Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 19 tháng 12 năm 2024,
Chi gần 5.350 tỷ đồng hợp nhất chi trả trợ giúp xã hội và giảm nghèo
Hồng Kiều (Vietnam+) - 25/01/2018 19:31
 
Trong năm 2018, gần 5.350 tỷ đồng sẽ được đầu tư để khởi động hợp nhất hệ thống trợ giúp xã hội và giảm nghèo. Việc chi trả các trợ cấp cho các đối tượng xã hội, hộ nghèo, cận nghèo... sẽ được hiện đại hoá, quản lý bằng một hệ thống công nghệ thông tin từ cấp huyện, tỉnh đến trung ương.
Trẻ em khuyết tật bị bỏ rơi được chăm sóc tại trung tâm bảo trợ xã hội. Ảnh minh họa. (Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+)
Trẻ em khuyết tật bị bỏ rơi được chăm sóc tại trung tâm bảo trợ xã hội. Ảnh minh họa. (Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+)

Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2018 do Ban Quản lý dự án Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) tổ chức ngày 25/1, tại Hà Nội.

Dự án Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF).

Mục tiêu chính của dự án là xây dựng các giải pháp hiện đại hóa hệ thống trợ giúp xã hội, hợp nhất chương trình và quy trình triển khai các chương trình trợ giúp tiền mặt và thí điểm quá trình hiện đại hóa hệ thống tại bốn tỉnh tham gia dự án. Qua đó, dự án dự kiến sẽ đặt nền tảng vững chắc cho việc mở rộng quy mô hợp nhất và triển khai hệ thống hiện đại trên toàn quốc cho những năm sau năm 2020.

Dự án Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam có tổng vốn đầu tư là 62,5 triệu USD, triển khai trong giai đoạn 2014 đến hết 31/12/2019 tại 4 tỉnh thí điểm là Hà Giang, Quảng Nam, Lâm Đồng và Trà Vinh. 

Dự án hỗ trợ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng một cơ sở dữ liệu quốc gia hợp nhất và đồng bộ có thể khai thác cho nhiều chính sách trợ giúp xã hội và xóa đói giảm nghèo. Cơ sở dữ liệu đăng ký quốc gia được xây dựng nhằm quản lý thông tin (theo hộ gia đình) của các nhóm dân cư dễ tổn thương nhất bao gồm hộ nghèo, cận nghèo, hộ sinh sống trong các vùng nghèo, vùng đặc biệt khó khăn và các hộ có đối tượng bảo trợ xã hội.

Ban quản lý dự án "Tăng cường sự trợ giúp xã hội Việt Nam" đang vận hành Hệ thống thông tin quản lý thông tin trợ giúp xã hội và giảm nghèo (MIS POSASoft). Hệ thống sẽ vận hành thống nhất từ cấp huyện, tỉnh và trung ương, hỗ trợ quản lý biến động về người hưởng lợi. Đồng thời, hệ thống theo dõi được dòng tài chính dành cho trợ giúp xã hội, hỗ trợ cán bộ quản lý trong công tác báo cáo, giám sát và phục vụ xây dựng định hướng chính sách.

Ông Đặng Kim Chung, Giám đốc Ban quản lý dự án cho biết, việc triển khai áp dụng hệ thống MIS POSASoft vào công tác quản lý sẽ giúp giảm thiểu áp lực về hành chính, nhân sự, tăng cường hiệu quả giám sát báo cáo và đảm bảo tính minh bạch trong việc thực hiện chi trả các khoản hỗ trợ.

Tính đến tháng 12/2017, số đối tượng hưởng trợ cấp xã hội theo dự án là hơn 560.000 đối tượng. Sau hơn 2,5 thực hiện dự án thí điểm, các đối tượng tham gia đã tăng đáng kể nhờ vào kết quả tuyên truyền và nỗ lực của các địa phương trong việc xét duyệt các đối tượng tham gia dự án.

Trong năm 2017, tổng giá trị giải ngân của toàn dự án là 194,58 tỷ đồng, tương đương với 62,51% kế hoạch năm. Sang năm 2018, kế hoạch giải ngân của dự án là 189,84 tỷ đồng nguồn vốn ODA và 5.160 tỷ đồng tiền nguồn vốn đối ứng.

Giảm nghèo bền vững là định hướng rất quan trọng của đất nước
Chiều 16/10, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế (Hà Nội), Ngân hàng Chính sách xã hội (VBSP) đã tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện tín...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư