-
Thành phố Thái Bình vững bước tăng trưởng, tạo đà phát triển cho năm 2025 -
Công bố quyết định thành lập các đảng bộ trực thuộc Đảng bộ Thành phố Huế -
Những luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 -
3 mấu chốt ảnh hưởng tới vận hành hệ thống điện năm 2025 -
Chủ động nắm bắt cơ hội phát triển lĩnh vực công nghiệp đường sắt cho đất nước -
Bến Tre công bố 10 sự kiện, thành tựu nổi bật năm 2024
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. |
Tiếp tục phiên họp thứ 9, chiều 23/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động.
Như Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn đã phản ánh, cho đến trước buổi họp này, vẫn có sự "giằng co" giữa mức làm thêm giờ trong 1 tháng không quá 60 giờ theo quan điểm của cơ quan thẩm tra và 72 giờ theo quan điểm của Ban soạn thảo.
Báo cáo trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, Ủy ban Xã hội cho rằng, việc nâng trần thời gian làm thêm giờ trong 1 tháng lên mức không quá 72 giờ là quá cao mà cơ quan soạn thảo chưa đưa ra căn cứ thuyết phục.
Vì thế, Ủy ban này đề nghị chỉ nên nâng trần thời gian làm thêm giờ trong 1 tháng từ không quá 40 giờ lên không quá không quá 60 giờ, tương ứng với việc được áp dụng thời gian làm thêm tối đa trong 1 năm từ 200 giờ lên không quá 300 giờ (150%).
Đây cũng là ý kiến được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lựa chọn để thực hiện mục tiêu bảo đảm sức khỏe, tái tạo sức lao động, an toàn lao động của người lao động.
Quá trình thẩm tra còn có loại ý kiến thứ hai đồng tình nâng trần thời gian làm thêm giờ trong 1 tháng từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ như Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, đây là mức hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Đây cũng là ý kiến của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Do còn hai loại ý kiến khác nhau, Thường trực Ủy ban Xã hội đã xin ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hai phương án này. Kết quả: 13/18 vị tán thành phương án 1 và 5/18 vị tán thành phương án 2.
Từ kết quả này, dự thảo nghị quyết quy định, trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm tối đa 300 giờ trong 1 năm có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng.
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung vẫn tha thiết đề nghị được tăng lên 72 giờ.
"Một lần nữa, tôi xin nói đây là giải pháp tạm thời, dù không muốn, nhưng đây là vấn đề rất cần thiết, các khảo sát cho thấy phần đa người lao động và doanh nghiệp đều đồng tình theo đề xuất của Chính phủ", ông Dung nhấn mạnh.
Trên thực tiễn do sức ép đơn hàng hầu hết doanh nghiệp đều trực tiếp thoả thuận với người lao động, nhưng thoả thuận ngấm ngầm, nên đôi khi quyền lợi người lao động không được đảm bảo, ông Dung nói thêm.
Được mời phát biểu, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Phạm Tấn Công thể hiện sự đồng tình với đề xuất của Chính phủ. Ông Công cũng nhấn mạnh là nới trần làm thêm giờ không phải là ưu đãi cho doanh nghiệp, mà là cần thiết cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, ở góc nhìn tổng thể, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, phải quan tâm đến sức khoẻ hậu Covid-19 là rất nặng nề, vì thế, nên cân nhắc giữa cái lợi trước mắt và lâu dài thì không phải ai cũng làm thêm mức 72 giờ được.
Mặt khác, Chủ tịch Vương Đình Huệ cũng cho biết, ông không nhận được bất cứ văn bản nào của doanh nghiệp hay hiệp hội doanh nghiệp nào đề xuất nâng lên 72 giờ. Không có lý luận nào thuyết phục để nâng lên 72 giờ, cũng không có số liệu bao nhiêu đơn hàng doanh nghiệp làm không kịp để mà phải nâng lên 72 giờ.
Hơn một lần nhắc lại nới trần làm thêm giờ là quyền của Quốc hội ủy quyền cho Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, phải hết sức cân nhắc, trao đổi hết nhẽ và lắng nghe nhau để ra được phương án tối ưu. Hết sức khách quan kỹ lưỡng, chứ không bỏ phiếu ào ào, để tìm điểm cân bằng, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.
Phát biểu thêm từ góc nhìn cơ quan thẩm tra, bà Nguyễn Thuý Anh nói để có cơ sở xem xét khách quan vì sao nâng lên 72 giờ thì đã đề nghị Ban soạn thảo cung cấp thông tin. Và cách tính của Ban soạn thảo là mỗi ngày được làm thêm không quá 4 giờ nhân với 26 ngày trong tháng là 104 giờ, cộng với 40 giờ là quy định hiện hành thì được 144 chia đôi được 72 giờ. Tuy nhiên, cách tính này là chưa đúng, vì trong 104 giờ đã bao gồm 40 giờ được làm thêm trong 1 tháng rồi.
Cũng đồng tình chỉ nâng lên 60 giờ, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, phải đánh giá tác động toàn diện chứ không thể chỉ nhìn vào tác động kinh tế. Ông Phương cũng nhắc lại quan điểm đã nhiều lần được lãnh đạo Đảng và Nhà nước khẳng định là không đánh đổi tính mạng và sức khoẻ của dân để lấy tăng trưởng.
100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt đã nhất trí thông qua nghị quyết với quy định trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm tối đa 300 giờ trong 1 năm có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 40 giờ, nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng.
Nghị quyết cũng quy định trường hợp người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong 1 năm, trừ các trường hợp sau đây:
a) Người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi;
b) Người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;
c) Người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
d) Lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;
đ) Lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2022. Riêng quy định về số giờ làm thêm trong một năm có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.
-
Công bố quyết định của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ của 13 cơ quan, đơn vị ở Trung ương -
[Emagazine] 10 chuyển động đầu tư - kinh doanh ấn tượng năm 2024 -
Công bố Nghị quyết thành lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương -
Chính phủ ban hành quy định mới về quyền, trách nhiệm người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp -
Thủ tướng Chính phủ sẽ đối thoại với nông dân vào ngày 31/12 -
Đồng Nai vẫn loay hoay “đại phẫu” Khu công nghiệp Biên Hòa 1 -
Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường: Khiếu nại đất đai vẫn phức tạp
- Ninja Van Việt Nam tài trợ 100% chi phí vận chuyển của dự án “Áo ấm cho em”
- Sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi
- Dấu ấn Techcombank - Thương hiệu ngân hàng số 1 Việt Nam
- Mở bán thành công 30 căn nhà dãy mặt tiền phố khu dân cư Lộc An
- SeABank thông báo mời thầu
- Xuân Thiện xanh hóa tương lai