Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Tiêu điểm kinh doanh trong tuần
Chi phí bào mòn lợi nhuận nhiều doanh nghiệp; Vietravel âm vốn chủ sở hữu; Vietjet, ACV lãi ròng tăng nhẹ
Khánh An tổng hợp - 07/05/2022 10:36
 
Dabaco ghi nhận lãi quý I bé nhất 10 quý. Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai tiếp tục kinh doanh dưới giá vốn. Vinamilk hụt hơn 12% lợi nhuận sau thuế. Tân Tạo có tổng giám đốc mới.

Chi phí cao, bào mòn lợi nhuận doanh nghiệp xi măng, nông nghiệp

.
Quý I/2022, dù doanh thu tăng, lợi nhuận Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 giảm gần 74% so với cùng kỳ năm trước.

Giá than, xăng dầu và nhiều nguyên nhiên liệu khác tăng cao làm đội giá thành sản xuất, khiến lợi nhuận các doanh nghiệp xi măng suy giảm.

Dù doanh thu quý I tăng trưởng, lợi nhuận Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 vẫn giảm gần 74% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 25 tỷ đồng. Đây là quý công ty có lợi nhuận thấp nhất kể từ quý I/2018.

Tương tự, Công ty cổ phần Vicem Thạch cao Xi măng quý I lỗ thêm gấp đôi so với cùng kỳ 2021 và là mức lỗ nặng nhất 13 năm qua.

So với quý đầu năm ngoái, Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hải Vân có doanh thu giảm hơn 17%, lợi nhuận sau thuế giảm 8%. Còn Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hoàng Mai lãi sau thuế nhích nhẹ so với cùng kỳ, lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh lại giảm đến 93%, chỉ ở mức 19 triệu đồng. Lãi của doanh nghiệp này chủ yếu đến từ khoản lợi nhuận khác tăng đột biến gấp 3 lần.

Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, than là nguyên liệu đầu vào quan trọng nhất, thường chiếm khoảng 35-40% giá thành sản xuất xi măng. Trong đó, gần hai phần ba lượng than phải nhập khẩu khiến giá thành sản xuất xi măng tại Việt Nam phụ thuộc lớn vào giá than thị trường quốc tế.

Xi măng cũng là ngành sản xuất thâm dụng điện năng, chi phí điện chiếm tới 15-20% giá thành thành phẩm.

Trong bối cảnh tương tự, kết quả kinh doanh nhiều doanh nghiệp làm nông ảm đạm trước bối cảnh giá phân bón, thức ăn chăn nuôi, cước vận tải… tăng mạnh.

Sau 3 quý thua lỗ liên tiếp, Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai tiếp tục kinh doanh dưới giá vốn. Công ty nông nghiệp của tỷ phú Trần Bá Dương lỗ 113 tỷ đồng trong khi cùng kỳ vẫn có lợi nhuận dương.

Mảng nông nghiệp của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận thêm một quý thua lỗ khi lợi nhuận âm gần 56 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 392 tỷ đồng.

.
Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) chỉ ghi nhận lãi sau thuế gần 9 tỷ đồng, mức thấp nhất 10 quý gần đây

Không đến mức thua lỗ nhưng Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) chỉ ghi nhận lãi sau thuế gần 9 tỷ đồng. Mức này giảm đến gần 98% so với cùng kỳ và trở thành con số thấp nhất 10 quý gần đây.

Khả quan hơn, nhưng Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) vẫn hụt hơn 12% lợi nhuận sau thuế.

Chi phí đầu vào là nhân tố chính ăn mòn lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp nông nghiệp. Ban lãnh đạo HAGL Agrico cho biết, giá phân bón và vật tư nông nghiệp tiếp tục tăng 130%, bao bì đóng gói trái cây cũng tăng 15% so với đầu năm ngoái. Trong khi đó, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao khiến Hòa Phát phải duy trì mức sản lượng phù hợp, tiết kiệm chi phí nhằm tối ưu giá thành.

Với Vinamilk, nguyên vật liệu đầu vào là yếu tố chính đưa biên lợi nhuận gộp doanh nghiệp xuống thấp trong kỳ.

Nhóm chi phí này tiếp tục duy trì ở mức cao do thiếu hụt nguồn cung và ảnh hưởng từ khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu. Thêm vào đó, việc giá dầu thô tăng cao đã làm đội thêm chi phí vận chuyển, đẩy giá vốn bán hàng và nhiều chi phí đầu vào tăng theo.

Hàng không, du lịch mở lại, Vietjet, ACV báo lãi, Vietravel vẫn đau đầu vì âm vốn.

.
 Vietravel vừa báo lỗ hơn 100 tỷ đồng trong quý 1/2022, đánh dấu quý lỗ thứ 5 trong 6 quý vừa qua

Quý I, Vietjet lãi ròng 244 tỷ đồng, cao nhất kể từ quý IV/2020.

Hãng hàng không giá rẻ ghi nhận doanh thu cao nhất kể từ quý II/2020, đạt 4.522 tỷ đồng và tăng 12% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, doanh thu vận tải hàng không là 3.340 tỷ đồng, tăng 17%.

Tuy nhiên, hoạt động chung của ngành hàng không vẫn rất khó khăn khi phải kinh doanh dưới giá vốn, lợi nhuận gộp của Vietjet bị âm 257 tỷ đồng (con số của quý I/2021 là âm 1.014 tỷ đồng).

Trong 3 tháng đầu năm, chi phí tài chính tăng gấp 10,6 lần lên 403 tỷ đồng, với riêng chi phí lãi vay là 339 tỷ đồng. Chi phí bán hàng tăng 13% lên 129 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 10% lên 118 tỷ đồng. Duy chỉ có phần lỗ từ các công ty liên kết không còn (cùng kỳ lỗ hơn 3 tỷ đồng).

Trong khi đó, doanh thu hoạt động tài chính của Vietjet giảm sút từ 1.395 tỷ đồng xuống còn 1.156 tỷ đồng, tức giảm 17%.

Với các biến động nêu trên, Vietjet ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 244 tỷ đồng, tăng 98% so với cùng kỳ năm 2021, đồng thời là mức cao nhất kể từ quý IV/2020, khi đại dịch Covid-19 xuất hiện. 

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) ghi nhận lãi ròng tăng nhẹ.

Trong 3 tháng đầu năm, ACV ghi nhận doanh thu thuần 2,109 tỷ đồng và lợi nhuận gộp 655 tỷ đồng, tăng tương ứng 11% và 85% so với cùng kỳ. Đằng sau đó, biên lãi gộp tăng mạnh lên 31% trong quý 1/2022, cao hơn nhiều so với mức 18.6% của cùng kỳ.

.
ACV báo lãi ròng 875 tỷ đồng trong quý 1/2022, tăng nhẹ so với cùng kỳ.

Trong kỳ, ACV ghi nhận doanh thu tài chính giảm 26% xuống 663 tỷ đồng, chủ yếu là do lãi tiền gửi và lãi chênh lệch tỷ giá giảm mạnh. Tại cuối tháng 3, Công ty gửi ngân hàng ngắn hạn hơn 30.5 ngàn tỷ đồng, giảm so với mức gần 32.7 ngàn tỷ hồi đầu năm

Sau khi trừ đi các khoản chi phí, ACV báo lãi ròng 875 tỷ đồng trong quý 1/2022, tăng nhẹ so với cùng kỳ.

Trong khi đó, Vietravel vừa báo lỗ hơn 100 tỷ đồng trong quý 1/2022, đánh dấu quý lỗ thứ 5 trong 6 quý vừa qua. Đáng chú ý hơn, vốn chủ sở hữu của ông lớn ngành du lịch này cũng đã âm.

Trong 3 tháng đầu năm, Vietravel ghi nhận doanh thu thuần 216 tỷ đồng và lãi gộp 5 tỷ đồng, đều giảm 22% so với cùng kỳ.

Trong kỳ, Công ty ghi nhận khoản lỗ 60 tỷ đồng từ hãng bay Vietravel Airlines. Trong khi đó, các khoản chi phí đều giảm mạnh, trong đó chi phí bán hàng giảm tới 81%, chi phí quản lý doanh nghiệp hạ 52%.

Khép lại quý đầu năm, Vietravel lỗ ròng tới 108 tỷ đồng, đánh dấu quý lỗ thứ 5 trong 6 quý vừa qua.

Theo giải trình từ Vietravel, ngành du lịch và hàng không vẫn chịu tác động nặng nề từ dịch Covid-19. Vietravel Airlines vẫn chưa khai thác hết công suất, đồng thời cũng chịu gánh nặng từ đà tăng của chi phí nhiên liệu.

Khoản lỗ nặng của quý I/2022 đã đẩy vốn chủ sở hữu của Vietravel xuống mức âm. Cụ thể, vốn chủ sở hữu đang âm hơn 100 tỷ đồng tại cuối quý 1, trong khi cùng kỳ dương gần 8 tỷ đồng.

Để tiếp tục hỗ trợ các hãng hàng không vượt qua giai đoạn khó khăn, tạo tiền đề cho sự phục hồi và phát triển trong tương lai, Cục Hàng không Việt Nam đã đề xuất Bộ Giao thông - Vận tải tiếp tục ban hành chính sách “giảm 50% giá dịch vụ hạ cất cánh tàu bay đối với các chuyến bay nội địa từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành hàng không cũng đề xuất áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022.

Tân Tạo có Tổng giám đốc mới, vẫn là người của gia đình họ Đặng nổi tiếng trong ngành bất động sản công nghiệp

Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo - Itaco vừa công bố thông tin, ông Đặng Quang Hạnh được HĐQT bổ nhiệm giữ chức Tổng giám đốc kể từ ngày 4/5/2022.

.
Bà Đặng Thị Hoàng Yến và ông Đặng Thành Tâm

Ông Hạnh thay thế cho người tiền nhiệm trước đó là bà Đặng Thị Hoàng Yến (Maya Dangelas), cũng là chị gái của ông. Bà Hoàng Yến hiện vẫn là chủ tịch Itaco, còn ông Hạnh cũng là Ủy viên HĐQT ITA và là Chủ tịch HĐQT Bệnh viện Đại học Y Tân Tạo.

Ông Đặng Quang Hạnh từng làm Tổng Giám đốc của Tân Tạo năm 2017, nhưng chỉ khoảng một tháng đã xin từ nhiệm. Bà Yến kiêm nhiệm vị trí này từ thời điểm đó. Ông Hạnh trở lại, tham gia HĐQT ITA tại ĐHCĐ thường niên năm 2022 vừa diễn ra. 

Như vậy, cả ba chị em bà Đặng Thị Hoàng Yến, ông Đặng Thành Tâm và ông Đặng Quang Hạnh đều đã trở lại với hoạt động kinh doanh bất động sản công nghiệp tại Việt Nam. Ông Đặng Thành Tâm từng là người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam, bà Đặng Thị Hoàng Yến cũng là nữ doanh nhân nổi bật với đế chế Itaco và những dự án có quy mô lên tới tỷ USD.

Ông Đặng Thành Tâm vẫn là Chủ tịch Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC).

Bà Đặng Thị Hoàng Yến cũng vắng mặt trong 8 kỳ đại hội gần đây của CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo. Trong cuộc họp gần đây, bà Yến tham gia thông qua họp trực tuyến.

Vietravel muốn phát hành 6 triệu cổ phiếu để hoán đổi khoản nợ với Hưng Thịnh
Vietravel (UPCoM: VTR) sẽ phát hành 6 triệu cổ phiếu để hoán đổi khoản nợ 168 tỷ đồng với Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư