷ đồng, được phê duyệt hồi tháng 3-2016 - được chỉ định thầu thì bộ này lựa chọn được nhà đầu tư ngay trong tháng 8 này (Liên danh Bắc Ái + VFS đã tiếp cận dự án) và dự kiến sẽ triển khai vào cuối năm 2016, đầu 2017.

Tương tự đối với dự án đường bộ cao tốc đoạn quốc lộ 45 - Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa) và dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Cam Lộ - La Sơn cũng vậy. Tổng mức đầu tư của hai dự án hơn 15.000 tỷ đồng nhưng nếu được chỉ định thầu, theo Bộ Giao thông Vận tải, sẽ lựa chọn được ngay nhà đầu tư triển khai dự án... Thực tế, phần lớn các dự án giao thông có hình thức đầu tư BOT là được chỉ định thầu.

Luật sư Hồ Hoàng Đức cho rằng pháp luật hạn chế chỉ định thầu, vì hình thức lựa chọn nhà thầu này rất dễ phát sinh tiêu cực. Tuy nhiên, trên thực tế, quy định của luật (trong trường hợp chỉ định thầu với nhà đầu tư) vẫn còn mang tính nguyên tắc chưa được hướng dẫn một cách chi tiết với các tiêu chí cụ thể, rõ ràng (như chỉ có một nhà đầu tư đăng ký thực hiện, chỉ có một nhà đầu tư có khả năng thực hiện...).

Mặt khác, do cơ quan quản lý còn thiếu nguồn lực, thiếu kinh nghiệm trong công tác xây dựng quy hoạch, lập dự án, xúc tiến kêu gọi đầu tư... dẫn đến tình trạng chỉ định thầu nhà đầu tư tràn lan ở các địa phương, bộ ngành mà thiếu sự thẩm định, lựa chọn phù hợp. Hậu quả là, nhiều nhà đầu tư sau khi được chỉ định cũng không có khả năng thực hiện dự án, làm lãng phí nguồn lực của đất nước, triệt tiêu động lực cạnh tranh lành mạnh và cơ hội phát triển của doanh nghiệp khác. 

Luật Đấu thầu đáp ứng được yêu cầu đặt ra
Với 440 đại biểu tán thành trong số 443 đại biểu tham gia bỏ phiếu (chiếm 99,3%), hôm qua (26/11), Quốc hội đã thông qua Luật Đấu thầu sửa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư