Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
TS. Nguyễn Đình Cung: Năm 2018 vẫn phải là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp
Khánh Linh - 16/11/2017 11:55
 
Đề nghị các bộ, ngành hoàn tất việc rà soát điều kiện kinh doanh cần bãi bỏ, sửa đổi trước quý II/2018 đang được TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đề xuất.
.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Bàn về các giải pháp cụ thể thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2018 tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam: Động lực tăng trưởng và giải pháp thúc đẩy, TS.Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, dư địa để cải thiện môi trường kinh doanh thông qua việc thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về môi trường kinh doanh còn rất lớn.

“Phần việc cần tập trung nhất thời điểm này là hoàn thành việc bãi bỏ ít nhất 1/3-1/2 số quy định hiện có về điều kiện kinh doanh theo như nghị quyết của Chính phủ. Các giải pháp cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp đã thực hiện trong năm 2016-2017 mới bắt đầu có tác động. Việc này cần thúc đẩy mạnh hơn nữa trong 2018 để thúc đẩy các kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân”, ông Cung khuyến nghị.

Ông Cung tiếp tục giữ quan điểm, đầu tư của khu vực tư nhân là động lực quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2018 và những năm tới.

"Cách duy nhất để thúc đẩy khu vực tư nhân là làm cho hoạt động kinh doanh tự do hơn, thuận lợi hơn, an toàn hơn, rủi ro giảm và chi phí giảm, tăng lợi nhuận cho nhà đầu tư và doanh nghiệp….", ông Cung nói.

Cụ thể, đối với các bộ đã rà soát, có quyết định bãi bỏ các điều kiện kinh doanh cụ thể, thì hoàn thành việc xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan trước quý II/2018.

Đổi với các bộ chưa rà soát, chưa có kết quả rà soát, thì yêu cầu hoàn thành rà soát trước tháng 3/2018 và hoàn thành soạn thảo nghị định về bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn cần thiết trước trong quý II/2018.

Cùng với việc thúc đẩy tiến độ rà soát hệ thống điều kiện kinh doanh, ông Cung cũng khuyến nghị hoàn thành việc loại bỏ ít nhất ½ số mặt hàng thuộc điện kiểm tra chuyên ngành xuất nhập khẩu; đồng thời, chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý nhà nước từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm.

“Lâu nay, các bộ rà soát phần danh mục của riêng mình, nay cần sự phối hợp. Chúng tôi đề nghị Chính phủ yêu cầu Tổng cục hải quan tập hợp, cung cấp danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành của các bộ ngành có liên quan. Các bộ ngành rà soát, quyết định danh mục hàng hóa cụ thể được loại bỏ khỏi danh mục kiểm tra chuyên ngành và quyết định bổ sung, sửa đổi danh mục (mới) các hàng hóa kiểm tra chuyên ngành trước quý II/2018”, ông Cung nói.

Với các đề xuất chính sách này, ông Cung cho rằng, Việt Nam có thể đặt mục tiêu tăng 14-18 bậc về môi trường kinh doanh trong lần xếp hạng tới.

“Mục tiêu thăng hạng này hoàn toàn có thể đạt được, nhất là khi Thủ tướng Chính phủ đang gây áp lực hành chính mạnh mẽ trong việc thực thi các yêu cầu trên”, ông Cung nói và đề xuất công khai tình hình thực hiện để có thêm áp lực từ công luận trong việc thực hiện nhiệm vụ cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, danh mục hàng hóa quản lý chuyên ngành của các bộ, ngành, địa phương.

Trong Bảng xếp hạng Môi trường kinh doanh năm 2018 của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đã tăng 14 bậc, đang đứng ở vị trí 68/190. Đây là mức tăng bậc nhiều nhất trong thập niên qua của Việt Nam trong Bảng xế hạng Môi trường kinh doanh của WB.

[Infographic] Xếp hạng môi trường kinh doanh Việt Nam tăng 14 bậc
Theo Bảng xếp hạng Doing Business 2018 của Ngân hàng Thế giới (WB), xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2018 đã tăng lên 14 bậc so với năm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư