Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Chi phí kinh doanh đã giảm?
Hà Chính (VGPNews) - 02/01/2018 16:30
 
Sau cuộc gặp Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp tháng 5/2017, năm 2017 được chọn là “giảm chi phí cho doanh nghiệp”. Vậy trong năm qua, các nỗ lực giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp đã đạt kết quả thế nào?
Nhiều loại chi phí cho doanh nghiệp bước đầu đã giảm. Ảnh minh họa: HNMO
Nhiều loại chi phí cho doanh nghiệp bước đầu đã giảm. Ảnh minh họa: HNMO

Trong báo cáo mới đây gửi Chính phủ về tình hình triển khai Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nêu rõ các kết quả này.

Cụ thể, Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ Tài chính có các văn bản triển khai việc rà soát, điều chỉnh mức thu phí đường bộ, báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án giảm giá đối với xe loại 4 từ mức 140.000 đồng xuống 120.000 đồng và nhóm 5 từ mức 200.000 đồng xuống 180.000 đồng. Đồng thời, đàm phán thống nhất với các nhà đầu tư để giảm mức phí tại các trạm thu phí của các dự án BOT.

Tính đến thời điểm báo cáo, trong tổng số 73 trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ, (bao gồm: 55 trạm thuộc các dự án BOT đã hoàn thành đi vào khai thác và 18 trạm thuộc các dự án BOT đang thực hiện đầu tư, chưa thu giá dịch vụ), Bộ đã triển khai thực hiện giảm giá 35 trạm.

Bộ Giao thông vận tải cũng đã lập tổ công tác liên ngành xem xét, đề xuất tăng cường quản lý, giám sát giá; cắt giảm các khoản phụ thu bất hợp lý đối với hàng hóa xuất nhập khẩu vận chuyển bằng đường biển.

Bộ Tài chính đã tiến hành dự thảo 17 Thông tư điều chỉnh mức thu phí, lệ phí do các Bộ ngành, trong đó dự kiến bỏ quy định thu 6 khoản phí và 4 khoản lệ phí (được chi tiết thành 17 dòng phí, lệ phí); điều chỉnh giảm mức phí đối với 21 khoản phí và 2 khoản lệ phí (được chi tiết thành 47 dòng phí, lệ phí) với mức giảm khoảng từ 5% - 25% so với mức hiện hành; cá biệt có một số khoản phí điều chỉnh mức giảm lớn hơn. Dự thảo đã được gửi lấy ý kiến các Bộ ngành, địa phương; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và một số doanh nghiệp và hiệp hội liên quan.

Hội đồng tiền lương quốc gia đã tiến hành họp, thương lượng và thống nhất phương án tiền lương tối thiểu vùng 2018, tăng bình quân 6,5% để khuyến nghị với Chính phủ (tăng từ 180 nghìn đồng - 230 nghìn đồng so với mức năm 2017; tương ứng với mức tăng từ 6,1% đến 7,0% so với năm 2017). Mức tăng này chủ yếu bù trượt giá, phù hợp với năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế và cũng đã tính đến điều kiện sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn và bù đắp một phần bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.

Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp giảm từ 1% xuống còn 0,5% theo quy định tại Nghị định số 44/2017/NĐ-CP.

Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện cân đối vốn, ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Các tổ chức tín dụng đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên; tích cực giảm lãi suất thông qua một số chương trình tín dụng hỗ trợ phát triển doanh nghiệp với lãi suất thấp hơn trần của Ngân hàng Nhà nước (thấp hơn khoảng 0,5-1%/năm); giảm lãi suất một số chương trình cho vay trung, dài hạn đối với lĩnh vực ưu tiên xuống còn khoảng 8%/năm…

Chí phí kinh doanh cơ bản còn cao

Tuy nhiên, theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, chi phí kinh doanh cơ bản còn ở mức cao. Cụ thể như lĩnh vực logistic, Hiệp hội Logistics cho biết việc vận chuyển 1 container 40 feet từ Lạng Sơn đến TP Hồ Chí Minh phải qua 29 trạm thu phí, với tổng phí là 4,8 triệu đồng, chưa kể các chi phí không chính thức. Chi phí về logistics hiện chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu chi phí kinh doanh của các doanh nghiệp ở Việt Nam (chiếm đến khoảng 20% GDP theo báo cáo của WB).

Trong kiểm tra chuyên ngành, chi phí rất cao trong một số ngành như y tế, nông nghiệp. VCCI cho biết hiện nay có khoảng trên dưới 300 văn bản điều chỉnh lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành, khó khăn cho doanh nghiệp để tuân thủ và khó cho cả các cán bộ kiểm tra. Ngoài ra, một số loại phí và lệ phí quá cao, ví dụ chi phí cấp chứng chỉ nguồn gốc thuỷ sản khai thác để xuất khẩu, lên tới trên 700 triệu đồng cho 1.200 chứng chỉ đối với một doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ có quy mô vừa.

Cũng trong kiểm tra chuyên ngành, xuất hiện tình trạng doanh nghiệp bị chỉ định sử dụng cơ sở độc quyền cung cấp dịch vụ kiểm định.

Mức đóng bảo hiểm xã hội còn tạo chi phí cao đối với nhiều ngành, đặc biệt các ngành sử dụng nhiều lao động.  Chi phí thuê mặt bằng sản xuất, kinh doanh còn quá cao, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo phản ánh của VCCI, nhiều doanh nghiệp có ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật thuế. Nhiều ý kiến của doanh nghiệp cho rằng việc tăng thuế đối với 1 số mặt hàng và thuế GTGT cần cân nhắc kỹ và xây dựng lộ trình dài hạn để tránh ảnh hưởng tới “sức khỏe” của nền kinh tế.

Việc tăng lương tối thiểu vùng cần cân nhắc và có lộ trình phù hợp với sức chịu đựng của doanh nghiệp, nhất là đối với các ngành đang sử dụng nhiều lao động hiện nay như dệt may, da giầy... Doanh nghiệp cũng kiến nghị giảm tốc độ điều chỉnh lương tối thiểu hàng năm.

Doanh nghiệp cũng cho rằng căn cứ đóng BHXH từ năm 2018 là tổng các khoản thu nhập của người lao động dẫn đến mức đóng thực tế rất cao và kiến nghị lùi thời hạn thực hiện chính sách này đến năm 2020 và kiến nghị nghiên cứu lại chính sách này.

Doanh nghiệp kiến nghị xây dựng cơ chế miễn hoặc giảm phí đóng vào Quỹ an toàn lao động cho các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động, không để xảy ra tai nạn lao động trong năm trước. Thực tế quỹ này đang kết dư nhiều tiền. Đồng thời triển khai thực hiện đề xuất của Chính phủ giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động xuống 0,5%.

Một số doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị năm 2018 tiếp tục đặt trọng tâm vào vấn đề giảm chi phí cho doanh nghiệp để tác động đối với cộng đồng doanh nghiệp sẽ rõ nét hơn và phát huy các kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã triển khai năm trong 2017.

TS. Nguyễn Đình Cung: Năm 2018 vẫn phải là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp
Đề nghị các bộ, ngành hoàn tất việc rà soát điều kiện kinh doanh cần bãi bỏ, sửa đổi trước quý II/2018 đang được TS. Nguyễn Đình Cung,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư